Sinh viên lo lắng vì chưa 'sang tên' cho xe máy

Tối 9-11, thông tin về xử phạt xe máy không chính chủ (mức một triệu đồng) nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Facebook, thu hút sự chú ý của hàng nghìn sinh viên. Nhiều bạn lo lắng vì chưa kịp "sang tên" cho xe.

> Phí sang tên đổi chủ sẽ giảm xuống 1% 

Sai phạm vì xe không chính chủ thêm khó cho sinh viên .

Tiền phạt quá sức

Xe không chính chủ phần lớn thuộc sở hữu của người lao động thu nhập trung bình, thấp vì không đủ khả năng tài chính để mua xe mới, chính chủ. Sinh viên khi sử dụng xe của bố mẹ, anh chị để lại, mua xe tại chợ xe cũ, mức phạt một triệu vì không thực hiện chuyển quyền sở hữu phương tiện được đánh giá là “quá sức”.

“Phạt một triệu quá nhiều, với những người có mức thu nhập thấp tháng thu nhập từ ba đến bốn triệu chưa đăng ký xe chính chủ mà bị bắt thì họ ăn và sống thế nào? Với sinh viên thì còn tệ hơn vì vẫn phải xin tiền bố mẹ hàng tháng, nếu đi làm thêm được vài đồng, một lần bắt xe cũng hết. Mình nghĩ luật này được thi hành thì nên giảm mức phạt xuống 200- 400 nghìn đồng thì phù hợp hơn”, bạn Dương Tiến Dũng (sinh viên Đại học Thăng Long), người sở hữu xe không chính chủ, cho biết.

Xe Dũng đang đi là xe của anh trai chuyển nhượng. “Phải nhanh chóng thuyết phục bố mẹ mua xe thôi, ai bày cách cho tôi với…”. Sau dòng chia sẻ của Dũng, nhiều bạn đã hiến kế về việc đi bộ, đi xe đạp.

“Nếu vì không có xe máy rồi phải mượn xe của bạn để đi có việc gấp, lúc ấy cũng là đang đi xe không chính chủ và đương nhiên chẳng có giấy chuyển nhượng quyền sở hữu nào ở đây. Khi bị bắt, vẫn nộp phạt”, Hoàng Tuấn (sinh viên Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG) nói.

Tuấn phân tích: “Dù mình đi học bằng xe buýt và nhu cầu về việc đi xe máy ít nhưng không phải không có. Đối xử với những sinh viên không đủ điều kiện để mua xe máy như mình và nhiều bạn khác như vậy có quá khắt khe không?”

Tiếp thêm tiêu cực

Mặc dù Nghị định 71 đã được ban hành từ giữa tháng 10 và trả lời báo chí trước đó Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội khẳng định, ngay sau khi NĐ 71 được ban hành, từ giữa tháng 10, Phòng CSGT, Công an TP đã chủ động tổ chức thông báo rộng rãi đến người dân, chủ phương tiện biết sự thay đổi của các mức xử phạt đối với từng lỗi vi phạm, nhưng đến chiều tối 9 - 11, nhiều sinh viên giật mình khi đọc thông tin này qua các bài báo và chia sẻ trên mạng xã hội.

“Mình thấy các bạn chia sẻ các bài báo và các status trên Facebook mới biết luật được áp dụng vào ngày mai, mình còn chưa biết phải làm thủ tục như thế nào, hình như phải nộp thuế, có sổ hộ khẩu, thông tin cá nhân thì sẽ được làm…”, Dương Tiến Dũng cho biết.

Quang Đạo (sinh viên Đại học Thủy Lợi) cũng cùng bức xúc: “Sẽ lại phải làm những loại giấy tờ thủ tục loằng ngoằng, lại phải chịu thêm những hạch sách theo mình là không cần thiết”.

“Mình thấy bản thân và nhiều bạn, dù biết luật được ban hành để phòng ngừa hậu quả do tai nạn và chống ùn tắc, nhưng rất khó để có thể chấp nhận một mức hình phạt quá cao so với đời sống của không chỉ sinh viên mà nhiều người đi làm khác. Thêm nữa, mình sợ luật này sẽ lại nảy sinh ra những tiêu cực, liệu người thực thi luật có làm nghiêm?", Thanh Hoa (sinh viên Học viện Ngân hàng) cho biết.

Mạng xã hội Facebook đang truyền nhau bức thư của một sinh viên gửi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, trong đó có đoạn: “Nếu luật này được áp dụng vào ngày mai thì có bao nhiều người sẽ biết đến luật, khi bị kiểm tra thì khác nào việc đánh úp người dân?

Kể cả tất cả đều có ý thức sang tên đổi chủ đi chăng nữa, liệu trong vài ngày họ có kịp làm thủ tục sang tên đổi chủ? Đồng nghĩa với việc ngày mai 10-11-2012 có hàng triệu người phạm luật giao thông trên đường”.

Còn trên Facebook của Minh Anh: “Từ hôm nay, mình sẽ tập sống theo lề thói mới: mọi sự chính chủ. Bắt đầu bằng việc bây giờ ngủ trên giường chính chủ. Sáng mai dậy đánh răng bàn bàn chải chính chủ. Chải đầu bằng chiếc lược chính chủ. Phương tiện đi lại chính chủ duy nhất là đôi chân nên mọi hẹn hò từ nay khép lại...”.

Theo VietNamNet

Theo Đăng lại