Không quá khó để sinh viên có thể tìm thấy những chương trình học bổng hấp dẫn về du học ngắn hạn, dài hạn hoặc chương trình trao đổi nhờ vào sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Tuy nhiên, do chưa có sự chuẩn bị kỹ càng hay chưa đủ tự tin, nhiều bạn sinh viên đã bỏ lỡ cơ hội của bản thân hoặc phó mặc cho các công ty du học để chuẩn bị hồ sơ cho mình, dẫn đến những ước mơ du học dang dở. Điều này đã được chỉ ra tại Tọa đàm “Từ nước ta ra nước ngoài - Chuyện bây giờ mới kể” do dự án Live Your Dream (LYD) tổ chức vào đầu tháng 4 vừa qua, với sự tham gia của 3 vị diễn giả giàu kinh nghiệm trong việc chinh phục các học bổng danh giá cùng hơn 30 bạn sinh viên từ các trường đại học tại Hà Nội. Tọa đàm cũng thu hút gần 600 lượt theo dõi trực tuyến thông qua fanpage chính thức của dự án.
Tọa đàm “Từ nước ta ra nước ngoài - chuyện bây giờ mới kể” với sự tham gia của sinh viên từ nhiều trường đại học |
Dự án LYD là sự vun xới từ nhiệt huyết và đam mê của nhóm Dreamies với 3 bạn trẻ: Vũ Khánh Linh (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn), Tạ Bích Loan (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) và Trần Phương Hảo (Học viện Báo chí và tuyên truyền) - đồng thời là sinh viên DynaGen Initiative khóa II. Mục tiêu dự án nhằm hỗ trợ và chia sẻ những kiến thức và kỹ năng liên quan đến học bổng trao đổi, học bổng bậc thạc sĩ với mong muốn giúp đỡ và hiện thực hóa giấc mơ du học các ngành xã hội của sinh viên.
Chính bởi vậy, nội dung của Tọa đàm “Từ nước ta ra nước ngoài - Chuyện bây giờ mới kể” được xây dựng từ chính nhu cầu và mong muốn của sinh viên, giúp sinh viên nói chung và sinh viên ngành Xã hội nói riêng kiên trì theo đuổi ước mơ du học.
Ba vị diễn giả đã chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm quý giá trong quá trình săn học bổng du học |
Tại buổi tọa đàm, các bạn sinh viên đã có cơ hội “khai phá bản thân” cùng chị Mai Mai - Thạc sĩ ngành Quan hệ Quốc tế, hiện đang công tác tại trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn và giảng viên tại khoa Quốc tế học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn. Chị Mai đã giành được học bổng toàn phần đến 11 quốc gia trên thế giới thông qua các chương trình trao đổi nghiên cứu và giao lưu thanh niên quốc tế; đồng thời chị cũng là 1 trong 2 đại diện Việt Nam tham gia “ASEAN MY World 2030 Advocates Programme” (2018), do UN SDG Action Campaign, UNDP BKK Regional Hub và UN Volunteers Asia-Pacific hợp tác với Ban Thư ký ASEAN tổ chức. Với những kinh nghiệm của bản thân, chị Mai Mai đã chia sẻ những lời khuyên thiết thực giúp các bạn sinh viên xác định mục tiêu và nhận biết bản sắc cá nhân, để từ đó tạo động lực tìm kiếm và chinh phục những học bổng du học hấp dẫn. “Sinh viên Việt Nam không hề thua kém về kiến thức và kỹ năng so với những sinh viên nước ngoài khi đặt lên bàn cân để xem xét các chương trình học bổng. Tuy nhiên, các bạn sinh viên Việt Nam lại thiệt thòi hơn bởi không có nhiều cơ hội để thể hiện tiềm năng của bản thân. Chính vì vậy, khi các bạn đứng trước một chương trình hay và phù hợp với bản thân, hãy xây dựng cho mình một tâm thế: Tôi có thể làm được” - Chị Mai Mai chia sẻ.
