Sinh Viên Việt Nam - 'Một ấn phẩm giàu bản sắc trong gia đình Tiền Phong'

SVVN - Theo chủ trương quy hoạch và sắp xếp lại hệ thống báo chí của Đảng, Nhà nước, trong năm 2020, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã quyết định sáp nhập một số cơ quan báo chí của Đoàn, trong đó, Báo Sinh Viên Việt Nam sáp nhập vào Báo Tiền Phong từ ngày 19/2/2020.

Việc Báo Sinh Viên Việt Nam, tờ báo để lại những dấu ấn sâu sắc trong nhiều thế hệ học trò với những ấn phẩm nổi tiếng như Hoa Học Trò, Thiên Thần Nhỏ… trở thành một bộ phận của Báo Tiền Phong là một dấu ấn quan trọng.

Sinh Viên Việt Nam - 'Một ấn phẩm giàu bản sắc trong gia đình Tiền Phong' ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An chụp ảnh lưu niệm với Ban Biên tập Báo Sinh Viên Việt Nam nhân kỷ niệm 3 năm thành lập Báo, tháng 10 năm 2001.

Sinh Viên Việt Nam là một tờ báo trẻ, tiền thân là một ấn phẩm của Báo Thiếu Niên Tiền Phong, sau đó phát triển thành một tờ báo độc lập từ năm 1998 nhưng đã kịp có một lịch sử phát triển rất đáng tự hào.

Sinh Viên Việt Nam ra số đầu tiên

Báo Sinh Viên Việt Nam ra số đầu tiên ngày 6/10/1998, in khổ 19x27cm, dày 36 trang. Ngoài 4 trang bìa màu giấy láng còn có 8 trang ruột in màu và 24 trang in mực đen trên giấy trắng.

Sinh Viên Việt Nam - 'Một ấn phẩm giàu bản sắc trong gia đình Tiền Phong' ảnh 2

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trò chuyện với sinh viên đến tham dự cuộc họp Quốc hội, chương trình do Báo Sinh Viên Việt Nam tổ chức năm 2001.

Trang đầu của báo in trang trọng Thư của Thủ tướng Phan Văn Khải, trong đó gửi gắm: “Tôi hy vọng và tin tưởng rằng tờ Báo Sinh Viên Việt Nam - Tiếng nói của Hội Sinh viên Việt Nam, sẽ thật sự trở thành diễn đàn rộng rãi của mọi sinh viên, của tuổi trẻ cả nước và của những ai quan tâm đến sinh viên, đồng thời mở ra một cánh cửa mới để sinh viên và tuổi trẻ nước ta tiếp cận với thế giới. Chúc Báo Sinh Viên Việt Nam sớm trở thành người bạn tin cậy của sinh viên và tuổi trẻ, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước”.

Báo cũng đăng thư chúc mừng của Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Vũ Trọng Kim. Anh Hoàng Bình Quân - Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam đề cao vị thế sinh viên là tinh hoa của đất nước, đồng thời nêu rõ hơn về chức năng của tờ báo với Hội Sinh viên Việt Nam. Nhà báo cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng viết cho báo, nhắc lại truyền thống sinh viên trong dòng chảy lịch sử cách mạng của đất nước và vai trò của Báo Sinh Viên Việt Nam trong thời đại ngày nay. Cho dù mở đầu có chất “quan phương” như vậy, nhưng tờ báo không hề khô khan mà có sức hấp dẫn ngay từ đầu với tin “độc quyền” về nhà bác học kiệt xuất thế giới Stephen Hawking đến Việt Nam và nhận con nuôi, phóng sự ảnh cây cầu Long Biên 100 tuổi, mang ký ức Hà Nội. Nhạc sĩ Dương Thụ nổi tiếng về những ca khúc Thu Hà Nội, ký tặng báo sáng tác mới Mong về Hà Nội.

Sinh Viên Việt Nam - 'Một ấn phẩm giàu bản sắc trong gia đình Tiền Phong' ảnh 3

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm việc với Ban Biên tập Báo Sinh Viên Việt Nam - Hoa Học Trò.

Ngay từ số đầu tiên, báo bắt nhịp ngay vào đời sống sinh viên, với những trăn trở về học hành, thi cử, cuộc sống ký túc xá, làm gia sư, khát vọng khởi nghiệp và tình nguyện trẻ… Vẫn tiếp tục “sở trường” của báo Hoa, trang sáng tác văn thơ nâng tầm chất lượng lên một bước, trong đó có truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, sau này trở thành nhà văn quân đội nổi tiếng.

Với hình thức và nội dung “chào ra mắt” khá ấn tượng, Báo Sinh Viên Việt Nam số đầu tiên đã phát hành được tới 160.000 bản...

(Còn tiếp)

Ngày 19/2/2020, Báo Sinh Viên Việt Nam – Hoa Học Trò chính thức sáp nhập vào Báo Tiền Phong, theo quyết định của Ban Bí thư T.Ư Đoàn. Đây là quyết định mang tính lịch sử, khép lại 22 năm hoạt động của Báo (từ 1998) – với tư cách một cơ quan báo chí độc lập của Đoàn, trong đó có ấn phẩm báo in Sinh Viên Việt Nam, diễn đàn của Hội Sinh viên Việt Nam – để chuyển sang thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan mới. Kể từ tháng 4/2020, “tờ báo có bề dày truyền thống, có thương hiệu và chỗ đứng trong lòng độc giả, đặc biệt là trong sinh viên Việt Nam, một đối tượng quan trọng của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi” – như ghi nhận của anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn khi đó – đã tiếp tục đồng hành với bạn đọc trong “hình hài” mới: svvn.tienphong.vn (chuyên trang của Báo Tiền Phong).

Những ngày này, "đại gia đình" Tiền Phong đang tích cực thi đua và rộn ràng các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên (16/11/1953 - 16/11/2023).

Tin liên quan