Chị Sivongsa là 1 trong số 40 sinh viên Lào sắp hoàn thành khóa học 3 năm tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Dạy nghề Đường sắt Côn Minh để ngày 1/8 trở về thủ đô Vientiane làm giảng viên trường cao đẳng đường sắt Lào. Sau khi biết tôi là người Việt, chị cười rất tươi, nói sõi tiếng Việt: “Tên tiếng Việt của em là Hương nhé. Trước đây em tham dự khóa bồi dưỡng về công nghệ thông tin ở Việt Nam. Giờ em thích trở lại thăm Hà Nội rồi về Vientiane dự lễ khai giảng khóa học đầu tiên của Trường Cao đẳng đường sắt Lào vào tháng 9 tới với tư cách giảng viên”.
Sinh viên Lào thực hành trên hệ thống mô phỏng lái tàu ngày 17/6 ở Côn Minh |
Anh Sengaloun Thammavongsa Ảnh: Linh Nhi |
Không chỉ chị Sivongsa, một số đồng hương của chị như anh Sengaloun Thammavongsa cũng có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Anh. Anh Thammavongsa cười bảo: “Giờ dùng tiếng Trung quen rồi, chứ trước học công nghệ thông tin ở Đại học Công nghiệp TPHCM, nói và viết tiếng Việt suốt. Tán gái được mà”. Anh Thammavongsa kể bằng tiếng Việt (đôi lúc lẫn tiếng Trung) rằng, trường đại học ở Việt Nam rất tốt, nhưng chưa có chuyên ngành đường sắt cao tốc nên anh và nhiều học viên Lào khác được chọn sang Côn Minh học từ công nghệ, thiết bị, vận hành đến bán vé, phục vụ hành khách trong toa tàu cao tốc. Trong ba tháng đầu tiên (từ tháng 11/2021), sinh viên Lào học online tiếng Trung, rồi đến thành phố Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, học tiếng Trung 6 tháng, sau đó học chuyên ngành đường sắt cao tốc. “Sau khi trở về Lào, em rất mong muốn được giao lưu, học hỏi với giảng viên, sinh viên Việt Nam”, anh nói.
Ông Duan Yubo, Trưởng Phòng Giáo vụ Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Dạy nghề Đường sắt Côn Minh, cho biết, nhà trường sẽ cử giảng viên sang Vientiane giúp trường cao đẳng đường sắt Lào thực hiện chương trình dạy học trong 3-5 năm. Phía Trung Quốc cũng sẵn sàng viện trợ xây dựng hoặc kết nghĩa với các trường đường sắt hiện có ở các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Myanmar và Thái Lan, ông nói. Bà Liu Mingyun, Giám đốc Trung tâm Giao lưu quốc tế Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Dạy nghề Đường sắt Côn Minh, nói rằng, khóa học mới từ tháng 9/2023 tới tháng 6/2026 mở cửa cho sinh viên các nước ASEAN với nhiều ưu đãi như miễn giảm học phí, phí lưu trú… Anh Thammavongsa kể, sinh viên Lào được miễn hoàn toàn học phí và chi phí ăn ở; được ở mỗi người một phòng. Ngoài ra, họ được phía Trung Quốc cấp học bổng hơn 2.000 nhân dân tệ (khoảng 7 triệu đồng) mỗi tháng.
Ông Zhang Xingtao, Trưởng Phòng Truyền thông Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Dạy nghề Đường sắt Côn Minh, nói rằng, cuối tháng 6 sẽ có các đoàn cán bộ, chuyên gia đường sắt đến từ nhiều nước ASEAN như Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam… tới tìm hiểu sâu hơn về đường sắt cao tốc. Theo ông Zhang, phía Thái Lan thích đường sắt cao tốc với tốc độ 350 km/h, thay vì 160 km/h như đường sắt Trung Quốc-Lào hiện nay.
Trong chuyến công tác tại Trung Quốc từ ngày 29 đến 31/5, đoàn công tác liên ngành do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu đã có buổi hội đàm với Bộ trưởng GTVT Trung Quốc Lý Tiểu Bằng; hai bên nhất trí tăng cường hợp tác vận tải đường bộ, hàng không, hàng hải, đường sắt và đường sông nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại và giao lưu nhân dân giữa hai nước. Đoàn cũng có các buổi làm việc với Cục Đường sắt Quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Giao thông Trung Quốc, Tập đoàn Trung Xa để tìm hiểu thực tế, trao đổi kinh nghiệm phát triển đường sắt cao tốc của Trung Quốc.
Vừa bước qua cửa Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Dạy nghề Đường sắt Côn Minh, chúng tôi ấn tượng với câu khẩu hiệu viết trên tường: “Trung Quốc mạnh về giao thông vận tải và đường sắt đi đầu”. Ông Zhang Xingtao, Trưởng Phòng Truyền thông nhà trường, nói với tôi: “Trung Quốc quan niệm rằng, đường mở tới đâu, thịnh vượng theo sau tới đó và mong muốn cùng các nước ASEAN, nhất là Việt Nam kết nối vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung”.