Con số này được tính dựa trên tỉ lệ 6% sở hữu vốn điều lệ lẫn nhau giữa các ngân hàng thương mại. Theo ông Tú, tỉ lệ này là thấp và đã giảm so với trước.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) có thể được xem là trường hợp điển hình. Trước đây, VCB sở hữu 5,1% Ngân hàng Phương Đông và 5,3% Ngân hàng Sài Gòn Công Thương, nhưng nay tỉ lệ này đã lần lượt giảm xuống còn 4,7% và 4,37%. Tỉ lệ sở hữu của VCB ở Ngân hàng Quân Đội cũng giảm còn 9,6% từ mức 11%.
Tỉ lệ sở hữu chéo giữa các ngân hàng đã giảm còn 6%. Ảnh minh họa
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực giải quyết vấn đề sở hữu chéo trong ngân hàng, việc tỉ lệ sở hữu chéo giảm là một tín hiệu lạc quan. Thế nhưng, có vẻ như mừng hơi sớm.
Một điều lưu ý là vốn điều lệ ở các ngân hàng đều tăng lên trong khi lượng cổ phiếu sở hữu lại không thay đổi (theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2013, quy mô vốn điều lệ của cả hệ thống ngân hàng đã tăng 11,2% so với năm trước đó). Điều đó có nghĩa là tỉ lệ sở hữu chéo giữa các ngân hàng giảm là chuyện đương nhiên. Tỉ lệ sở hữu của VCB ở 3 ngân hàng nói trên giảm cũng vì lý do này.
Cho dù tỉ lệ sở hữu chéo giữa các ngân hàng có giảm thật thì vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhõm. Bởi lẽ, theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, có một loại sở hữu khác còn đáng lo hơn: sở hữu của công ty hay cá nhân trong ngân hàng.
Suy cho cùng, ngân hàng chỉ là trung gian tài chính giúp dịch chuyển dòng vốn, còn người được quyền sử dụng vốn mới đáng để bàn đến. Nếu người sử dụng vốn (cũng là cổ đông của ngân hàng) dùng vốn sai mục đích thì sẽ dẫn đến rủi ro cho ngân hàng, nhất là rủi ro nợ xấu.
Trong giai đoạn Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ tối thiểu lên 3.000 tỉ đồng, nhiều doanh nghiệp đã nhảy vào đầu tư ngân hàng. Trong báo cáo về sở hữu chéo ở Việt Nam năm 2013, Tiến sĩ Đinh Tuấn Minh, thành viên nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô (thuộc Ủy ban Kinh tế Quốc hội), cho biết tính đến cuối năm 2011, có tới gần 40 công ty nhà nước và tư nhân nắm giữ trên 5% cổ phần ở các ngân hàng.
Mặc dù từ năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một khung pháp lý kiểm soát vấn đề sở hữu chéo (đến năm 2011, khung pháp lý này mới được thực hiện), nhưng cho đến nay, tình trạng lách luật vẫn chưa chấm dứt.
Theo Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, giới hạn sở hữu cổ phần tối đa của ngân hàng đối với cá nhân là 5% và 20% đối với cổ đông tổ chức và người có liên quan. Tuy nhiên, đã có một số trường hợp lách luật bằng cách để người khác hoặc pháp nhân khác đứng tên sở hữu, trong khi “khung giám sát chỉ kiểm tra những người có liên quan theo kiểu gia đình”, ông Tuấn, Fulbright, cho biết.
Lúc đó, hình thức mua trái phiếu doanh nghiệp được ngân hàng ưa chuộng vì được xem là một khoản đầu tư chứng khoán, không phải trích lập dự phòng. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã hạn chế tình trạng này bằng cách quy định các ngân hàng mua trái phiếu cũng đồng nghĩa với tăng trưởng tín dụng. Sau quy định này, trái phiếu doanh nghiệp đã trở nên ế ẩm.
Cho vay kiểu này rất nguy hiểm cho hệ thống ngân hàng và hệ lụy cuối cùng là nợ xấu tăng lên, ngân hàng dần cụt vốn do trích lập dự phòng. Đơn cử là trường hợp của Navibank. Theo báo cáo thường niên năm 2011, Navibank mua 1.700 tỉ đồng trái phiếu của 3 công ty có liên quan đến ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Navibank. Đó là Công ty Xây dựng Sài Gòn, Công ty Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng và Công ty Phát triển Đô thị Sài Gòn - Tây Bắc. Trong 2 năm sau, nợ xấu của Navibank đã tăng vọt. Đến cuối năm 2013, tỉ lệ nợ xấu lên đến hơn 6%. Ngân hàng này đã tự thực hiện tái cấu trúc. Gần đây, nhóm cổ đông mới đã vào thay thế nhóm cổ đông cũ và Navibank đã đổi tên thành Ngân hàng Quốc Dân.
Điều đáng lo là ở khối ngân hàng tư nhân, mức độ sở hữu của doanh nghiệp hay cá nhân trong ngân hàng đang tăng lên chứ không giảm đi. “Các thương vụ tái cấu trúc đang làm tăng mức độ sở hữu chéo”, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận xét.
Đồng quan điểm, ông Tuấn, Fulbright, cho rằng tuy giải quyết được vấn đề thanh khoản của ngân hàng, nhưng điều đáng ngại nhất ở các thương vụ này vẫn là “luật chơi vẫn không thay đổi”, nghĩa là ngân hàng vẫn có khả năng lách luật để cho vay sai quy định. Trường hợp Trustbank đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng ngay sau khi nhóm cổ đông mới nhảy vào là một ví dụ. Nhóm cổ đông này hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và ngân hàng này cũng đặt ra mục tiêu tài trợ vốn cho các dự án thuộc lĩnh vực bất động sản, xây dựng.
Trở lại với con số 6% sở hữu lẫn nhau giữa các ngân hàng, ông Tuấn cho rằng tỉ lệ này không hẳn là nhỏ. Hãy thử hình dung trung bình các ngân hàng đều có tỉ lệ sở hữu lẫn nhau đến 6%, nghĩa là họ đều là cổ đông lớn (theo quy định, trên 5% được xem là cổ đông lớn) của một ngân hàng khác, vì thế sẽ có ảnh hưởng nhất định đến ngân hàng đó.
Xem ra thị trường tài chính Việt Nam vẫn còn thiếu một bản đánh giá toàn diện về sở hữu chéo ở các ngân hàng dưới các hình thức sở hữu khác nhau. Ông Tuấn cho rằng để đo lường vấn đề này, có thể sử dụng chỉ số quyền kiểm soát ngân hàng. Chỉ số này được tính toán bằng cách xác định quyền lực thực sự của cổ đông dựa trên quyền bỏ phiếu.
Theo ông, trong trường hợp Sacombank, “về mặt danh nghĩa là không có cổ đông nào chi phối được ngân hàng, nhưng theo chỉ số này thì ngược lại”. Đây là kết quả của một nghiên cứu sẽ được nhóm ông Tuấn công bố vào tháng 5 tới.