Số ca mắc sốt xuất huyết ở Quảng Ngãi tăng cao, nhiều bệnh nhân nặng

0:00 / 0:00
0:00
Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi phải kê thêm giường xếp cho bệnh nhân nằm.
Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi phải kê thêm giường xếp cho bệnh nhân nằm.
TPO - Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận gần 1.000 ca mắc sốt xuất huyết. Trong những tuần gần đây số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao hơn so với tuần trước đặc biệt là trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, Trà Bồng và TP Quảng Ngãi.

Sáng 15/11 trao đổi với PV, ông Phạm Minh Đức - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận 960 ca mắc sốt xuất huyết, so với năm 2020 giảm 40%. Tuy nhiên trong những tuần gần đây số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao so với tuần trước đặc biệt là trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, Trà Bồng và TP Quảng Ngãi.

Tại huyện Nghĩa Hành tính từ đầu năm đến nay đã ghi nhận có 134 ca mắc sốt xuất huyết, riêng từ đầu tháng 10 đến nay có 40 ca tại ổ dịch các xã Hành Đức, Hành Minh, Hành Thịnh, thị trấn Chợ Chùa.

Ông Nguyễn Hữu Thanh, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nghĩa Hành cho biết, trong 40 ca sốt xuất huyết được ghi nhận trong tháng 10, đã có 25 ca được điều trị khỏi và 15 ca đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện, tình trạng sức khỏe các bệnh nhân ổn định, không có trường hợp diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên. Đến thời điểm hiện tại các ổ dịch, tình hình dịch sốt xuất huyết đã cơ bản được kiểm soát, không phát sinh ổ dịch mới.

Còn tại huyện Trà Bồng, tính từ ngày 15/9 đến nay, tại Khoa Nội-Nhi lây, Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng đã tiếp nhận và điều trị 67 bệnh nhân bị sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp nặng phải chuyển viện về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Hầu hết bệnh nhân là người dân 2 thôn Bình Tân và Bình Trung, xã Trà Bình. Các bệnh nhân khi nhập viện đều có triệu chứng sốt cao, đau đầu, mệt mỏi. Nhiều bệnh nhân nặng, tiểu cầu giảm sâu.

Từ đầu tháng 10 đến nay, Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận gần 100 ca mắc sốt xuất huyết. Trong khi đó khoa chỉ có 45 giường bệnh, nhưng đã bố trí 18 giường cho khu vực cách ly. Số giường còn lại không đủ cho các bệnh nhân điều trị nội trú do sốt xuất huyết nên phải kê thêm giường xếp. Trong tổng số gần 40 ca bệnh đang điều trị tại Khoa Nhiệt đới thì có trên 15% số ca có biến chứng nặng, nhiều nhất là giảm tiểu cầu.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có tâm lý ngại vào viện. Hầu như các ca bệnh nhập viện đều là những ca bệnh nặng, đã gặp biến chứng. Những biến chứng thông thường có thể hồi sức, nhưng với biến chứng nặng như giảm tiểu cầu, sốc xuất huyết nặng, nếu không được xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể bị tử vong.

“Trước tình hình này Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, trang bị cho người dân những kiến thức, kỹ năng phòng chống bệnh cần thiết. Đồng thời thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và thường xuyên kiểm tra các lu nước, cọ rửa thay nước; đặc biệt lưu ý trong quạt hơi nước, lọ hoa… ở các hộ gia đình và cộng đồng. Giám sát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ bùng phát để sớm phát hiện ổ dịch để xử lý ổ dịch tốt nhất”, ông Đức nói thêm.

Hiện nay, môi trường mùa mưa ở Quảng Ngãi rất thuận lợi để muỗi vằn sinh sản, phát triển và gây bệnh. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, phải tự phòng bệnh và khi không may mắc bệnh thì phải đến cơ sở y tế để điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

MỚI - NÓNG