Sinh viên Bách Khoa chế 'xe lội nước' dọn rác bãi biển

Nhóm bạn trẻ giới thiệu sản phẩm phương tiện thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước tại Festival Khoa học Công nghệ sinh viên ĐH Đà Nẵng 2019. Ảnh: Giang Thanh
Nhóm bạn trẻ giới thiệu sản phẩm phương tiện thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước tại Festival Khoa học Công nghệ sinh viên ĐH Đà Nẵng 2019. Ảnh: Giang Thanh
TP - Một phương tiện có thể di chuyển trên cạn và dưới nước để dọn rác vừa được nhóm sinh viên ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng giới thiệu tại Festival Khoa học Công nghệ trong sinh viên ĐH Đà Nẵng năm 2019. Phương tiện này có thể thay thế con người trong việc dọn vệ sinh bờ biển, sông, hồ... đem lại hiệu quả cao, giảm nhân công và phòng tránh các rủi ro.

Với mong muốn giải quyết lượng rác thải nhựa khổng lồ đe dọa môi trường biển, sông, hồ..., nhóm sinh viên khoa Cơ khí giao thông -  ĐH Bách khoa Đà Nẵng gồm Võ Anh Khoa, Trần Văn Nhật, Trương Văn Bình, Võ Văn Khoa, Lê Thanh Trãi, Đinh Văn Hiệp đã lên ý tưởng thiết kế mô hình phương tiện thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước.

Dọn rác trên cạn và dưới nước 

“Ở Đà Nẵng, đường bờ biển rất dài và thường xuyên bị rác thải bủa vây, những diện tích sông hồ bị ùn ứ rác thải cũng rất nhiều. Vì thường tham gia các hoạt động tình nguyện nên em cảm nhận được sự vất vả khi phải dọn lượng lớn rác thải suốt cả ngày trời. Việc vớt rác trên biển, sông hồ bằng những phương tiện thô sơ như thuyền thúng, vợt... cũng tốn nhân lực và có nhiều nguy cơ tai nạn. Từ đó, em ấp ủ ý tưởng về phương tiện thu gom rác bờ biển và trên mặt nước giúp việc dọn vệ sinh bãi biển, mặt biển, mặt nước sông hồ hiệu quả, an toàn hơn”, Anh Khoa kể.

Gần một năm ấp ủ, tìm tòi phác thảo những ý tưởng ban đầu, Khoa chia sẻ với hai người bạn cùng lớp cùng ba đàn em khóa dưới và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Cả nhóm bắt tay phác thảo thiết kế, tính toán các phương án và hoàn thiện mô hình.

Theo Anh Khoa, vì là phương tiện thủy bộ nên nhóm nghiên cứu phải kết hợp những kiến thức chuyên ngành kỹ thuật tàu thủy với các kiến thức về ô tô, máy công trình, điện tử, cơ khí... Những kiến thức này, nhóm bạn trẻ đều phải tự tìm tòi, nghiên cứu thông qua sách vở, internet, học hỏi từ các bạn sinh viên chuyên ngành khác, bí quá phải nhờ đến thầy cô...

Nhóm cũng gặp không ít khó khăn khi không có các trang thiết bị, máy móc chuyên dụng để hoàn chỉnh thiết kế. “Để chế tạo một phương tiện có thể di chuyển cả trên cạn và dưới nước đòi hỏi sự chính xác cao về chi tiết, nếu không, thiết bị sẽ không thể giữ ổn định khi hoạt động trên mặt nước. Vì không có thiết bị chuyên dụng nên tất cả các bộ phận chúng em đều thực hiện bằng các thiết bị cầm tay. Bởi vậy, các công đoạn đều mất nhiều thời gian, tốn nhiều công sức bởi cần độ chính xác, tỉ mỉ cao”, Anh Khoa chia sẻ.

Phải mất 6 tháng, nhóm mới có thể biến từ thiết kế trên giấy thành sản phẩm hoàn thiện. Phương tiện này có kết cấu gồm 7 bộ phận: cửa gom, thân chính, băng tải, buồng nén, thùng rác, bánh xích và trụ xoay. Phương tiện có thể vận hành tốt trên mặt đất, trên bãi biển cũng như trên mặt nước biển, sông hồ... Khi di chuyển trên mặt đất hoặc trên bãi biển, hệ thống bánh xích sẽ giúp phương tiện vận hành thuận lợi. Khi ở trên mặt nước, phương tiện này sẽ vận hành với cơ chế giống như một chiếc tàu thủy.

“Phần đầu phương tiện được bố trí cửa gom rác giúp gom các loại rác thải dễ dàng. Sau khi được thu gom, rác thải được dẫn lên băng tải thiết kế dạng lưới, thiết kế này giúp trả lại nước biển và cát lại môi trường. Băng tải sẽ vận chuyển rác vào hệ thống xử lý, tùy theo chức năng được thiết kế riêng, rác có thể được nghiền nát, hoặc ép chặt rồi đẩy vào buồng chứa”, Anh Khoa giải thích.

Mong muốn đưa sản phẩm ra thị trường

Vì phương tiện này có cơ cấu thùng rác rời nên công nhân vệ sinh môi trường có thể dễ dàng tháo lắp, di chuyển, thu gom rác và thay thế thùng rác. Nguyên liệu để chế tạo “xe lội nước” này là composite sợi thủy tinh nên nhẹ, không bị oxy hóa hay ăn mòn bởi nước biển. Phương tiện được vận hành bằng pin sạc, không gây tiếng ồn.

Chi phí để chế tạo thành công một sản phẩm mẫu với kích thước nhỏ, chỉ khoảng bằng 1 chiếc ô tô điện tự lái cho trẻ em là khoảng 10 triệu đồng. Mô hình đã được nhóm bạn trẻ thử nghiệm để dọn rác ở bãi biển và mặt biển cũng như mặt sông hồ và vận hành tốt. Theo Anh Khoa, nếu được đầu tư và sản xuất theo dây chuyền với các thiết bị chuyên dụng, phương tiện thu gom rác sẽ hoạt động ổn định hơn, chi phí thấp hơn.

“Một chiếc máy thu gom rác thủy bộ có kích thước hoàn chỉnh đúng theo thiết kế sẽ to bằng một chiếc xe ô tô bán tải, chi phí sản xuất sẽ khoảng từ 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng. Con số này nghe có vẻ lớn nhưng so với các máy thu gom rác có tính năng tương tự trên thế giới thì chi phí của chiếc máy này rẻ hơn rất nhiều lần”, Anh Khoa cho hay.

Mô hình của nhóm đoạt giải Nhì tại Cuộc thi Sinh viên Nghiên cứu khoa học của ĐH Bách khoa Đà Nẵng. 

Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng đã gặp gỡ, làm việc và góp ý thiết kế với nhóm để hoàn thiện dự án và lên kế hoạch chế tạo một chiếc máy với kích thước hoàn chỉnh để đưa vào sử dụng. Sau khi nhóm lên bản vẽ, thiết kế, trình bày dự toán, Thành Đoàn và Hội Doanh nhân trẻ sẽ hỗ trợ nhóm tìm kiếm nguồn đầu tư để sản xuất sản phẩm.                                                        

MỚI - NÓNG