'Siêu trộm' kể về những cái Tết trong tù

Hai lần dính án với gần 10 năm trong tù, giờ đây khi cuộc đời đã sang trang mới nhưng “kỉ niệm” về những lần ăn Tết trong tù vẫn không thể nguôi ngoai trong lòng “siêu trộm” Trình Văn Lợi, quê ở xã Nga Nhân, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa.
“Siêu trộm” Trình Văn Lợi cầm tấm ảnh khi vinh dự được huyện Nga Sơn tặng bằng khen vì đã có thành tích giúp đỡ người lầm lỡ hòa nhập.

Về xã Nga Nhân, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) hỏi thăm anh Trình Văn Lợi ai cũng biết. Cái danh của Lợi “nổi tiếng” ở khắp vùng quê này từng hai lần anh phải đi tù vì tội trộm cắp. Có thời Lợi còn được mệnh danh là “siêu trộm” ở đất Nga Sơn. Nhưng giờ đây, mọi người lại nhìn anh bằng ánh mắt thán phục, gọi anh bằng cái tên khác là “Lợi máy cày”.

Hỏi thăm đến nhà anh Lợi từ ngoài trung tâm xã, được người dân dẫn đến nhà ở thôn Đông Thành nhưng khi đến chúng tôi vẫn khó tin được cơ ngơi khang trang vào bậc nhất ở làng này là của gia đình anh Lợi - một người từng vào tù ra tội.

Thấy khách đến chơi nhà, chị Nguyễn Thị Liệu (SN 1970) vợ anh Lợi ra mời chúng tôi vào nhà uống nước rồi lấy điện thoại gọi chồng về. Gần hết năm mà lúc nào anh Lợi cũng tất bật đủ các công việc khác nhau, gặp chúng tôi dù chưa biết là ai, anh Lợi vẫn tươi cười và bảo: “Vợ chồng mới cất máy cày để nghỉ Tết được vài hôm nay. Tranh thủ lúc vợ đi chợ mua đồ về gói bánh chưng, tôi đang đi sang nhà hàng xóm mượn chiếc khuôn về để gói bánh chưng và ít giò ăn Tết”.

Câu chuyện ngày cuối năm của chúng tôi với “siêu trộm” Trình Văn Lợi được bắt đầu bằng chính cái biệt danh mà mọi người đặt cho anh khi còn “vang bóng giang hồ”. Rót chén trà mời khách, anh Lợi giải thích: “Mọi người gọi tôi là “siêu trộm” cũng là có nguyên do của nó. Chẳng là trước kia tôi dính hai án về trộm cắp tài sản phải đi tù gần 10 năm”.

 Từ chiếc máy cày, anh Lợi đã hoàn lương làm lại cuộc đời.

“Siêu trộm” Trình Văn Lợi vốn là chàng trai con nhà nghèo sinh ra trong gia đình có 9 anh em. Lớn lên tuổi mười tám đôi mươi, chàng thanh niên Lợi lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ Quốc. Hết nghĩa vụ trở về nhà được gần một năm thì bố mẹ, anh em họ hàng mai mối cho Lợi lập gia đình với chị Nguyễn Thị Liệu ở xã bên gần nhà.

Hạnh phúc cùng người vợ trẻ chưa được bao lâu, thì Lợi phải đi ở tù về tội trộm cắp tài sản nhà nước. “Lấy vợ rồi nhưng lúc đó tính mình vẫn còn thanh niên, bạn bè rủ rê lôi kéo, không chịu làm ăn mà chỉ muốn thụ hưởng nên đã đi ăn trộm rồi bị bắt. Chỉ ở với vợ chưa được 100 ngày mình đã phải vào tù. Hơn ba năm sau đó mới được tự do, trở về nhà thì đứa con gái đầu đã biết đi”, anh Lợi nhớ lại lần đầu tiên đi tù.

Năm 1994, Lợi ra tù, chị Liệu cứ hi vọng chồng sẽ vì vợ con mà tu chí làm ăn nhưng Lợi vẫn chứng nào tật nấy. Không chịu cùng vợ làm ăn để nuôi con, “ngựa quen đường cũ” Lợi đứng ra tụ tập nhiều thanh niên trong xã, huyện thành lập một đội chuyện trộm cắp và mình là “đại ca”. Không phải ra tay thực hiện các vụ trộm, Lợi chỉ ở nhà chỉ đạo, bày cách cho đàn em đi thực hiện các vụ trộm lấy tiền tiêu xài.

Đi đêm lắm có ngày gặp ma, năm 1995 trong một lần chỉ đạo đàn em đi ăn trộm, Lợi đã bị bắt và bị tuyên phạt 10 năm tù vì tội “Cầm đầu băng đảng có tổ chức khởi xướng nhưng không thực hiện”. Những ngày tháng sau đó, cuộc đời của Lợi lại phải “bóc lịch” sau song sắt ở Trại giam số 5 (Bộ Công an, huyện Yên Định, Thanh Hóa).

 Mỗi lần gói bánh chưng cho gia đình ăn Tết, anh Lợi lại nhớ về những “kỷ niệm” về Tết ở trong trại.

