Ông Hans Henri P. Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu cho biết lục địa này đang phải đối mặt với tình huống tương tự mùa hè năm ngoái. “Lần này làn sóng COVID-19 được thúc đẩy bởi các dòng phụ của biến thể Omicron, đặc biệt là BA.2 và BA.5. Mỗi dòng phụ của Omicron đều cho thấy ưu thế trong khả năng lây lan so với các biến thể đã lưu hành trước đó.”
53 quốc gia trong khu vực châu Âu đã báo cáo gần 3 triệu ca mắc COVID-19 vào tuần trước, và trung bình khoảng 3.000 trường hợp tử vong mỗi tuần. Số ca mắc mới COVID-19 đã tăng gấp 3 lần ở châu Âu trong 6 tuần qua, và tỷ lệ nhập viện cũng tăng gấp đôi, dù số người phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt vẫn ở mức thấp.
Số ca nhập viện ngày càng tăng một lần nữa đe dọa phá vỡ hệ thống y tế vốn đã căng thẳng ở nhiều quốc gia châu Âu.
“Trong bối cảnh số ca bệnh tăng nhanh, chúng tôi cũng đang ghi nhận sự gia tăng số ca nhập viện, trong khi tình trạng này đáng nhẽ sẽ chỉ xảy ra vào những tháng mùa thu và mùa đông”, ông Kluge nói. “Viễn cảnh này tạo ra một thách thức to lớn đối với lực lượng nhân viên y tế ở các quốc gia, vốn đã chịu áp lực rất lớn khi phải đối phó với các cuộc khủng hoảng không ngừng kể từ năm 2020”.
Trên quy mô toàn cầu, số ca COVID-19 đã gia tăng trong 5 tuần qua, ngay cả khi các quốc gia đã giảm xét nghiệm.
Ngày 19/7, WHO công bố chiến lược mùa thu cho COVID-19. Cơ quan này kêu gọi tiêm liều vắc xin tăng cường thứ 2 cho bất cứ ai từ 5 tuổi trở lên có hệ miễn dịch kém, khuyến khích đeo khẩu trang trong không gian kín và trên các phương tiện giao thông công cộng, đồng thời thông gió tốt hơn trong trường học, văn phòng và những nơi khác.
Ông Kluge cho biết các nước Nam bán cầu hiện đang trải qua dịch cúm, và sự kết hợp với COVID-19 đã khiến hệ thống y tế sẽ trở nên căng thẳng. Ông dự đoán tình trạng tương tự cũng sẽ xảy ra ở Bắc bán cầu.
Quan chức WHO kêu gọi mọi người tự đưa ra quyết định của riêng mình, ngay cả ở những quốc gia mà cơ quan chức năng phần lớn đã dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch.
“Tất cả chúng ta đều có thể nhận thức được những công cụ sẵn có để giữ an toàn cho bản thân, đánh giá mức độ rủi ro và thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ người khác nếu chúng ta bị nhiễm bệnh. Khẩu trang không bắt buộc nhưng cũng không ai cấm đeo”, ông Kluge khuyến cáo.