Sợ hơn cả bom

Sợ hơn cả bom
TP - Sau vụ đánh bom kép ở thành phố Boston (Mỹ), khiến 3 người chết, 176 người bị thương, người ta bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi, đồng thời cũng đối mặt nhiều nỗi lo. Vụ tấn công đẫm máu này lẽ ra có thể ngăn ngừa được?

> Nghi phạm đánh bom Boston là anh em ruột gốc Nga
> Đấu súng nghi phạm đánh bom Boston, cảnh sát bị bắn chết

Để đảm bảo an ninh cuộc thi marathon Boston 2013, ngoài cảnh sát địa phương và cảnh sát bang Massachusetts, giới chức Mỹ còn viện tới sự trợ giúp của khoảng 460 thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia.

Cảnh sát lập nhiều trạm kiểm soát để chặn phương tiện giao thông, hỏi kỹ lái xe đi đâu làm gì và ngó nghiêng đồ đạc trong xe. Tuy nhiên, họ hầu như không để ý người đi bộ hoặc di chuyển bằng phương tiện công cộng. Trước giờ thi, các đội rà bom mìn “cày xới” đường chạy hai lần.

Sau khi hai quả bom phát nổ gần vạch đích, nhiều người thắc mắc sao cảnh sát không lục soát túi xách, không tập trung quân số ở vị trí nhiều người xem nhất? Một số người giải đáp: nếu sự kiện thể thao diễn ra trong không gian kín như nhà thi đấu, sân vận động, lực lượng an ninh có thể dễ dàng kiểm soát vào-ra, lắp đặt máy dò kim loại, thiết bị điện tử…

Nhưng đây là đường đua marathon dài hơn 42km, chạy ngang nhiều văn phòng, khách sạn, khu dân cư…, với 23.326 vận động viên đến từ hơn 90 nước chạy trên đường. Lấy đâu ra cho đủ cảnh sát để kiểm tra túi xách của nửa triệu người xem không cố định?

Vậy tại sao người ta lại khủng bố dân thường tại một sự kiện thể thao đại chúng? Phải chăng khủng bố đã thay đổi mục tiêu, chọn những nơi, những người dễ tấn công? Dù tài liệu của Bộ An ninh Nội địa Mỹ nói rằng, bom áp suất (loại dùng để đánh bom ở Boston) thường được sử dụng ở Afghanistan, Pakistan, Nepal và Ấn Độ, và không có gì đảm bảo rằng, hung thủ không đến từ các tổ chức Hồi giáo cực đoan.

Hung thủ có thể là người da trắng, là công dân Mỹ, thậm chí là một cá nhân nào đó muốn “đốt đền” chứ không phải “xây đền”. Thời buổi internet, người ta có thể đọc hướng dẫn trên mạng, làm bom từ nồi áp suất, vòng bi, đinh sắt… với chi phí khoảng 100 USD, hoặc chiết xuất ricin cực độc từ hạt thầu dầu, tẩm vào thư gửi cho Tổng thống Mỹ Barack Obama hay người hàng xóm của mình.

Vụ đánh bom được coi là hành động khủng bố ngày 15/4 ở Boston cướp đi ba sinh mạng. Hãy xem thống kê về số người chết ở Mỹ trung bình trong một ngày bình thường.

Gần 1.190 người tử vong vì hút thuốc, 306 vì béo phì, 232 vì uống rượu, 150 vì tiếp xúc chất độc, 120 vì sai sót y tế có thể phòng tránh được, 117 vì tai nạn giao thông, 79 vì súng đạn (trong đó có 29 ca giết người), 54 vì mắc bệnh lây qua đường tình dục, 46 vì sốc ma túy. Nhưng có những thứ không có tiếng nổ còn đáng sợ hơn cả bom!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG