Ba chữ T

Sinh viên nói thật nhờ thảo luận chay

Sinh viên nói thật nhờ thảo luận chay
TP - Chiều qua, tại bốn điểm trường, cùng lúc diễn ra bốn cuộc thảo luận nhóm của các đại biểu. Cuộc thảo luận diễn ra sôi nổi, do người dẫn dắt yêu cầu phải nói vo.

Tại hội trường ĐH Kinh tế Quốc dân, các đại biểu thảo luận chủ đề “Hội Sinh viên- Người bạn đồng hành của SV”.

Nhập cuộc, bạn Lê Nhã Phương (ĐH Kinh tế Quốc dân) nói luôn: “Lớp SV 9X cần được trang bị nhiều kĩ năng khác ngoài việc học thì những phương thức hoạt động truyền thống của Hội còn phù hợp không?”.

Sau Phương, một số bạn cầm báo cáo chuẩn bị trước, lại nặng tính “báo cáo thành tích”.  Anh Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Hội SVVN thẳng thắn: “Tôi đề nghị các đại biểu tập trung nói về các giải pháp hoạt động cho Hội, kể cả chưa có chuẩn bị tham luận”.

Ngay lập tức, đại biểu Nguyễn Xuân Trường (ĐH Hàng hải) nói luôn: “Tôi lưu ý Hội không chỉ đồng hành với SV trong việc học mà phải đồng hành với SV trong những phút đời thường nhất.

Cán bộ Hội phải biết SV ăn những gì, chơi những gì, mắc những tệ nạn gì để có những định hướng kịp thời. Muốn thế, cán bộ Hội hãy bung mình ra, cùng học tập, cùng ăn, cùng chơi với SV, nhất là phải lắng nghe những ý kiến trái chiều, phản biện của SV”.

“Theo tôi, cán bộ Hội phải có ba chữ “T”: Tâm - tầm và tương tác”. Tâm và tầm của cán bộ Hội thì biết rồi nhưng lâu nay sức tương tác giữa Hội và SV còn yếu. Xuất hiện một lớp SV mới có trình độ cao cả về học tập lẫn kĩ năng ngoại ngữ, tin học. Liệu cán bộ Hội có theo kịp không? Nếu cán bộ Hội thấy SV hơn mình thì phải học tập và ngược lại”- Đại biểu Giang Ngọc Phương (TP.HCM) nêu ý kiến.

Nghiên cứu khoa học bị xếp xó

Ở chủ đề thảo luận “Học tập, sáng tạo - chìa khóa của sự thành công” diễn ra tại ĐH Quốc gia Hà Nội. Đặng Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Vinh, mở hàng: “Nếu đặt một câu hỏi chung cho những người thành đạt là đã làm thế nào thì cũng có chung câu trả lời là nhờ học tập, rèn luyện và có kỹ năng”.

Vậy, học tập, rèn luyện có kỹ năng là như thế nào? Câu hỏi được Thúy đưa ra khiến nhiều đại biểu tranh luận về giải pháp tự học, sáng tạo trong học tập chính là chìa khóa vàng để thành công.

Đặng Tất Dũng, đại biểu đến từ TP HCM đưa ra một thực trạng, qua khảo sát, Dũng cho biết có tới 70 phần trăm công trình nghiên cứu khoa học có liên quan đến các vấn đề ở Việt Nam.

100 phần trăm du học sinh đều rất mong muốn được giúp đỡ nghiên cứu sâu và đóng góp thành quả nghiên cứu công trình cho đất nước. Tuy nhiên, đánh giá việc ứng dụng các công trình đó vào đất nước hiện nay chỉ gói gọn trong ba chữ “chưa hiệu quả”, bởi họ đang gặp nhiều rào cản như, cơ sở vật chất đất nước chưa ứng dụng được, sự thờ ơ nhất định của các cơ quan liên quan...

Hầu hết đại biểu đều mong mỏi SV có một diễn đàn, website riêng về vấn đề nghiên cứu khoa học để trao đổi chuyên môn, mở rộng giao lưu cấp trường, trường bạn, vùng miền, toàn quốc và với sinh viên các nước bạn, nhằm học hỏi công nghệ mới. 

“Các hoạt động tình nguyện phải đi vào chiều sâu, mới mang lại hiệu quả thiết thực. Và từng trường nên xây dựng cho mình một thương hiệu riêng trong hoạt động tình nguyện”.   (Nguyễn Triều Trung, TP.HCM)

MỚI - NÓNG