Sinh viên IT thiết kế “Nhà thông minh”

Trưởng nhóm đồ án Dương Hồng Hưng trình bày phần demo sản phẩm Noctopus
Trưởng nhóm đồ án Dương Hồng Hưng trình bày phần demo sản phẩm Noctopus
TPO - Smart home – “Nhà thông minh” đã được các doanh nghiệp công nghệ nghiên cứu nhiều năm qua. Mới đây, một nhóm sinh viên đã sáng tạo Noctopus - sản phẩm giúp điều khiển toàn bộ ngôi nhà với hàng chục thiết bị điện tử một cách dễ dàng chỉ bằng chiếc laptop hay tablet.   

Noctopus là tên gọi của ứng dụng nhà thông minh, sản phẩm đồ án tốt nghiệp được lập trình và phát triển bởi nhóm 5 sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm (ĐH FPT).

Chứng kiến mô hình đèn bật tắt, cánh cửa hiển thị trạng thái đóng mở hoàn toàn tự động qua tương tác giữa người điều khiển và website, nhiều người không khỏi ngạc nhiên, thích thú.

Noctopus được gắn vào đồ điện tử gia dụng như chuông cửa, đèn… và có vai trò kết nối và giúp chủ nhà điều khiển, quản lý hoạt động của các thiết bị gia dụng từ xa qua Internet.  

Bộ thiết bị hoàn chỉnh có 3 phần chính, gồm: mạch điện tử gắn vào đồ gia dụng, Hub (có thể hiểu là trung tâm thu thập và xử lý dữ liệu, đặt tại nhà) và website (nơi người dùng trực tiếp tương tác và theo dõi tình trạng các thiết bị trong nhà mình).

Sản phẩm có các tính năng như quản lý các thiết bị điện trong nhà, quản lý người dùng, phân quyền người dùng và hai tính năng rất mới là kiểm soát cửa và chụp ảnh tức thời.

Sản phẩm gây ấn tượng bởi đa số mọi người khó hình dung được tại sao có thể điều khiển các thiết bị trong nhà thông qua tương tác với website. Thực chất, website chỉ là nơi hiển thị trạng thái, tiếp nhận hành vi của người dùng. Mấu chốt của giải pháp này là ở các Hub nơi thu thập và xử lý thông tin, cùng với cảm biến gắn trực tiếp vào các vật dụng để nhận biết hoặc thay đổi trạng thái của chúng.

Theo nhóm tác giả của ứng dụng Noctopus, sản phẩm này có nhiều ưu điểm hơn so với nhiều sản phẩm đã có trên thị trường. Giải pháp nhà thông minh của một số công ty lớn hiện nay thường được sản xuất riêng cho từng ngôi nhà cụ thể nên giá rất đắt. 

Noctopus cấu tạo gọn nhẹ, phù hợp với mọi thiết kế nhà ở. Sản phẩm có thể được sản xuất với số lượng lớn vì thế giá thành giảm, chỉ khoảng 3 triệu đồng trong khi qua tìm hiểu của nhóm mình, các sản phẩm tương tự thường có giá trên 10 triệu đồng.

Vấn đề được quan tâm khi soi chiếu sản phẩm này vào thực tế là phải loại trừ khả năng mất an toàn, an ninh cho căn hộ bởi nguy cơ dữ liệu hệ thống bị đánh cắp. 

Bài toán này đã được nhóm giải quyết bằng cách thiết lập cơ chế bảo mật: mỗi người dùng có một tài khoản và thông tin đăng nhập riêng được mã hóa, thông tin về trạng thái thiết bị được lưu trữ tại thẻ nhớ của Hub nên chỉ gia chủ có quyền sở hữu và sử dụng.

Kể về quá trình làm sản phẩm, Dương Hồng Hưng - thành viên trong nhóm cho hay: Từ lúc có ý tưởng đến hoàn thiện Noctopus trong vòng 4 tháng.

“Việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm thực sự vất vả. Nhóm mình thức làm việc từ tối đến tận sáng hôm sau là chuyện bình thường. Lên lớp, bạn nào bạn nấy ngủ gà ngủ gật. Có hôm, thầy giáo thấy tội quá, cho mấy bạn trong nhóm về nhà để… ngủ”, Dương Hồng Hưng nhớ lại.

Còn với Đoàn Nguyễn Yến Minh - thành viên nữ duy nhất của nhóm, quá trình làm sản phẩm giúp cả nhóm hiểu nhau hơn và học hỏi hoàn thiện bản thân. " mỗi người đều học thêm được nhiều điều, không chỉ kiến thức chuyên ngành mà cả kỹ năng làm việc, giải quyết bất đồng, kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc riêng và công việc chung”, Minh cho hay .

Sinh viên IT thiết kế “Nhà thông minh” ảnh 1

Các thành viên nhóm đồ án (từ trái sang): Nguyễn Tiến Mạnh, Dương Hồng Hưng (nhóm trưởng), Đoàn Nguyễn Yến Minh, Trịnh Văn Quân 

Nâng cấp ứng dụng và phát triển bản mobile

Hội đồng chấm đồ án tốt nghiệp đánh giá sản phẩm nhận xét, nhóm đã giải quyết tốt “bài toán ngôi nhà thông minh”. Những vấn đề quan trọng như tính bảo mật, tính ứng dụng thực tế,… được nghiên cứu khá kỹ lưỡng.

Nếu ứng dụng vào thực tế, sản phẩm mang đến lợi ích lớn cho xã hội: giúp quản lý nhà ở an toàn, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và công sức, phù hợp để áp dụng trên thị trường phổ thông.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận đồ án vẫn còn những thiếu sót. Thầy Trần Đình Trí (Chủ tịch Hội đồng chấm đồ án) nhận xét:

“Người bình thường không thể lúc nào cũng kè kè bên mình một chiếc laptop để quản lý nhà cửa, còn tablet thì chưa thực sự phổ biến. Nhóm nên phát triển ứng dụng phiên bản mobile (tuy giao diện website hiện nay cũng đã hỗ trợ mobile - PV) để đưa sản phẩm đến được với đông đảo người dùng hơn”, 

Ý kiến này cũng trùng khớp với mong muốn của nhóm sinh viên thực hiện đồ án. Phát triển bản mobile, tích hợp thêm tính năng hoạt động độc lập ngay cả khi mất điện, mở rộng đến nhiều thiết bị phức tạp như tủ lạnh, điều hòa,… là những ý tưởng phát triển sản phẩm được các thành viên ấp ủ sẽ hiện thực hóa trong tương lai gần.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.