Bộ Y tế Trung Quốc hôm nay cho biết, trong số 50 ca mắc ghi nhận ngày 26/10, có 32 ca mắc được phát hiện ở khu tự trị Nội Mông. Ngoài những trường hợp đó, Trung Quốc còn phát hiện 4 trường hợp không có triệu chứng, và những trường hợp này không được đưa vào thống kê chính thức.
Đợt dịch lần này đã lan ra 11 tỉnh, thành phố và khu tự trị chỉ trong vòng nửa tháng, bắt đầu từ khi nhóm 7 du khách đi du lịch ở các tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc và vùng Nội Mông được phát hiện mắc bệnh. Ít nhất 12 nhóm du lịch nội địa và các du khách trên những cung đường khác liên quan đến đợt bùng phát lần này, Uỷ ban Y tế quốc gia (NHC) cho biết.
Giới chức y tế Trung Quốc phát hiện các ca mắc mới nhất đều do biến chủng Delta gây ra.
“Làn sóng lần này do biến chủng Delta gây ra, và một số bệnh nhân có số lượng vật chất di truyền cao trong hệ hô hấp. Điều này cho thấy tải lượng virus cao và khả năng lây nhiễm mạnh, dễ lây cho những người mà họ đã tiếp xúc”, Wu Liangyou, phó giám đốc ban kiểm soát dịch bệnh của NHC nói.
Trong số những ca bệnh được ghi nhận trong ngày 27/10 có 5 trường hợp ở tỉnh Quý Châu, 4 trường hợp ở tỉnh Sơn Đông, 4 trường hợp ở tỉnh Cam Túc. Thủ đô Bắc Kinh có 3 trường hợp, còn 2 trường hợp xuất hiện ở khu tự trị Ninh Hạ Hồi.
Một bé trai 8 tuổi và một bé gái 11 tuổi nằm trong số ca mắc mới, dù hai em không rời khỏi nhà trong tuần trước đó, trừ lúc đi xét nghiệm.
Gia tăng ca nhiễm cúm gia cầm
Trong lúc phải đối phó với đợt bùng phát COVID-19 mới, Trung Quốc cũng ghi nhận số người nhiễm cúm gia cầm gia tăng ở nước này, khiến giới chuyên gia lo ngại nguy cơ chủng virus được phát hiện trước đây có vẻ đã biến đổi và có thể dễ lây sang người hơn.
Trung Quốc báo cáo 21 trường hợp người mắc cúm H5N6, trong khi năm ngoái chỉ có 5 trường hợp, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết. Dù số người mắc H5N1 vẫn ít so với hàng trăm trường hợp bị H7N9 hồi năm 2017, nhưng các ca bệnh năm nay rơi vào tình trạng nặng và đã có ít nhất 6 người tử vong.
“Tình trạng gia tăng số người nhiễm cúm gia cầm ở Trung Quốc năm nay gây lo ngại. Đó là virus có thể gây tỷ lệ tử vong cao”, Reuters dẫn lời ông Thijs Kuiken, giáo sư về bệnh học tại ĐH Eramus ở Rotterdam (Hà Lan), nói. WHO cho biết hầu hết những ca bệnh nêu trên đều có tiếp xúc với gia cầm và chưa phát hiện trường hợp nào lây từ người sang người, nhưng vẫn cần điều tra thêm để hiểu rõ hơn về rủi ro của virus và khả năng lây sang người.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Trung Quốc chưa đưa ra phát biểu nào về số ca nhiễm H5N6 gia tăng. Tuy nhiên, một nghiên cứu đăng trên website của cơ quan này từ tháng trước nói rằng “sự đa dạng di truyền ngày càng tăng và sự phân bổ địa lý của H5N6 trở thành mối đe doạ nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp chăn nuôi và sức khoẻ con người".
Trung Quốc là nước nuôi gia cầm nhiều nhất thế giới, vì thế cũng dễ trở thành nơi xuất hiện các loại virus cúm.