Sinh viên 'đóng vai' Bộ trưởng GTVT
Đây được coi là một trong những sự kiện mở màn chuỗi hoạt động trong khuôn khổ “Diễn đàn sinh viên với phát triển bền vững hệ thống giao thông vận tải 2012” do Bộ GD-ĐT khởi xướng.
Hội thảo là sự phác họa toàn cảnh và phân tích thực trạng giao thông đô thị hiện nay dưới 3 góc nhìn: Văn hóa, Truyền thông và PR. Từ đó, đưa ra các vấn đề thảo luận, rút kinh nghiệm từ thực tiễn văn hóa giao thông hiện nay ở hai thành phố lớn: Hà Nội và TPHCM, và kiến nghị một số giải pháp khả thi cho việc phát triển văn hóa giao thông ở Việt Nam.
Tại Hội thảo các chuyên gia uy tín trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, truyền thông, giao thông và quản lý đô thị đã phân tích tình hình giao thông hiện nay và đưa ra những giải pháp. Đặc biệt, các sinh viên của Trường ĐH Đại Nam cũng tích cực tham gia vào chủ đề của Hội thảo với các tham luận dưới góc nhìn của sinh viên về các vấn đề nóng hổi của giao thông đô thị hiện nay.
Phân tích về ý thức văn hóa giao thông, trong vai là Bộ trưởng GTVT, SV Lê Thu Quỳnh lớp QHCC-05- Khoa PR đã có tham luận: “Nếu tôi là Bộ trưởng Đinh La Thăng tôi sẽ làm gì để giải quyết những vấn đề bức xúc của giao thông hiện nay, nhất là giao thông đô thị, vốn được coi là bộ mặt văn hóa giao thông của Việt Nam?".
Theo phân tích của Quỳnh ý thức văn hóa giao thông của đất nước Việt Nam có vẻ đã bị ảnh hưởng nền văn hóa nông nghiệp làng xã từ xa xưa. Đa số điều quen đi lại tự do, không tuân theo luật giao thông... Số người dân thiếu ý thức về văn hóa giao thông tại Việt Nam hiện nay đang chiếm số đông. Mặc kệ sự tuyên truyền của nhà nước, họ tham gia giao thông theo cách riêng của mình.
Việc lấn, cướp đường, tranh thủ phạm luật khi không có công an giao thông và đút lót người thi hành công vụ khi vi phạm đã thành thói quen trong tiềm thức của số đông bộ phận nhân dân. Vì mang trong đầu những ý nghĩ ấy nên nhân dân ta thường xuyên vi phạm và lách luật….
Từ những thực tế trên, Quỳnh đưa ra giải pháp: “Mỗi năm, tất cả các trường mầm non, THCS, THPT, ĐH trên toàn quốc phải tổ chức hội thảo văn hóa giao thông một lần để nâng cao ý thức cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Nhà nước nên tạo điều kiện cho sinh viên hay học sinh các trường thử làm công an giao thông một ngày để có được nhận thức sâu hơn về ý thức của người dân Việt Nam.
Từ đó rút ra kinh nghiệm cho mình. Nếu sinh viên hay học sinh có nhu cầu, chính tôi - Bộ trưởng GTVT sẽ đến tận trường để nói chuyện và tiếp thu những giải pháp của từng người”. Còn đối với những thế hệ như bậc trung tuổi hay cao tuổi, Sv này đề nghị Nhà nước nên tổ chức nhiều buổi hội thảo ngoài trời, những buổi sinh hoạt hay đưa văn hóa giao thông vào nhiều chương trình game show (trò chơi trên truyền hình) để nhân dân có thể vừa giải trí vừa trau dồi thêm kiến thức về văn hóa giao thông. “Từng người dân có ý thức nên nhắc nhở và trau dồi ý thức cho những người xung quanh, không được tung hô những hành động vi phạm giao thông”-Quỳnh phân tích.
Còn SV Nguyễn Thị Thơ lại có một cái nhìn về văn hóa giao thông từ thực tế về những bất cập của hạ tầng giao thông đô thị hiện nay. Theo SV này, để hạn chế tai nạn, vài năm gần đây Hà Nội đã đầu tư hàng triệu USD xây dựng một số hầm đường bộ. Thế nhưng nhiều người sang đường vẫn phớt lờ công trình này. Một trong những dẫn chứng là công trình hầm ngã Tư Sở. “Hầm bộ hành ngã Tư Sở được ví như mê cung dưới lòng đất. Với 12 cửa lên xuống và vài chục biển chỉ dẫn, hầm đường bộ ngã Tư Sở đang trở thành mê cung thách đố người đi bộ”-Thơ phân tích.
Theo Thơ không riêng ngã Tư Sở mà tại địa bàn Hà Nội dường như các hầm đường bộ vẫn chưa thuyết phục được người dân. Và không ít lần đau xót trước cảnh tượng người dân vừa đi vừa giơ tay xin đường cố len vào giữa làn xe tấp nập để rồi xảy ra những vụ tai nạn thương tâm. Thế mà hầm, cầu đi bộ thì chỉ lác đác người đi.
Lý giải về những nguyên nhân của những bấp cập trên Thơ cho rằng: “Hầm đường bộ không đảm bảo an toàn cho người đi bộ bên dưới vì lý do an ninh như cướp bóc, trấn lột, chích hút… Một số hầm tình trạng vệ sinh quá bẩn, người ta vứt rác thải và những thứ linh tinh khác.
Chưa kể một số nơi thì cửa đóng then cài, không được đưa vào sử dụng”. Theo Thơ các cơ quan chức năng cần kiểm tra các công trình đã đầu tư nói trên để tìm hướng giải quyết. “Tôi tin chắc nếu những vấn đề trên được giải quyết thì người dân sẽ trở lại đi trên những cây cầu hay hầm đi bộ dành cho họ”-Thơ nhấn mạnh.
PGS.Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái - Chủ nhiệm khoa Quan hệ công chúng – Truyền thông (PR) của trường Đại học Đại Nam, Trưởng ban tổ chức hy vọng Hội thảo sẽ đóng góp được những giải pháp hữu ích, hiệu quả nhằm khắc phục các vấn đề giao thông đô thị hiện nay.
Đồng thời, bồi đắp thêm vốn văn hóa giao thông cho mỗi người dân mà trước tiên là các bạn sinh viên, những công dân trẻ của đô thị hiện đại.
Quang Định