Các bạn sinh viên đặt câu hỏi trực tiếp cho diễn giả |
Ngoài ra, tại Tọa đàm, các bạn sinh viên cũng được tìm hiểu những phương pháp xây dựng lộ trình chiến lược xin học bổng thạc sĩ/ học bổng trao đổi ngắn hạn phù hợp với bản thân từ anh Phan Quốc Dũng - người từng đạt nhiều học bổng toàn phần từ các chương trình học tập và trao đổi khác nhau, trong đó có học bổng toàn phần ERASMUS MUNDUS bậc học thạc sĩ, ngành Quản lý Rừng nhiệt đới bền vững, học tập tại 2 quốc gia Đức và Đan Mạch. Anh cũng là 1 trong 16 Đại biểu Thanh niên Việt Nam tham gia chương trình: Giao lưu thanh niên ASEAN-HÀN QUỐC tại Siem Reap, Campuchia. Những lời khuyên thiết thực từ chính người từng trải giúp các bạn sinh viên có cái nhìn rộng và chân thực hơn, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới vẫn phải đối mặt với đại dịch COVID-19, những kế hoạch du học của sinh viên bị ảnh hưởng khá lớn.
Buổi tọa diễn ra trong không khí cởi mở |
“Khi đã nắm trong tay học bổng du học, một bước vô cùng quan trọng đối với sinh viên là việc chuẩn bị tâm lý trước và sau khi du học” - Đó là quan điểm của anh Nguyễn Trọng Chính khi bàn về những yêu cầu để thích ứng với cuộc sống và môi trường học mới khi đi du học tại buổi tọa đàm. Anh Chính là Thạc sĩ ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Sussex (Anh), từng tham gia chương trình “Young ASEAN Leaders Policy Initiative” tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan và chương trình “Chinese Camp” tại Đại học Quảng Tây, Trung Quốc. Trước câu hỏi của sinh viên về những “cú shock văn hóa xuôi” khi bắt đầu đi du học và “shock văn hóa ngược” khi trở về nước sau khi hoàn thành chương trình du học, anh Chính đã chỉ ra những kinh nghiệm thực tế của bản thân và cách để vượt qua những khó khăn đó.
Nhóm Dreamies ấp ủ những kế hoạch mới |
Buổi tọa đàm diễn ra trên tinh thần hỗ trợ, gắn kết và trao đổi cởi mở đã giúp các bạn sinh viên có cái nhìn rõ ràng hơn về du học, định hướng cụ thể những việc cần làm trong quá trình xin học bổng du học và các kỹ năng cần thiết chuẩn bị cho một môi trường mới. Trong thời gian tới, dự án LYD sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều hoạt động thú vị, bổ ích hơn nữa như: talkshow trực tuyến, chương trình Mentor 1-1… nhằm đem đến những kiến thức và góc nhìn chuyên sâu hơn về du học đối với sinh viên ngành Xã hội.
"Live your dream" là 1 trong 2 Sáng kiến được tài trợ bởi Quỹ Tầm Vóc Việt và Ngân hàng TMCP Bắc Á thông qua cuộc thi “Sáng kiến vì Cộng đồng”. Sáng kiến nhằm hỗ trợ và chia sẻ những kiến thức và kỹ năng liên quan đến học bổng trao đổi, học bổng bậc thạc sĩ, với mong muốn giúp đỡ và hiện thực hóa giấc mơ du học các ngành xã hội của sinh viên.
Sáng kiến vì Cộng đồng là một hoạt động thường niên dành riêng cho cộng đồng sinh viên của DynaGen Initiative nhằm tìm ra những sáng kiến, ý tưởng, những dự án sáng tạo góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Chương trình thúc đẩy và phát huy vai trò, đóng góp của thế hệ trẻ trong các hoạt động phát triển cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nét văn hóa đẹp cho mỗi công dân Việt Nam có trách nhiệm với các vấn đề của đất nước.
Fanpage chính thức của dự án Live Your Dream tại đây