Sinh viên tiếp thị tại cổng trường (Ảnh minh hoạ). |
Bùi Ngọc Tân, sinh viên năm 3 ĐH Y Dược Thái Nguyên kể chuyện: “Ngày đó mình muốn tự mua một chiếc xe máy nhưng tiết kiệm mãi chưa đủ nên mình tính kinh doanh kiếm thêm tiền”.
Tân vốn thích trang phục có vẻ “hầm hố” và cũng khá hiểu biết về mặt hàng này nên đã tự mình gom vốn, xuống Hà Nội lấy hàng về Thái Nguyên bán.
Trước khi thực hiện, Tân cũng tham khảo một số bạn bè, thấy nhiều người có sở thích giống mình nên Tân càng có thêm tự tin. "Liều ăn nhiều là suy nghĩ của mình lúc đó", Tân chia sẻ.
Chuyến hàng đầu tiên bán khá tốt vì nhận được sự ủng hộ của bạn bè và người thân. Cảm thấy việc làm ăn suôn sẻ, Tân quay vòng vốn để tiếp tục kinh doanh.
Rút kinh nghiệm hàng đợt đầu sản phầm mũ và giày bán khá chạy nên đợt hai Tân chỉ nhập chủ yếu loại này. Vậy mà chuyến này hàng rất khó bán, tồn đọng mấy tháng ròng khiến cho Tân cạn dần vốn liếng.
“Mình còn nhớ hồi đó cảm giác rất trống rỗng. Hàng không bán được thấy mình vô dụng, tương lai mờ mịt… Thời gian qua mới thấy, mình mới chỉ tiếp cận bề nổi của kinh doanh, chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm để có thể thành công. Mình đã học được những bài học đắt giá để tiếp tục cố gắng", Ngọc Tân cho biết.
Cùng có mong muốn kiếm tiền tự trang trải cuộc sống cá nhân như Tân nhưng Tuyết Ánh, SV ĐH Thuỷ lợi lại chọn làm nhân viên chăm sóc khách hàng tại một cửa hàng điện thoại di động trên phố Thái Hà, Hà Nội. Công việc của Ánh cũng khá đơn giản, đó là giải đáp, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện thoại, nếu có sự cố thì liên hệ với nhân viên kĩ thuật.
Lúc đầu, Ánh nghĩ rằng công việc khá nhẹ nhàng, lương cao nên hào hứng bắt tay vào làm. Song cô bạn sớm nhận ra mọi việc không đơn giản như mình nghĩ. Việc làm hài lòng khách hàng đòi hỏi rất nhiều kĩ năng, cô sinh viên non nớt nhanh chóng vấp phải những biến cố đầu tiên.
Cô bạn còn nhớ, đúng vào ca trực buổi trưa vắng nhân viên, một khách hàng bước tới quầy lễ tân với khuôn mặt cau có. Vị khách này mang sản phẩm từng mua tại cửa hàng tới báo hỏng, song lại không chịu nói chuyện với nhân viên kĩ thuật mà yêu cầu gặp Ánh là người đã bán sản phẩm cho ông.
"Suốt 2 tiếng đồng hồ, mình phải giải thích cách bật wifi hoặc mở kết nối dữ liệu thì mới có thể vào được mạng và không chơi được game khách cài là vì game bị lỗi chứ không phải máy hỏng. Vậy mà khách không chịu, cứ khăng khăng rằng máy mới mua mà đã hỏng và còn bảo cửa hàng làm ăn lừa đảo. Mình đã phải nín nhịn vô cùng”, Ánh chia sẻ.
Giải quyết êm xuôi vụ việc, cô sinh viên tưởng rằng “vận xui” đã hết nhưng đến cuối ngày, Ánh lại bị quản lí la mắng vì việc này và trừ 15% lương vì đã đôi co với khách hàng. Không thể kiềm chế hơn nữa, Ánh đã bật khóc. Từ đó về sau, cô bạn rút ra kinh nghiệm cho riêng mình, báo thẳng với quản lý những vụ việc tương tự để cấp trên giải quyết.
Ở độ tuổi 20, Đặng Diệp Phương đã muốn tự lập, giúp đỡ bố mẹ. Cô SV năm thứ hai cùng một nhóm bạn góp vốn kinh doanh áo phông tự thiết kế, với đối tượng nhắm tới các các bạn tân sinh viên.
Ban đầu, nhóm thường lựa chọn các căng - tin, hay địa điểm đông người trong trường đến để giới thiệu sản phẩm, nếu có khách thì sẽ bán trực tiếp. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhận thấy việc tiếp thị tại chỗ như vậy mất nhiều thời gian, công sức mà lại không hiệu quả nên Phương cùng các bạn quyết định thay đổi cách thức bán hàng.
“Bọn mình tập trung vào từng lớp chứ không đánh vào các nhóm nhỏ nữa. Nhóm cử người liên hệ với lớp trưởng, sau đó đến từng lớp giới thiệu sản phẩm, nếu bạn nào có nhu cầu sẽ đặt hàng theo lớp, chứ không đặt riêng lẻ nữa”.
Nhờ đổi phương thức, lô hàng đầu đã bán hết nhanh chóng. Trên đà thành công, các bạn trẻ tiếp tục thiết kế mẫu mới và đặt hàng sản xuất. Vốn cũ lãi mới tất cả đều được dồn vào đợi này.
Thế nhưng, đúng vào thời điểm mọi thứ tưởng như suôn sẻ, nhóm của Phương lại gặp phải đối thủ cạnh tranh có tiềm lực mạnh. Một công ty sản xuất đồng phục đã nhanh tay đầu tư thiết kế các mẫu áo có nội dung tương tự như áo mà nhóm Phương làm sau khi nhận ra rằng cách làm này khá hiệu quả.
“Họ có đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp và mối quan hệ rộng hơn, lại có thể làm áo với mẫu mã phong phú, giá rẻ hơn nên bọn mình đã thua toàn diện. Chỉ buồn và uất ức nhất là ý tưởng của bọn mình bị người khác cướp mất mà chẳng thể làm gì được”.
Cuộc đời không toàn màu hồng, tuy nhiên nó vẫn thường trả đúng giá cho những gì bạn đã bỏ ra. Sau khi gặp phải những trắc trở trong việc kiếm tiền, Ngọc Tân, Tuyết Ánh, Diệp Phương đều trưởng thành hơn.
Cậu bạn Ngọc Tân hiện nay đã có một cửa hàng nhỏ kinh doanh trang phục nam, còn Tuyết Ánh mới tốt nghiệp đại học và đang làm cho một công ty truyền thông. Về phần Diệp Phương và các bạn của mình cũng đã rút ra được bài học xương máu về việc bảo hộ cho đứa con tinh thần của mình. Phương tin rằng, sau này khi bắt tay vào kinh doanh, cô bạn sẽ có sự chuẩn bị kĩ càng hơn, để đứng vững trước mọi thử thách.
"Khi đang còn là sinh viên, bạn đừng ngại thử thách. Kiếm tiền giúp chúng ta trải nghiệm cuộc sống, rút ra bài học cho bản thân khi chưa có quá nhiều thứ để mất. Công việc sẽ giúp bạn rèn luyện tính kiên nhẫn, quyết tâm hơn trong mọi việc và biết quý trọng đồng tiền", bạn Tuyết Ánh khuyên.
Theo Hoàng Kiên - Mai Châm
Dân Trí