Sợ đòi nợ thuê biến tướng, TP HCM muốn cấm kinh doanh

Một nhóm bắt giữ con nợ bị Công an quận 12 bắt giữ trên địa bàn TPHCM
Một nhóm bắt giữ con nợ bị Công an quận 12 bắt giữ trên địa bàn TPHCM
TPO - UBND TPHCM cho rằng, nhiều vụ việc công ty đòi nợ thuê sử dụng những đối tượng có tiền án tiền sự, băng nhóm tội phạm để đòi nợ, thậm chí dùng cả vũ lực đe dọa trấn áp con nợ… gây bất ổn xã hội.

UBND TPHCM vừa có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh trước những biến tướng nguy hại của hoạt động này.

Theo UBND TPHCM, tính đến hết quý I/2019, toàn thành phố có có 45 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động kinh doanh đòi nợ (3 công ty có yếu tố nước ngoài) với tổng số vốn điều lệ hơn 111 tỷ đồng, 711 người lao động (5 người nước ngoài).

Công an TPHCM đã kiểm tra đột xuất 2 doanh nghiệp, qua đó phạt hành chính số tiền 3 triệu đồng về lỗi “Sử dụng người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào làm việc trong cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự”.

Cụ thể, vào ngày 29/3/2019, Công an TP.HCM kiểm tra công ty cổ phần dịch vụ thu hồi nợ Hùng Long (Q.Tân Bình, TP.HCM), phát hiện cơ sở có hai nhân viên không đủ điều kiện về bằng cấp chuyên môn theo quy định.

UBND TPHCM cho rằng, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc có dấu hiệu băng nhóm tội phạm câu kết gây ảnh hưởng xã hội. Công ty đòi nợ thuê sử dụng những đối tượng là tiền án tiền sự, băng nhóm tội phạm để đòi nợ, thậm chí dùng cả vũ lực đe dọa trấn áp con nợ… gây bất ổn xã hội.

Trong khi đó, quy định pháp luật liên quan loại hình kinh doanh này lại còn nhiều khe hở dẫn tới không có chế tài xử phạt với nhiều hành vi.

Theo UBND TPHCM, quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp, các bên tự thỏa thuận hoặc khởi kiện ra tòa giải quyết. Nhà nước có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành luật nên không cần thiết phải có dịch vụ đòi nợ thuê.

UBND TPHCM cũng đặt ra trường hợp, nếu không thể cấm dịch vụ đòi nợ thuê, Bộ Tài chính cần tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, như: quy định cụ thể cơ quan thẩm quyền xử phạt, chế tài xử phạt và quy trình đòi nợ đối với khách nợ.

Ngoài ra, để tránh tình trạng các công ty đòi nợ có trụ sở tại một tỉnh, thành mở văn phòng đại diện tại nhiều tỉnh, thành khác để lách luật hoạt động, UBND TPHCM đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ đưa văn phòng đại diện của các công ty đòi nợ vào diện cấp giấy an ninh trật tự để tiện việc theo dõi quản lý.

Trước đó, vào tháng 9/2018, UBND TPHCM lần đầu kiến nghị đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh bởi hầu hết các công ty đòi nợ thuê đang biến tướng, có dấu hiệu cấu kết băng nhóm xã hội đen gây mất an ninh trật tự.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh An Giang cũng kiến nghị đưa loại hình dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục cấm kinh doanh.

Theo Văn phòng Chính phủ, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Hiện nay, Nghị định 104/2007/NĐ-CP về dịch vụ này đang được Bộ Tài chính chủ trì sửa đổi, bổ sung. Do vậy, đề nghị cử tri An Giang kiến nghị trực tiếp với Bộ Tài chính về những điều kiện đối với ngành nghề này, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.