Số doanh nghiệp ‘chết yểu’ đang giảm dần?

Trong 6 tháng năm 2015, cả nước có 8.507 doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động.
Trong 6 tháng năm 2015, cả nước có 8.507 doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động.
Số doanh nghiệp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động của cả nước trong 6 tháng đầu năm giảm 5,8% so với cùng kỳ trong khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại tăng nhẹ 2,2%.

Hơn 27.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động

Theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước là 45.406 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 282.396 tỷ đồng, tăng 21,7% về số doanh nghiệp và tăng 22,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, có 10.988 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 308.809 tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng năm 2015 là 591.205 tỷ đồng. 

Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 6,2 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2014. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới là 651.398 lao động, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước.

Lĩnh vực y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tiếp tục là lĩnh vực kinh doanh duy nhất có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, các ngành khác đang có sự tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện qua sự biến động cùng tăng trong việc gia nhập thị trường so với 6 tháng năm 2014. Lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 134,8%; kinh doanh bất động sản tăng 65,0%; vận tải kho bãi tăng 52,6%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 36,6%...

Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động của cả nước là 27.051 doanh nghiệp, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước gồm: 8.898 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, 18.153 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Theo cơ quan thống kê, điều này cho thấy rằng, các giải pháp của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đã phát huy tác dụng và hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phát triển.

Trong 6 tháng năm 2015, cả nước có 8.507 doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là con số đáng khích lệ cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế đã tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Còn phụ thuộc nhiều vào FDI

Theo ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), 6 tháng đầu năm, khối doanh nghiệp đóng góp trên 60% vào GDP, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngành công nghiệp.

“Đây là tín hiệu đáng mừng và tích cực trong bối cảnh 6 tháng đầu năm suy giảm kinh tế toàn cầu. Số doanh nghiệp đăng ký 6 tháng là 45.000 doanh nghiệp, tăng cao so với cùng kỳ năm trước trong khi số doanh nghiệp phá sản giải thể giảm 0,9%. 

Bên cạnh doanh nghiệp đăng ký mới thì các doanh nghiệp hiện đang tồn tại cũng tăng vốn và mở rộng vốn kinh doanh. Nguyên nhân chính là Chính phủ đã có nhiều giải pháp tích cực và Luật Doanh nghiệp sửa đổi ban hành, có hiệu lực cũng cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Thuý nói.

Theo đại diện từ Tổng cục Thống kê, năm 2015 là năm cho thấy sự phát triển của nền kinh tế, doanh nghiệp đăng ký mới hứa hẹn tăng trưởng cao, tác động tốt đến nền kinh tế. Nghị quyết 19 về giảm thiểu thời gian đăng ký kinh doanh và thời gian nộp thuế doanh nghiệp cũng rất quan trọng, là tín hiệu tốt giúp cho môi trường kinh doanh thông thoáng và phát triển.

Tuy nhiên, ông Thuý cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI, theo tính toán thì doanh nghiệp FDI chiếm tới 40% về doanh thu.

“Việc khai thác tận dụng kinh nghiệm vốn đã thu hút FDI vào đầu tư phát triển. Nhưng tương lai trong thời gian tới để nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như chính sách phát triển khoa học công nghệ, nhằm nâng cao sức cạnh tranh và năng suất, giúp doanh nghiệp trong nước nâng dần tầm và trình độ cạnh tranh. Đồng thời, cần có chính sách quyết liệt thời gian tới để doanh nghiệp vừa và nhỏ cạnh tranh ngày càng tốt hơn”, ông Thúy cho biết thêm.

Theo Theo dantri.com.vn
MỚI - NÓNG