Sinh viên nước ngoài ở Nga - Nguy hiểm luôn rình rập

Sinh viên nước ngoài ở Nga - Nguy hiểm luôn rình rập
Sự kiện Lamzar Simba - sinh viên người Senegal bị bắn chết trên đường về nhà tại Saint Petersburg rạng sáng ngày 7/4 - một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các sinh viên đang du học tại Nga.
Sinh viên nước ngoài ở Nga - Nguy hiểm luôn rình rập ảnh 1
Vụ án mạng hôm 7/4 (Ảnh HTB)

Dưới đây là thư của Vũ Thanh Sơn, sinh viên Việt Nam học tại trường Bách Khoa Saint Petersburg (Nga), viết về nỗi lo sợ của du học sinh trước sự đe dọa của một số nhóm thanh niên cực đoan sở tại.

Cứ đến khoảng thời gian cuối tháng tư, đầu tháng năm hằng năm là sinh viên nước ngoài tại Nga lại bị đặt trong tình trạng nguy hiểm, vì ngày 20/4 là sinh nhật của nhà độc tài Hitler, biểu tượng của chế độ phát xít. Nhóm tân phát xít Nga, hay có thể gọi là nhóm “đầu trọc”, xem đây là khoảng thời gian mà chúng phải làm một cái gì đó “có ý nghĩa”.

Nạn nhân của chúng là bất kỳ người nào không mang dòng máu Nga. Nam, nữ, sinh viên, người đi làm, người trưởng thành hay trẻ con tất cả đều không thoát khỏi bàn tay của chúng.

Đầu tuần trước, một nữ sinh viên Trung Quốc của Trường đại học Bách khoa Saint Petersburg phải vào bệnh viện vì bị hành hung vô cớ lúc đi trên đường giữa hai ký túc xá (khoảng cách chỉ 100m). Đến giữa tuần lại có một nhóm khoảng vài chục thanh niên Nga tụ tập gần ký túc xá làm cho nhiều sinh viên không dám ra ngoài.

Một lý do nữa để giải thích cho sự gia tăng đột biến những vụ tấn công của bọn đầu trọc trong thời gian này, đó là việc bắt đầu phiên tòa xét xử vụ sát hại sinh viên Vũ Anh Tuấn, vốn được rất nhiều người quan tâm. Bọn đầu trọc tăng cường những hành động khủng bố để gây áp lực với giới cầm quyền cũng như cộng đồng người nước ngoài.

Ngay cả người Nga cũng do dự và lo lắng cho sự an toàn của mình khi được yêu cầu tham gia phiên tòa bảo vệ quyền lợi cho Tuấn. 40 trong số 64 người được mời đến thành lập hội thẩm nhân dân đã xin rút lui ngay trong ngày xét xử đầu tiên khiến phiên tòa bị tạm hoãn.

Từ sau cái chết thương tâm của Tuấn, sinh viên Việt Nam tại Nga đã bảo nhau cẩn thận hơn và trang bị tất cả những gì có thể để bảo toàn tính mạng cho mình khi đi trên đường. Nhưng điều đáng sợ là bây giờ sinh viên không những có thể bị bọn đầu trọc đánh, hành hung bằng vũ khí thô sơ mà còn bị bắn bằng súng.

Trong khi đó, sinh viên nước ngoài chỉ được mang bình xịt và được cung cấp một số đường dây nóng của cảnh sát. Vì vậy sau khi hay tin một sinh viên Senegal bị bắn chết, sinh viên Việt Nam ở Saint Petersburg thật sự cũng không biết làm cách nào để tự bảo vệ mình.

Thành phố này vốn đẹp, yên bình với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, luôn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Công tác an ninh vào mùa hè - khi khách du lịch đổ về nhiều nhất - là khá tốt, còn vào các thời gian khác trong năm thì rất lỏng lẻo.

Khoảng ba, bốn năm trước, sinh viên nước ngoài có thể ra quảng trường trung tâm vào thời điểm năm mới, ôm hôn người Nga và chúc tụng, hoặc có thể cùng ra bờ sông để chứng kiến cảnh cầu mở vào đêm trắng Saint Petersburg giữa tháng sáu.

Nhưng bây giờ, ngoài những cái bắt tay, những nụ cười, câu chúc tụng của các bạn Nga đáng mến, sinh viên chúng tôi có nguy cơ nhận cả những quả đấm từ bọn đầu trọc. Và không ai biết sau này sẽ là những gì.

Một người bạn của tôi sống ở thủ đô Matxcơva nửa đùa nửa thật: “May quá, dạo này ở trên Matx bình yên hơn nhiều. Hình như bọn đầu trọc chuyển hết xuống Saint rồi thì phải!”.

Câu nói ấy không phải là không có lý, khi mà vào thời điểm cuối năm 2004, ở Matxcơva còn thường xuyên xảy ra các cuộc hành hung, đuổi bắt của bọn đầu trọc thì ở Saint Petersburg, sinh viên Việt Nam đầu tiên đã bị giết. Còn bây giờ, tình trạng hành hung người nước ngoài xảy ra thường xuyên và tàn bạo hơn.

Dù nhà chức trách Nga đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho sinh viên nhưng xem ra vẫn chưa đủ mạnh và triệt để. Đại diện của những sinh viên nước ngoài đã đề xuất tăng mật độ cũng như phạm vi tuần tra, thêm đèn ở một số điểm nguy hiểm, lắp đặt một số máy quay phim...

Đây là những yêu cầu hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng đều không được chấp nhận. Với tấm “bùa hộ mệnh” duy nhất là lời khuyên “đi lại cẩn thận và nhớ ghi số đường dây nóng của cảnh sát”, e rằng sinh viên chúng tôi sẽ còn phải sống trong tâm trạng lo sợ dài dài!

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG