Sinh viên nước ngoài đón Tết Việt Nam

Sinh viên nước ngoài đón Tết Việt Nam
Mỗi độ xuân về lại có hàng ngàn sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam cùng vui chung Tết cổ truyền của người dân Việt Nam.

Mỗi người cảm nhận cái Tết Việt Nam theo cách riêng của mình, nhưng nhìn chung họ cảm thấy rất ấn tượng bởi không khí đón Tết rất rộn ràng, bởi những phong tục truyền thống vẫn còn được lưu giữ trong cách đón Tết của người Việt.

Tamara Puente Leyva- Nữ sinh viên khoa Đông phương, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết chưa ở đâu cô thấy Tết lại đậm đà như ở Việt Nam. Năm nay là năm thứ 6 cô gái đến từ hòn đảo Cuba đón Tết ở Việt Nam, nhưng cô vẫn xao xuyến, ngỡ ngàng trước nhiều điều mới lạ trong phong tục ngày Tết của người Việt.

Tamara nói: "Tết của các bạn đặc biệt lắm, năm nào tôi cũng mong đợi được ngắm khoảnh khắc trang trọng, linh thiêng, mang đậm tính phương Đông khi mọi người cúng tổ tiên đêm Giao thừa. Nó luôn gợi trong tôi nỗi nhớ quê hương, cha mẹ, bạn bè và cả những người đã khuất". Tamara rất ngạc nhiên về việc vì sao người Việt chuẩn bị Tết cầu kỳ đến vậy. Người dân chọn từng chiếc lá dong xanh, từng loại gạo nếp thơm ngon nhất để gói bánh chưng, những thứ đẹp nhất, tinh túy nhất đều được dành cho ngày Tết.

Đến từ Australia, Jason Hockley- Sinh viên khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - không giấu nổi cảm xúc dù giọng nói tiếng Việt của anh còn ngọng nghịu: "Đường phố của các bạn thật lạ, đâu đâu cũng tràn ngập sắc hồng của hoa đào và cây cảnh. Người nào cũng vội vã sắm Tết, không khí Tết nở rộ khắp đất trời".

Theo Jason, người Việt đón Tết rôm rả và có nhiều phong tục văn hóa truyền thống hơn nhiều nước mà anh đã tới. Có một điều làm Jason xúc động là một số người Việt Nam tuy không quen nhưng gặp anh, họ sẵn lòng đưa anh về nhà ăn Tết. Qua đó, Jason nhận ra rằng người Việt thật mến khách và thân thiện. Anh hy vọng, sau khi học xong bằng cử nhân về văn hóa Việt Nam, anh sẽ lý giải được cội nguồn của những nghĩa cử đẹp đó.

Ấn tượng mạnh mẽ về cái Tết Việt Nam đối với Maxim Sukhanov- Sinh viên năm thứ tư khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài - chính là không khí gia đình ấm cúng. Thật lạ là chàng trai châu Âu này lại say mê đón Tết ở làng quê Việt Nam. Năm vừa rồi, Maxim về một gia đình người bạn ở Nam Định để mừng năm mới. Maxim cứ tấm tắc khen mãi về không khí Tết rôm rả, có thịt lợn, có bánh chưng xanh, có cả câu đối đỏ treo ở bàn thờ gia tiên mà có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có.

Pak Tae Bok đến từ CHDCND Triều Tiên quanh năm tuyết rơi khi đến Việt Nam lại mê đắm tiếng hát quan họ ở Hội Lim (Bắc Ninh) mỗi dịp xuân về. Vốn tiếng Việt khiêm tốn chưa thể giúp anh cảm nhận sâu sắc lời ca mượt mà, trong sáng của dân ca quan họ, nhưng làn điệu, sự duyên dáng, tình tứ của những liền anh liền chị khiến lòng anh xao xuyến. Ba năm ăn Tết ở Việt Nam, năm nào anh cũng đưa vợ con về vùng quê Kinh Bắc để nghe hát quan họ.

PGS. TS Nguyễn Chí Hòa - Trưởng khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài - cho biết năm nào vào dịp cuối năm khoa cũng tổ chức đón Tết cho sinh viên. Đã 20 năm đón Tết với sinh viên nước ngoài, nhưng năm nào, ông cũng cảm nhận một tình cảm thân thương, đầm ấm, không ranh giới tràn đầy trong bữa tiệc cuối năm.

MỚI - NÓNG