Tỉ lệ sinh mổ ngày càng gia tăng. Vậy nhưng theo BS. Nguyễn Minh Châu - Phòng khám Đa khoa D-CLINIC, một nghiên cứu tại BV Hùng Vương, cho thấy chỉ có 19,5% số thai phụ biết sinh mổ có ảnh hưởng không tốt cho thai nhi. Mổ lấy thai có liên quan với sự gia tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong ở mẹ. Hiểu được những nguy cơ sinh mổ, thai phụ sẽ tránh đưa ra các yêu cầu mổ lấy thai không theo chỉ định.
Xin được sinh mổ
“Đau như đau đẻ”, câu nói đó cứ ám ảnh chị N.H.V trong suốt quá trình mang thai đứa con đầu lòng. Quá sợ đau nên chị V. đã chủ động gặp bác sĩ sản khoa xin được sinh mổ. Còn chị H.T.N lại xin bác sĩ được mổ vì lý do: “Cách đây 2 năm khi chị gái tôi sinh, do chị sinh tại phòng sinh gia đình nên tôi đã vào phòng sinh cùng chị.
Chứng kiến thời khắc chị lâm bồn, tim tôi như ngừng đập. Sức rặn của chị không tốt nên ngoài bác sĩ đỡ sinh còn có tới 3 điều dưỡng khác hỗ trợ chị. Mỗi lần chị rặn sinh là có tới 2 điều dưỡng đè lên bụng chị để giúp sinh được em bé.
Vậy mà cuối cùng cũng phải nhờ tới dụng cụ hỗ trợ sinh thì chị tôi mới sinh được con. Thấy chị đau đẻ, tôi thương đứt ruột. Và tôi thật sự hoảng sợ khi thấy chị rặn mãi nhưng vẫn không sinh được. Tôi nghĩ dại: nếu đầu em bé đã ra ngoài mà chị đuối sức không rặn được nữa thì phải làm sao. Tôi rùng mình không dám nghĩ tiếp. Vì sự ám ảnh đó nên bây giờ tôi chủ động xin bác sĩ sinh mổ để an toàn cho em bé”.
Riêng với chị N.T.A, dù biết rõ sinh thường sẽ tốt hơn cho cả mẹ lẫn con, nhưng chị vẫn phải xin bác sĩ sinh mổ vì yêu cầu của gia đình. Chồng chị A. là con trai một, gia đình lại rất khá giả. Nên ngay khi vừa về làm dâu, chị đã được mẹ chồng dẫn đi nhờ thầy xem tháng nào sinh được con trai. Khi chị mang bầu mới được 4 tháng, bố mẹ chồng chị đã đi xem ngày, giờ để cháu đích tôn chào đời. Và dĩ nhiên, để sinh con đúng theo ý muốn của gia đình, chị A. không còn cách nào khác là phải “năn nỉ” bác sĩ cho được sinh mổ.
Sinh đẻ là một quá trình sinh lý bình thường của người phụ nữ mang thai. Sản phụ có thể sinh thường theo ngả âm đạo hoặc mổ lấy thai khi có chỉ định về phía mẹ hoặc bé. BS. Nguyễn Minh Châu cho biết, mổ lấy thai không phải là thủ thuật vô hại.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tỉ lệ sinh mổ lấy thai tốt nhất là dưới 15%, vượt trên mức này thì tai biến sẽ xảy ra nhiều hơn cho mẹ và con. Theo báo cáo của Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ năm 1996, tỉ lệ mổ lấy thai tại Hoa Kỳ chỉ có 21%, nhưng đến năm 2011 tỉ lệ này là 32,8%. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bệnh viện Hùng Vương, từ năm 1995 - 2011, tỉ lệ mổ lấy thai tăng từ 17,1 - 42,8%.
Nhiều thai phụ thích được sinh mổ. ảnh minh họa.
Rất ít phụ nữ hiểu đúng về sinh mổ
Lý giải sự gia tăng tỉ lệ mổ lấy thai, theo BS. Minh Châu, bên cạnh các ca sinh mổ có chỉ định của bác sĩ, càng ngày càng nhiều phụ nữ yêu cầu mổ lấy thai mà không vì lí do y khoa. Lý do chọn sinh mổ vì sự an toàn cho bé được các thai phụ đặt lên hàng đầu. Còn một số thai phụ là để tránh đau khi chuyển dạ sinh và chọn thời điểm sinh (theo tử vi). So với nhóm từ 20 - 30 tuổi, thai phụ trên 30 tuổi và dưới 20 tuổi lựa chọn sinh mổ nhiều hơn với tỉ lệ tương ứng là 40,7 và 43,7%.
Thai phụ làm nội trợ có tỉ lệ lựa chọn sinh mổ cao nhất, kế đến là các thai phụ làm công tác văn phòng. Thai phụ là công nhân có tỉ lệ lựa chọn sinh mổ thấp nhất. Lý do phụ nữ giới văn phòng muốn mổ là vì sợ đau khi chuyển dạ và không tự tin bản thân có thể sinh thường được. Nhưng với giới lao động lại muốn sinh thường vì chi phí sinh mổ cao, thời gian nằm viện và phục hồi sức khỏe chậm khiến họ dễ có nguy cơ mất việc.
Đáng báo động là kiến thức đúng chung và thái độ đúng chung của thai phụ về sinh mổ là rất thấp. Có 3,7 người có kiến thức đúng chung về sinh mổ, 11,6% có thái độ đúng chung về sinh mổ. Đặc biệt, là chỉ 19,5% biết biết sinh mổ ảnh hưởng không tốt cho thai nhi và rất ít thai phụ biết sinh mổ có thể gây tử vong cho bản thân và em bé.
Theo BS. Châu, nhiều người lầm tưởng mổ lấy thai là an toàn tuyệt đối, nhưng thực tế tỉ lệ mẹ tử vong cao hơn sinh thường. Việc mổ lấy thai có nguy cơ tai biến do gây tê, mê, do chảy máu, nhiễm trùng, nhau cài răng lược, tai biến trong khi phẫu thuật như: tổn thương bàng quang, rách thêm vết mổ tử cung, tổn thương đường tiết niệu…Ngoài ra, sẹo mổ trên tử cung có thể bị nứt trong những thai kỳ sau, nếu không xử lý kịp thời sẽ tử vong cả mẹ lẫn con, nhất là hai lần mang thai quá gần.
Một vấn đề không kém phần quan trọng là so với sinh thường, thời gian nằm viện của sản phụ mổ lấy thai sẽ dài hơn, tốn kém nhiều hơn, đau đớn hơn, sự chăm sóc và cho con bú cũng bị ảnh hưởng. Việc mổ lấy thai là nguyên nhân của những tai biến khác đối với trẻ như: dao mổ chạm vào thai nhi (1 - 9%).
Trẻ sinh non tăng do muốn mổ sinh theo ngày. Bên cạnh đó, trẻ sinh mổ giảm khả năng miễn dịch hơn trẻ sinh thường. Để đảm bảo sức khỏe của mẹ và con, không nên lạm dụng mổ lấy thai. Chỉ nên sử dụng khi cuộc sinh ngả âm đạo có nguy cơ ảnh hưởng đến mẹ và con.