Phiên chợ được Sở Công Thương Gia Lai tổ chức kết nối giao thương cho huyện Ia Grai |
Kết nối mọi miền
Vừa qua, Sở Công Thương Gia Lai tổ chức thành công hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2024 tại tỉnh Gia Lai.
Hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai và gần 100 doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu của 18 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các đại biểu sẽ lắng nghe, ghi nhận, tìm giải pháp tốt nhất cho một số doanh nghiệp cũng có ý kiến chia sẻ những khó khăn, vướng mắc đang gặp.
Đặc biệt, hội nghị đã kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tỉnh, thành phố trong nước tham gia quảng bá, giới thiệu các thương hiệu sản phẩm hàng hóa có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường hợp tác xúc tiến thương mại trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài ra, đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Hiệp Hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai trình bày tham luận với các nội dung về giải pháp xây dựng sản phẩm đặc trưng chất lượng cao, giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, kinh nghiệm về thực hiện các thủ tục pháp lý mà doanh nghiệp cần thực hiện để xuất khẩu sản phẩm...
Trong khuôn khổ hội nghị, có 35 biên bản ghi nhớ, ký kết hợp tác kinh doanh giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2024.
Những biên bản ghi nhớ, hỗ trợ doanh nghiệp ở các hội nghị để kết nối các doanh nghiệp mọi miền |
Bà Đào Thị Thu Nguyệt- Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay, qua hội nghị, với những điều kiện thuận lợi, tiềm năng lợi thế của mỗi địa phương, với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị làm công tác xúc tiến thương mại, các hiệp hội, các doanh nghiệp sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, liên kết, phát triển, xuất khẩu giữa các doanh nghiệp nhà cung cấp, nhà phân phối và các tổ chức xúc tiến thương mại khu vực Tây Nguyên, các tỉnh thành và chắc chắn rằng sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp hơn trong thời gian tới.
Theo bà Nguyệt, riêng Gia Lai, thời gian qua, hoạt động xuất khẩu của tỉnh liên tục tăng trưởng về quy mô, sản phẩm xuất khẩu ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng đến 40 quốc gia, đáp ứng được yêu cầu chất lượng cao đối với thị trường quốc tế: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... Đồng thời, Gia Lai hiện nay đã có hơn 300 sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền tiêu biểu của tỉnh, chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại, có khả năng xuất khẩu (cà phê, hồ tiêu, mật ong, hạt mắc ca, hạt điều, tổ yến, chè xanh...).
Ông Phạm Văn Binh- Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai đánh giá, ngoài cà phê thì trái cây là mặt hàng mới nổi trong khoảng 3 năm trở lại đây, mang về kim ngạch xuất khẩu 120-150 triệu USD/năm. Giám đốc Sở Công Thương cho hay, địa phương đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng trái cây lớn như: Hưng Sơn, DOVECO, Nafoods... Ngoài sản phẩm trái cây qua chế biến thì một số loại trái tươi (sầu riêng, chuối, chanh dây…) đã đủ các tiêu chuẩn để xuất khẩu theo con đường chính ngạch vào các thị trường lớn trên thế giới, trong đó có cả thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản. Đặc biệt, Việt Nam đã ký nhiều nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, đây là cơ hội để hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nắm bắt các tiêu chuẩn, quy định một cách rõ ràng, minh bạch, mở ra con đường xuất khẩu chính ngạch đối với sản phẩm chanh dây, sầu riêng, chuối… “Hiện nhiều doanh nghiệp đã có nguồn nguyên liệu ổn định, luôn hướng tới việc nâng cao hơn nữa chất lượng, giá trị sản phẩm, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu. Bởi vậy ngành Công Thương Gia Lai quan tâm, chú trọng phối hợp với các ngành liên quan xây dựng chuỗi liên kết từ trồng trọt, sơ chế, đóng gói tiêu thụ. Cùng với đó hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, kỹ thuật canh tác cây trồng cho năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt là hướng doanh nghiệp chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa xuất khẩu thông qua việc xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với chỉ dẫn địa lý của tỉnh”, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai nhấn mạnh.
Chợ phiên cho người dân tộc thiểu số
Với mục tiêu thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương, Sở Công Thương Gia Lai đã phối hợp với UBND huyện Ia Grai xây dựng kế hoạch tổ chức phiên chợ với kỳ vọng thông qua phiên chợ sẽ giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm nông nghiệp của bà con trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến người dân trên địa bàn và du khách.
Phiên chợ diễn ra vào giữa tháng 6/2024 với quy mô 40 gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc trưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sản phẩm OCOP, các mặt hàng nông sản, thực phẩm tiêu dùng, ẩm thực tại địa phương.
Bà Đoàn Thị Vân- Chủ tịch Hội nông dân xã Ia Grăng cho hay, các sản phẩm nông nghiệp này đều được bà con trong xã sản xuất hoàn toàn tự nhiên và chủ yếu tiêu thụ tại xã. Do đó, khi được Sở Công Thương Gia Lai hỗ trợ gian hàng, bà con nông dân rất vui mừng. Vì tại đây, người sản xuất, kinh doanh sẽ được giao lưu, mua bán nhiều mặt hàng đặc trưng, đặc sản của địa phương, từ đó bà con có cơ hội tìm hiểu về các mô hình kinh tế hay để học hỏi làm theo, cũng như có cơ hội kết nối mở ra hướng tiêu thụ ổn định trong thời gian tới.
Số liệu thống kê của Sở Công thương Gia Lai cho thấy, đến tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước hơn 700 triệu USD, đạt 93,33% kế hoạch, tăng 26,13% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng mặt hàng cà phê xuất khẩu đạt sản lượng 193 ngàn tấn, tương ứng kim ngạch xuất 552 triệu USD (tăng 28,37% về giá trị), chiếm 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ngoài ra, một số mặt hàng khác cũng có mức tăng khá như: mủ cao su đạt 764 tấn, tương ứng kim ngạch xuất khẩu 1,03 triệu USD (tăng 22,12% về giá trị); sản phẩm gỗ 1,6 triệu USD; hàng khác đạt 145,3 triệu USD (tăng 17,7% giá trị).
Bà Nguyễn Thị Bích Thu- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Gia Lai) cho biết, phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Ia Grai năm 2024 là hoạt động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn I từ năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Phiên chợ nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm chế biến của địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận với người tiêu dùng. “Đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống xã hội của người dân tại địa phương, góp phần hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương, kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số”, bà Thu chia sẻ.