Cải tạo tốt, 7 năm sau đó anh Lợi tự do về nhà: “Được tự do về đến nhà đúng là vui thật, nhưng khi đó buồn chán lắm. Nhà cửa thì ẩm thấp, rách nát, vợ con thì nheo nhóc, đau khổ nhất là làng xóm dị nghị. Có người còn đến xem sau 10 năm ở tù về tôi đã sắp chết chưa. Cứ nghĩ cuộc đời tôi lúc đó sẽ không vực dậy được mà lại sa ngã. Nhờ vợ động viên, gia đình khuyên bảo, tôi quyết tâm làm lại cuộc đời mình”.

Chính vì lẽ đó, sau gần 10 năm ra tù, có cuộc sống mới nhưng chưa năm nào mỗi dịp Tết đến xuân về, anh Lợi quên đi được những cái Tết trong tù. Với anh Lợi, những năm ăn Tết trong tù giờ là những “kỷ niệm” đáng nhớ nhất của cuộc đời mình.

Hướng mắt nhìn xa xăm, anh Lợi bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cái Tết đầu tiên trong trại giam Thanh Phong, huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Năm đó, Lợi mới ngoài 20 tuổi, cuộc đời đang bay nhảy, tự do tự tại nhưng chỉ trong chốc lát Lợi đã vướng phải vòng lao lý, phải đền tội mình gây ra.

Anh Lợi tâm sự: “Bị đi tù, xa lánh xã hội, thèm khát tự do bên ngoài đó là tâm trạng của những ngày đầu trong trại. Cái Tết đầu tiên ở trong trại tôi nhớ nhà, nhớ vợ buồn muốn khóc. Ân hận việc mình đã làm, chỉ mong sao được sớm trở về với bố mẹ, vợ con và gia đình mình. Những năm sau đó, cuộc sống trong trại giam dần cũng quen với kẻ xa ngã này”.

“Đối với những phạm nhân thì bắt đầu từ 20 tháng Chạp đã được trại giam cho người nhà vào thăm. Những phạm nhân không có người nhà đến thăm là nỗi buồn nhất đối với họ, nhất là đêm giao thừa. Anh em chỉ biết ngậm ngùi chờ cho thời gian trôi nhanh để qua đi một năm. Thời khắc chuyển giao đó, chẳng được ở bên gia đình và người thân. Anh em chỉ biết động viên nhau gắng cải tạo tốt để sớm được về hòa nhập cộng đồng”, anh Lợi nói tiếp.

Gần 10 năm ăn Tết trong tù, năm nào với anh Lợi cũng có những kỉ niệm vui buồn khác nhau. “Ba ngày Tết, các phạm nhân đều được nghỉ việc. Ngoài việc được tổ chức vui chơi, giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao thì ngày Tết mỗi phạm nhân được cho một cái bánh chưng, mâm cơm cũng có thịt gà, thịt lợn… đầy đủ hết, dù được anh em, bạn bè cùng cảnh ngộ sẻ chia, các giám thị cảm thương nhưng không đâu bằng tình cảm gia đình trong những ngày Tết”, anh Lợi chia sẻ.

Người làm cho anh Lợi cảm hóa và quyết làm lại cuộc đời đó chính là người vợ hiền của mình. Những năm anh Lợi ở trong tù, hàng tháng chị Liệu lại đạp chiếc xe đạp lọc cọc vượt hơn 50km từ nhà lên trại giam số 5 để thăm chồng. Từ sự động viên khích lệ của vợ mà anh Lợi đã sớm cải tạo tốt trở về nhà bắt tay vào xây dựng cơ nghiệp.

Lúc đầu, hai vợ chồng anh Lợi chỉ hai bàn trắng nhưng sau gần 10 năm làm lại cuộc đời, nhiều người có “mơ” cũng không có được cơ ngơi như của gia đình anh Lợi. Không chỉ xây được nhà, có nhiều vốn để làm ăn mà hai vợ chồng anh Lợi còn nuôi hai người con ăn học đến nơi đến chốn…

Anh Lợi chỉnh trang nhà cửa chuẩn bị đón Tết.

Từ ngày ra tù làm lại cuộc đời đến nay, nhiều lần anh Lợi đã được chính cán bộ trại giam nơi mình từng cải tạo mời về để thuyết trình khuyên nhủ các phạm nhân gắng cải tạo tốt để sớm hoàn lương. Bên cạnh đó, ở tại quê hương anh Lợi cũng làm nhóm trưởng tập trung những người lầm lỡ huyện Nga Sơn. Nhiều năm liền anh được UBND và Công an huyện Nga Sơn tặng bằng khen vì đã có thành tích giúp đỡ người lầm lỡ hoàn lương.

Anh Lợi chia sẻ: “Những gia đình nào không may có con hoặc người thân dính vào vòng lao lý thì xin đừng ruồng bỏ họ. Vào tù rồi người phạm tội mới nhận ra lỗi lầm và muốn làm lại cuộc đời nên họ cần nhất vẫn là sự cảm thông, quan tâm và sẻ chia. Nếu ruồng bỏ họ, họ sẽ cô đơn và tuyệt vọng, nhiều khi nghĩ quẩn sẽ không chịu cải tạo, sau này ra tù, cũng khó hòa nhập, không chịu làm ăn để rồi lại quay lại cái vòng luân hồi mang tên “lao lý”.

Theo Thái Bá

Theo Dân trí