Sinh viên chạy đua làm thêm dịp Tết

Sinh viên chạy đua làm thêm dịp Tết
TP - Vừa đặt chiếc cặp xuống giường khi kết thúc môn thi cuối cùng, Trần Khắc Đoàn (sinh viên khoa Toán Tin, ĐH Thăng Long) phóng như bay ra nhà xe, lấy phương tiện lên siêu thị Intimex ở bờ Hồ cho kịp ca làm thêm.

Đoàn vừa nhận được công việc cho event quảng bá sản phẩm của Unilever dịp Tết. Đó là kết quả sau gần một tuần còng lưng trên xe đạp tìm kiếm việc làm của chàng sinh viên năm cuối.

Còn 3 môn thi nữa mới hết học kỳ nhưng Đoàn đã rong ruổi khắp các nơi tìm cho bằng được một công việc để làm trước khi về nghỉ Tết. Sau khi đọc được thông báo tuyển người làm của Unilever, Đoàn đăng ký ngay và may mắn được nhận với mức lương 75.000 đồng cho một ca làm 6 tiếng.

Đoàn thuộc những người may mắn kiếm được việc chỉ sau một tuần và mức lương cao. Nhiều sinh viên vẫn đang gõ cửa từng Cty để tìm việc làm thêm trong dịp Tết này.

 Thất thểu trở về phòng khi đạp xe tìm suốt hai tuần liền mà vẫn không được việc, Thiện, sinh viên khoa Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội đành gác lại mong muốn kiếm tiền, khăn gói về quê ở Hòa Bình.

“Trước mắt chưa có việc làm thì phải về nhà đã. Mình đã nhờ người bạn quen tiếp tục tìm cho. Nếu có thì chỉ cần alô là tớ xuống ngay”, Thiện nói trước khi lên chuyến xe buýt ra bến xe Hà Đông về quê.

Những ngày này, sinh viên nào chịu khó đến các hội chợ, triển lãm, khéo léo một chút là có thể có ngay một chân bán hàng với mức lương 40 – 50 nghìn đồng/ngày.

Gặp Lan trong một cửa hàng bán cây cảnh ở Giảng Võ, Hà Nội, cô cho biết, sau một hồi “trình bày hoàn cảnh”, cô chủ cửa hàng đồng ý nhận vào phụ bán hàng với mức lương 45 nghìn đồng/ca 6 tiếng.

“Hôm nào không phải thi mình tranh thủ làm hai ca. Cuối đợt chắc có một khoản kha khá về quê phụ mẹ nồi bánh chưng” - Nữ sinh năm thứ ba quê Yên Bái không giấu được niềm vui.

Vất vả một chút nhưng cuối năm có thêm thu nhập, đó gần như là tâm niệm của hầu hết sinh viên đi làm thêm. Còn 6 môn thi mới hết học kỳ nhưng Đạt (ĐH Thủy lợi) đã đi làm thêm cho một cửa hàng bán hoa Tết từ 2 tuần nay. Công việc của cậu là giao hoa cho khách hàng. Chiếc xe máy mượn của bố từ quê mang ra là phương tiện chính để Đạt “hành nghề”.

Mỗi ngày bình quân 5 chuyến giao hàng, trừ chi phí ăn uống xăng xe, Đạt có thể có 40 nghìn để dành. “Hôm nào có môn thi thì tranh thủ dậy từ 5 giờ sáng giao 2 chuyến hàng rồi về đi thi. Lạnh, mệt nhưng vui” - Đạt cười.

Công việc như của Đạt thường thu nhập khá nhưng chỉ phù hợp với những người có phương tiện và có sức khỏe. Các bạn nữ thì thường chọn chân bán hàng, phát tờ rơi, làm PG cho các event giới thiệu sản phẩm hoặc dọn dẹp nhà cửa, văn phòng cho các cơ quan trước khi nghỉ Tết…

Tất bật bên quầy giới thiệu sản phẩm, Nam (sinh viên năm cuối khoa Kinh tế, ĐHQGHN) cho biết, năm nay là năm thứ ba cậu tham gia làm thêm cho Cty này nên được tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý cả nhóm.

