Sinh viên ta chịu khó nhưng còn yếu sáng tạo

Sinh viên ta chịu khó nhưng còn yếu sáng tạo
TPO - “Thế mạnh của sinh viên VN là chịu khó, cái yếu cơ bản của chúng ta là tính sáng tạo. Học gạo thì tốt nhưng sáng tạo lại kém... Cái này là lỗi của hệ thống giáo dục".  Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ trong buổi giao lưu với sinh viên tối qua, 17/11.
Sinh viên ta chịu khó nhưng còn yếu sáng tạo ảnh 1
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Giao lưu với đông đảo sinh viên tại Nhà Văn hóa Học sinh, Sinh Viên (Hà Nội) nhân dịp kỉ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ về ước mơ và nỗ lực phấn đấu để đạt đến thành công.

Sinh viên Đại học Văn hoá: Trong quá trình công tác, bác đi nhiều nước, gặp gỡ sinh viên của nhiều nước. Xin được hỏi bác, so với sinh viên ở các nước, sinh viên Việt Nam có ưu thế và hạn chế gì? Để khắc phục hạn chế đó, chúng cháu phải làm gì?

Thế mạnh của sinh viên Việt Nam là chịu khó. Cái yếu cơ bản của chúng ta là tính sáng tạo. Học gạo thì tốt như sáng tạo lại kém.

Cái này không phải lỗi của sinh viên mà tôi mạnh dạn nói là lỗi của phương pháp giáo dục của chúng ta, sách vở nhiều quá, sáng tạo rất ít. Cái này là lỗi của hệ thống giáo dục chưa đáp ứng được.

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội: Ước mơ đầu tiên của bác là gì?Bác đã làm thế nào để thực hiện nó và ước mơ đó có trở thành hiện thực không?

Ước mơ của tôi không trở thành hiện thực. Lúc trẻ, tôi ước mơ trở thành kiến trúc sư nhưng lại “đi nhầm đường” làm… Phó Thủ tướng. Nhưng được phân công như thế thì cố gắng để hoàn thành. Ước mơ của mình không thực hiện được nhưng cũng đóng góp điều gì đó cho đất nước...

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội: Thưa bác, ước mơ từ bé của cháu là trở thành kỹ sư, và giờ cháu cũng đang học kỹ sư, cháu muốn biết làm thế nào để có thể được "đi nhầm đường” như bác?

Thời chúng tôi có cái khó là không được lựa chọn công việc mà do tổ chức “đặt đâu ngồi đấy”. Các bạn bây giờ khác chúng tôi, có quyền lựa chọn. Nếu bạn chọn là Phó thủ tướng thì hãy phấn đấu để trở thành Phó Thủ tướng.

Tôi có là cái gì đâu. Tôi là người “vô học”, không tốt nghiệp đại học đàng hoàng. Tôi có bằng “thật” nhưng là “học giả”.

Năm 1954, tôi được Đảng và Nhà nước cử sang học ở Liên Xô (cũ). Học đựơc 9 - 10 tháng, tôi được điều về làm ở đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô. Đến năm 1961, tôi được đưa vào trường quan hệ quốc tế của Liên Xô để học tiếp. Nhưng học 2 năm thì được rút về nước.

Khi rút về nước, cơ quan nói: Thôi anh đi làm việc, không phải học tiếp, chỉ xuống trường Ngoại giao thi lấy bằng thôi. Tôi xuống trường thi và có bằng thật, không phải bằng “dởm”, nhưng học “dởm” vì tất cả đều là tự học, không được học tại trường lớp.

Thế hệ chúng tôi thiệt thòi là không được học trường lớp, cứ lụi hụi phấn đấu và cuối cùng được giao nhiệm vụ. Bây giờ, các bạn được học thì thuận lợi hơn tôi rất nhiều chứ.

Sinh viên Đại học Lao động Xã hội: Hiện cháu là sinh viên năm cuối, cháu ra trường không có xe, không có nhà ở Hà Nội và được làm việc ở Hà Nội, thì làm sao có thể phát triển mạnh mẽ được? Hay là cháu về quê? Nhưng trình độ ở quê phát triển chưa cao, liệu cháu có thể xây dựng đựơc ước mơ của mình không?

Chắc là bạn thuộc lòng câu “ở đâu tổ quốc cần thì thanh niên có, ở đâu tổ quốc khó có thanh niên”. Tôi nói chuyện này không phải là theo sách vở. Đất nước ta đâu phải chỉ có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà trải dài từ mục Nam quan đến mũi Cà Mau. Nhu cầu công việc ở khắp nơi đều có. Chỉ có điều, bạn có “xông” đến nơi đó hay không.

Còn nếu ở Hà Nội, bạn hãy phấn đấu để có xe, có nhà, chứ không phải do ai mang đến. 

Ở quê cũng cần người lắm. Nếu theo tiếng gọi, bạn về xây dựng quê hương thì rất tốt... Là sinh viên, tôi tin bạn cũng đã là đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh, thì chúng ta hãy làm theo đúng câu nói “ở đâu cần thanh niên có”.

Sinh viên Đại học Xây dựng: Cháu có một ước mơ từ nhỏ là sẽ làm sạch sông Tô lịch của Hà Nội. Hiện nay, rất nhiều con sông ở Thủ đô đã bị ô nhiễm nhưng vẫn còn những con sông chưa bị ô nhiễm. Vậy có một giải pháp nào cụ thể, quyết định vận mệnh của những con sông chưa ô nhiễm không? Cháu muốn làm sạch sông Tô lịch, tương lai cháu sẽ phải đi con đường như thế nào?

Thực sự bây giờ con người mới thấy là tự mình đã giết mình. Nếu không tỉnh ngộ ra thì ngày tận thế sẽ đến rất sớm.

Bạn hỏi sẽ phải làm thế nào? Trước hết  là ngay chính bản thân các bạn, ăn kem đừng có vứt giấy xuống đấy. Tôi rất buồn là đi qua các con sông đều đầy rác rưởi. Nếu chúng ta không vứt thì ai vứt?

Với 85 triệu dân, nếu chúng ta không trách thói quen vứt rác bừa bãi thì nhà nước, hay chính phủ cũng không làm nổi. Trước hết là tự chúng ta nói với người trong gia đình không làm việc đó. Tiếp đó mới đến trách nhiệm của nhà nước.

Tôi cũng phải thú thật là thời gian qua chúng ta quan tâm đến tốc độ phát triển nhưng không quan tâm đầy đủ đến tính phát triển bền vững…

Tôi nói thật, Hồ Tây của chúng ta thành ao mất rồi. Nhà nước cho xây dựng xung quanh hồ Tây những khu nhà cao tầng, khiến Hồ Tây bị thu hẹp lại. Trái lại ở Hàng Châu (Trung Quốc), họ phát triển hơn mình rất nhiều nhưng đố các bạn có thể tìm thấy một nhà cao tầng nào ở xung quanh Tây hồ. Đấy là lỗi của nhà quản lý.

Tôi cũng mong rằng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nên phát động những phong trào như nạo vét sông.

Huệ Nguyễn ghi

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG