Sinh hoạt Đoàn giữa điểm nóng Hoàng Sa

Các đoàn viên chi đoàn tàu kiểm ngư HP-926 khắc phục thiệt hại sau khi bị tàu Trung Quốc đâm va. Ảnh: C.K
Các đoàn viên chi đoàn tàu kiểm ngư HP-926 khắc phục thiệt hại sau khi bị tàu Trung Quốc đâm va. Ảnh: C.K
TP - Giữa muôn trùng sóng dữ, đối mặt với hành vi hung hãn, vô đạo của Trung Quốc tại Hoàng Sa, có một chi đoàn thanh niên vẫn kiên trì sinh hoạt với những hình thức sáng tạo, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ tham gia đấu tranh tuyên truyền trên thực địa buộc phía Trung Quốc chấm dứt những hoạt động phi pháp trên vùng biển Việt Nam. Đó là Chi đoàn tàu kiểm ngư HP-926.

Giữa muôn trùng sóng dữ

Ngày 10/5, tàu kiểm ngư HP-926 nhận nhiệm vụ ra Hoàng Sa trong bối cảnh Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam.

Ngay sau khi có mặt ở Hoàng Sa, ngày 12/5 tàu HP-926 đã bị các tàu của Trung Quốc tấn công quyết liệt bằng cách đâm, va, dùng vòi rồng công suất lớn phá hủy các trang thiết bị như ăng ten Vinasat, hệ thống loa, phao bè...

Mới đây nhất, ngày 23/5, tàu HP-926 lại bị tàu kéo số 9 của Trung Quốc đâm húc nhiều lần. Trong đó, một cú đâm ác hiểm làm sập 17m lan can mạn trái và hư hỏng nhiều trang thiết bị trên tàu.

Sự uy hiếp của tàu Trung Quốc không làm giảm quyết tâm bảo vệ chủ quyền của cán bộ, đoàn viên trên tàu HP-926. Ngay từ những ngày đầu ở Hoàng Sa, Chi đoàn HP-926 thường xuyên phối hợp với chỉ huy tàu động viên đoàn viên liên tục mở các đợt tiến vào giàn khoan Hải Dương 981, đấu tranh kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

“Mặc dù làm việc trong điều kiện nguy hiểm, nhưng các đoàn viên luôn gắn bó với tàu, coi tàu là nhà, chi đoàn là mái ấm, đoàn viên rất vinh dự khi được tham gia bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc” .

 Bí thư chi đoàn Nguyễn Bưởi

Thuyền phó, Bí thư chi đoàn tàu HP-926 Nguyễn Bưởi (sinh năm 1983) cho biết, các đoàn viên HP-926 đều thuộc thế hệ 8X. Ngành máy có đoàn viên Đinh Công Quân (SN 1983), Trần Nhật Tuấn (SN 1985). Ngành boong có đoàn viên Phạm Đức Minh (SN 1983), Đỗ Văn Cành (SN 1986).

Thông tin liên lạc có Lê Văn Bình (SN 1987). Để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm này, chi đoàn đã quyết định thực hiện phong trào thi đua “Tháng 5 dâng Bác” gắn với nhiệm vụ chung của tàu. Vì vậy, đứng trước áp lực cao khi bị tàu Trung Quốc vây ráp, tấn công các đoàn viên chi đoàn đều nêu cao tinh thần chiến đấu, bám trụ mục tiêu, bảo vệ tàu.

Khi bị tàu Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng, anh Đỗ Văn Cành đã bám trụ, dũng cảm đương đầu với địch, bất chấp nguy hiểm. Các đoàn viên còn lại cũng xông pha, che chắn, dựng vật cản để chống lại tàu Trung Quốc.

Ngay sau đó, Bí thư chi đoàn Nguyễn Bưởi cùng các đoàn viên đã đề xuất việc dùng đệm nằm của mình chắn vào các tấm kính để giảm áp lực vòi rồng từ tàu Trung Quốc. Từ đó hạn chế tổn thất trước áp lực rất lớn của các vòi rồng từ tàu Trung Quốc.

Hay sau khi bị tàu Hữu Liên 9 (Trung Quốc) đâm va gây hư hỏng, các đoàn viên đã nỗ lực khắc phục khó khăn, khai thác vận hành máy đạt hiệu quả cao nhất, tự sửa chữa được các hạng mục hư hỏng do tàu Trung Quốc gây ra.

Cũng nhiều lần hai nhân viên ngành máy Đinh Công Quân, Trần Nhật Tuấn vững vàng, thực hiện mệnh lệnh của chỉ huy tăng tốc cắt đuôi tàu Trung Quốc, nhằm tránh va chạm gây thiệt hại cho tàu, không đẩy căng thẳng lên cao.

Kết nạp Đảng giữa Hoàng Sa

Niềm vui lớn đến với chi đoàn tàu HP-926 là ngay tại vùng biển Hoàng Sa, đoàn viên Lê Văn Bình (27 tuổi, quê xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, Thái Bình) được kết nạp Đảng ngay trên tàu HP-926. “Đây là niềm vinh dự của tôi khi được kết nạp Đảng trong lúc làm nhiệm vụ bám biển bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”, Bình xúc động nói.

Đã 7 năm nay, Lê Văn Bình gắn bó với con tàu HP-926 với hàng chục chuyến cưỡi sóng ngang dọc trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc. Và tới khi thực hiện nhiệm vụ tại Hoàng Sa, Lê Văn Bình luôn khắc phục khó khăn trong môi trường sóng gió, đòi hỏi tính độc lập cao để truyền tải thông tin kịp thời góp sức cho cuộc đấu tranh có thể dai dẳng và khó khăn này.

Càng ngày, trước áp lực đấu tranh kiên cường của chúng ta, các tàu Trung Quốc đã phải lùi vào cố thủ gần khu vực giàn khoan. Đó cũng là lúc các đoàn viên trong chi đoàn HP-926 tranh thủ những giây phút bình yên hiếm hoi để đọc báo, nghe radio để nắm bắt thông tin đấu tranh trong những ngày biển động. Cũng thông qua đó họ hiểu được tình cảm của đồng bào khắp nơi dành cho những người nơi đầu sóng ngọn gió.

Hơn nữa, chi đoàn còn tổ chức dạy tiếng Anh, tiếng Trung cho đoàn viên. “Chúng ta phải biết ngoại ngữ để có cách tuyên truyền, đấu tranh phù hợp với tình hình thực địa”, Thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy cho biết.

Hằng đêm, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ, chi đoàn HP-926 cũng thường xuyên học các bài hát về biển đảo quê hương. Giữa vùng biển chủ quyền của đất nước, lời ca của các đoàn viên chi đoàn HP-926 vang lên, tiếp thêm sức mạnh giữa muôn trùng sóng dữ…

“Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa ngàn bão tố phong ba ta vượt qua, vượt qua...”.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.