Nam tâm sự: “Để có được chức trưởng nhóm này, ba năm qua tớ đều về nhà vào 29 Tết vì làm thêm. Mẹ thương lắm nhưng cũng vui vì thấy con trai biết chịu khó”.

Những người chơi hàng… độc

Sinh viên chạy đua làm thêm dịp Tết ảnh 1
“Ông đồ” Trần Thanh Bình viết chữ tặng khách trong chương trình của Omo

Quầy giới thiệu sản phẩm của Omo năm nào cũng do sinh viên thực hiện từ công việc quản lý đến MC, PG… Đang lúi húi nặn tò he tặng khách, Lê Hồng Quân, sinh viên năm thứ ba khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Công đoàn cho biết: “Một tuần học việc để em có thể nặn được những con tò he như thế này. Công việc này không vất vả nhưng đòi hỏi năng khiếu nên em được trả lương cao nhất nhóm”.

Ngồi cạnh Quân là Trần Thanh Bình (K8 Nội thất, ĐH Mở Hà Nội) đang viết Thư pháp. Vốn có hoa tay và đam mê Thư pháp chữ Việt từ năm thứ nhất, nhận được lời mời từ người bạn quen, Bình tham gia viết chữ tặng khách hàng trong chương trình của Omo.

Những công việc đặc thù như của Bình và Quân không phải nhiều và không phải ai cũng làm được vì nó đòi hỏi năng khiếu. Tất nhiên với những công việc như thế thì thu nhập bao giờ cũng cao hơn. Trong nhóm, “ông đồ” và “ông tò he”  được trả lương cao nhất với 80 nghìn đồng/ca.

Những công việc dường như thời này chỉ gặp ở các vùng quê lại trở thành “hàng độc” với việc làm thêm của sinh viên. Thành Vinh (ĐH Văn hóa Hà Nội) đang chuẩn bị những môn thi cuối cùng để đi gói bánh chưng thuê cho một nhà hàng ở Cầu Giấy. Vinh biết gói bánh chưng lúc còn ở quê, khi thấy người bạn hỏi thăm, Vinh nhận luôn vì “trúng  tủ” việc của mình.

Không yêu cầu khắt khe như MC truyền hình, chỉ cần ngoại hình nhìn được và biết ăn nói khéo léo một chút là bạn đã có thể trở thành một MC cho những chương trình khuyến mãi Tết của các hãng sản phẩm. Nhưng cơ hội để có thể trở thành một MC giới thiệu sản phẩm cũng không phải nhiều.

“Phải có người quen giới thiệu em mới nhận được chân này đấy”, Đỗ Thanh Dung, (K2 Du lịch, CĐ Công nghệ Thành Đô), MC của nhóm Omo Tết cho biết.

Bên cạnh những người chỉ tranh thủ làm thêm trong dịp Tết và chịu khó về nhà muộn thì có nhiều sinh viên chấp nhận ăn Tết xa gia đình. Ngọc Dũng, sinh viên khoa Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn Hà Nội là một trong những trường hợp như thế.

Dũng vừa nhận được lời mời đi tour cho một đoàn khách nước ngoài muốn lên Chùa Hương trong những ngày Tết. “Nếu không có gì thay đổi Tết này mình không ăn Tết cùng bố mẹ. Hôm gọi điện về mẹ khóc nhưng cũng động viên. Hơi buồn nhưng đã quyết tâm rồi thì không thay đổi” - Dũng nói.

Để có thể đi tour như Dũng đòi hỏi phải có vốn hiểu biết về văn hóa và ngoại ngữ phải cực “tanh”, thường sinh viên các ngành Du lịch hoặc Quốc tế mới có thể đảm nhận được.

MỚI - NÓNG