TS. Nguyễn Ðức Hưởng:

Sinh ra trong xã hội nào phải có trách nhiệm với xã hội ấy

Trường THPT Hậu Nghĩa (Long An) khánh thành ngày 9/5/2014- công trình do LienVietPostBank tài trợ xây dựng.
Trường THPT Hậu Nghĩa (Long An) khánh thành ngày 9/5/2014- công trình do LienVietPostBank tài trợ xây dựng.
TP - Ngành ngân hàng đã chinh phục 7 ngọn núi. Có được thành công đó là nhờ điều hành chính sách đã uyển chuyển, lan tỏa, thu hút và quyết liệt… Cùng trò chuyện đầu xuân cùng TS. Nguyễn Ðức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Lãi suất đã về đúng điểm

Năm 2015, lãi suất ngân hàng tuy không giảm mạnh như kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Nhưng nếu so sánh, lãi suất cho vay đã giảm 50% so với quãng 2011 và về bằng 10 năm trước (2005-2006). Là người trong cuộc, đứng giữa người cho vay và người gửi tiền, từ góc độ của ngân hàng, ông thấy sao?

TS. Nguyễn Ðức Hưởng: Có thể nói, lãi suất cho vay của ngân hàng năm 2015 đã lập nên một kỳ tích: phấn đấu gặp lại 10 năm về trước - mốc son ấn tượng nhất trước khi có cuộc đua phi mã về lạm phát và lãi suất phi nước đại (lãi suất cho vay có thời điểm lên đến 17-18%/năm, lãi suất liên ngân hàng lên đến 25-26%/năm...). Tôi nghĩ rằng năm 2015 lãi suất ngân hàng đã về đúng điểm mong muốn của Ngân hàng Nhà nước và của các nhà quản lý người gửi tiền; còn người đi vay tuy đã thỏa mãn nhưng vẫn mong muốn lãi suất giảm hơn nữa.

Lãi suất có thể là một đường thẳng song song giữa người gửi tiền và người vay tiền và không có điểm gặp nhau, vì người đi vay bao giờ cũng mong muốn lãi suất càng thấp càng tốt, người gửi tiền thì ngược lại, lãi suất càng cao càng vui.

Ngân hàng đóng vai trò trung gian để hai đường thẳng song song trên xích lại gần nhau trên cơ sở quy luật kinh tế thị trường và tình trạng sức khỏe nền kinh tế xã hội đất nước để hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ uyển chuyển phù hợp - năm 2015 phải nói là năm thành công của Ngân hàng Nhà nước và điều hành lãi suất, không để giảm phát xảy ra (giảm lãi suất quá mức khiến người gửi rút hết tiền; thiếu nguồn cho vay sản xuất kinh doanh trì trệ) và cũng không để lạm phát quay trở lại thông qua sự ảnh hưởng của chính sách lãi suất nói riêng; chính sách tiền tệ nói chung.

Chinh phục 7 ngọn núi 

Nhận xét của nhiều chuyên gia, năm 2015 ngành đã gặt nhiều “quả ngọt” (từ xử lý nợ xấu, tín dụng, điều hành tỷ giá, vàng). Nếu nhìn vào hiện tại, bức tranh điều hành chính sách tiền tệ có thực đã tạo điểm sáng?

TS. Nguyễn Ðức Hưởng: Ðúng vậy! Và không chỉ dừng ở “quả ngọt” mà xứng đáng là một “thành tựu kinh tế”, là mốc son với 3 năm ngắn ngủi nhưng ngành ngân hàng đã bước một bước thật dài, chinh phục 7 ngọn núi lớn đã ngăn cản sự nghiệp kinh tế xã hội của Việt Nam nhiều thập kỷ qua.

Ðỉnh núi thứ nhất là lạm phát từ 18% năm 2011 xuống 3,5% năm 2015; Thứ hai là đỉnh núi lãi suất từ 23-24%/năm xuống còn 7-11%/năm; Thứ ba ngọn núi vàng hóa từ những cơn sốt vàng dòng người xếp hàng rồng rắn đến lúc cả năm 2015, Ngân hàng Nhà nước không phải nhập thêm một tấn vàng nào từ nước ngoài vào; Thứ tư là đỉnh núi tỷ giá, thì với việc tỷ giá năm nào cũng biến động mạnh (năm 2010, điều chỉnh 9,8%) và ổn định dần với lời cam kết điều hành (chỉ tăng 1% năm 2012; 2% năm 2013; 2% năm 2014; còn năm 2015 chủ động điều chỉnh trước áp lực phá giá NDT).

Ðỉnh núi thứ 5 là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng với việc sáp nhập, tái cơ cấu 19 TCTD; Ðỉnh núi thứ 6: lợi ích nhóm trong nền kinh tế đứng sau vàng và các tổ chức tín dụng (“đánh chuột không vỡ bình"); Ðỉnh núi thứ 7: xã hội hóa hoạt động ngân hàng, điều này là bởi lâu nay bị bưng bít hoạt động ngân hàng, bí mật đến nỗi kể cả những chính khách và người dân thường đều mơ mơ màng màng về các quyết sách của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhưng thời gian gần đây đã công khai hóa, không úp úp mở mở như trước đây.

