Phát biểu trước Quốc hội Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen cho biết: “Các trực thăng Super Puma đã phục vụ trong quân đội gần 30 năm. Chúng cần được thay thế và quá trình này sẽ diễn ra trong thập niên tới”.
Ông Ng Eng Hen không nhắc tới số lượng máy bay sẽ được mua sắm trong kế hoạch thay thế kể trên. Thế nhưng, các nguồn tin cho biết, số máy bay được mua mới để thay thế AS332/532 Super Puma/Cougar, sẽ ít hơn 30 chiếc.
Sở dĩ Singapore lên kế hoạch cho trực thăng Super Puma/Cougar "nghỉ hưu" vì muốn giảm chi phí. Những chiếc máy bay già nua này sẽ là gây gánh nặng chi phí bảo trì, nhất là trong điều kiện khí hậu nóng ẩm và sử dụng tần suất cao của Singapore.
Các hãng sản xuất như Airbus Helicopters, Bell Helicopter, Sikorsk và AgustaWestland đang đua nhau giành hợp đồng thay thế này của Singapore.
Tại triển lãm hàng không Singapore 2014, Boeing và Bell đã chào hàng Singapore trực thăng cánh quạt nghiên V-22 Osprey. Nhưng hiện Singapore vẫn chưa có phản hồi lời chào hàng kể trên.
Máy bay trực thăng Super Puma do hãng Eurocopter chế tạo. Hãng này là công ty con của Tập đoàn hàng không-vũ trụ quốc phòng EADS của châu Âu.
Loại máy bay này được thiết kế dành riêng cho bay trên biển, có nhiều tính năng hiện đại thích hợp cho công tác tìm kiếm, cứu hộ.
Super Puma có thể đạt tốc độ bay 260 km/giờ, tải trọng tối đa 11 tấn với sức chứa 19 hành khách và 2 phi công. Đặc biệt, nhờ được lắp thêm khoang chứa dầu phụ nên máy bay này có thể bay xa tới 850 km.