Cũng chưa có thời kỳ nào dư luận xã hội (trong đó có người dân và doanh nghiệp) lại thấu hiểu hoạt động ngân hàng như vậy. Có được kết quả trên, cũng có sự góp phần quan trọng của truyền thông trong việc thông tin, phản ánh đa chiều việc chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ với tinh thần thân thiện, công khai, minh bạch và  trách nhiệm.

Ði ngược đám đông - Một sự điều hành dũng cảm

Ðến nay, tái cơ cấu ngân hàng được các chuyên gia kinh tế đánh giá là lĩnh vực thành công nhất trong 3 trụ cột nền kinh tế .  Ông có nhận xét gì về điều hành của NHNN suốt thời gian qua. Có ý kiến cho rằng nhà quản lý đôi lúc hơi “quân phiệt” và áp đặt mệnh lệnh hành chính, ví như câu chuyện mua NH 0 đồng?

TS. Nguyễn Ðức Hưởng: Nền kinh tế muốn phát triển thì tư duy đổi mới và tái cơ cấu phải được thực hiện thường xuyên ở cấp độ khác nhau đối với 3 trụ cột - đó là đầu tư công, ngân hàng, doanh nghiệp, trong đó tái cơ cấu đầu tư công rất quan trọng đối với sức khỏe nền kinh tế, nếu đầu tư công không hiệu quả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động ngân hàng và doanh nghiệp; đồng thời chất lượng hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng...

Ðúng là điều kiện khó khăn bao vây chồng chất, nhưng cho đến thời điểm này, tái cơ cấu ngân hàng là thành công nhất trong 3 trụ cột của nền kinh tế, có được sự thành công đó là vì trong lãnh đạo điều hành chính sách đã uyển chuyển, lan tỏa, thu hút, và quyết liệt trong điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước là một sự dũng cảm, thậm chí có những lúc dám “lội ngược dòng” dư luận, đám đông để hóa giải khó khăn; góp phần cho thắng lợi chung của đất nước.

2016 - Khởi đầu chu kỳ khó khăn

Vậy còn cá nhân ông có dự cảm gì về thị trường tài chính Việt Nam năm 2016 ?

Sinh ra trong xã hội nào phải có trách nhiệm với xã hội ấy ảnh 1

TS. Nguyễn Ðức Hưởng.

TS. Nguyễn Ðức Hưởng: Nếu năm 2015 được cho là năm đỉnh điểm thành công của thị trường tài chính tiền tệ, năm 2016 khởi đầu cho một chu kỳ khó khăn mới của thị trường; Vì dư địa hoạt động rất hạn hẹp thậm chí là đã hết, kinh tế bắt đầu chuyển mình kèm với sự chấp nhận lạm phát trong tầm kiểm soát, đầu tư công sắp vượt ngưỡng cho phép, đặc biệt nợ nước ngoài lại chiếm tỷ lệ đáng kể trong nợ công sẽ dồn ép áp lực trả nợ, uy tín quốc gia và trụ cột nợ công trong nền kinh tế chưa được tái cơ cấu bài bản sẽ dồn áp lực lên hai trụ cột ngân hàng và doanh nghiệp... lãi suất và tỷ giá rập rình phải nhích lên hợp lý với những áp lực khác; sự tăng trưởng kinh tế và biến động tỷ giá các đồng tiền ngoại tệ có ảnh hưởng trực tiếp đến VND. Tuy nhiên, tất cả những tác động trên cũng là lẽ bình thường và trong tầm kiểm soát.

Từ khi thành lập đến nay đã gần 8 năm. Chứng kiến bước đi, sự trưởng thành của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, nhiều người đều có chung cảm nhận ngân hàng đã rất nỗ lực với hình ảnh nổi bật liên quan đến công tác từ thiện an sinh xã hội. Ðiều này hẳn phải có cội nguồn?

TS. Nguyễn Ðức Hưởng: “Gắn xã hội trong kinh doanh”, sinh ra trong xã hội nào thì phải có trách nhiệm với xã hội ấy. Ðó là phương châm hoạt động của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Chính vì vậy, dù trong hoàn cảnh nào thì ngân hàng Bưu điện Liên Việt và các cổ đông sáng lập cũng luôn ý thức và hành động góp phần vào an sinh xã hội của đất nước với những chương trình như: về quê để dựng xây, vườn ươm nhân tài...

Với trên 2.000 tỷ đồng an sinh xã hội, xây dựng hơn 100 ngôi trường trên cả nước do Ngân hàng Bưu điện Liên và Công ty cổ phần Him Lam tài trợ trong thời gian qua, đặc biệt là đỡ đầu cho huyện nghèo Xín Mần với kế hoạch khoảng 150 tỷ đồng tài trợ theo công thức: 5-3-2 tức là cứ đầu tư 100 đồng vào huyện Xín Mần thì 50% vào giáo dục, 30% vào kinh doanh và 20% vào cơ sở hạ tầng. Hoạt động an sinh xã hội đúng là ấn tượng và ý nghĩa xuyên suốt trong hoạt động của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt trong suốt thời gian qua.

Xin cảm ơn.

Chúc ông và ngân hàng một năm mới thành công!

Xây dựng chiến lược phát triển cây mắc ca tại Việt Nam là một dự án lớn và dài hạn của LienVietPostBank và Công ty CP Him lam trong năm 2015. Ðây cũng là dự án thể hiện tinh thần trách nhiệm với xã hội của hai đơn vị

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.