Siêu Thứ ba trong cuộc đua vào Nhà Trắng

Một cử tri rời khỏi một điểm bỏ phiếu sơ bộ của đảng Cộng hòa ở thành phố Charleston, bang South Carolina, ngày 20/2. Ảnh: Reuters.
Một cử tri rời khỏi một điểm bỏ phiếu sơ bộ của đảng Cộng hòa ở thành phố Charleston, bang South Carolina, ngày 20/2. Ảnh: Reuters.
Hàng loạt cuộc bỏ phiếu sơ bộ và họp kín của đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ được tổ chức tại hơn 10 bang cùng vùng lãnh thổ thuộc Mỹ, chọn ra đại biểu dự đại hội toàn quốc.

Siêu Thứ ba được dùng để chỉ ngày thứ ba đầu tháng hai hoặc tháng ba của năm bầu cử tổng thống Mỹ. Đây là ngày đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tổ chức nhiều cuộc bỏ phiếu sơ bộ và họp kín nhất. Nhiều bang bỏ phiếu sơ bộ cũng có nghĩa Siêu Thứ ba là ngày chọn ra nhiều đại biểu nhất. Những người này có vai trò quyết định cuối cùng xem ứng viên nào sẽ đại diện cho đảng của họ dự tổng tuyển cử, theo Bloomberg.

Siêu Thứ ba năm nay, ngày 1/3, diễn ra sau họp kín đảng Cộng hòa bang Nevada, ngày 23/2, và bỏ phiếu đảng Dân chủ ở South Carolina, ngày 27/2. Hơn 10 bang và vùng lãnh thổ Mỹ sẽ tổ chức bỏ phiếu sơ bộ và họp kín.

Các cuộc bỏ phiếu sơ bộ, họp kín của cả hai đảng tổ chức tại các bang Alabama, Arkansas, Colorado, Georgia, Massachusetts, Minnesota, Oklahoma, Tennessee, Texas, Vermont và Virginia. Đảng Cộng hòa tổ chức họp kín ở Alaska, North Dakota và Wyoming. Đảng Dân chủ họp kín ở vùng lãnh thổ American Samoa.

Sau ngày 1/3, đảng Cộng hòa sẽ lựa chọn khoảng một nửa số đại biểu cần thiết để một ứng viên Cộng hòa nhận được đề cử trong khi đảng Dân chủ sẽ chọn ra khoảng một phần ba số đại biểu cần thiết. Điều này có nghĩa một kết quả tốt đối với Donald Trump và Hillary Clinton sẽ giúp họ có thể giành được đề cử ngay từ giữa tháng 3.

Cụ thể, số đại biểu đảng Cộng hòa và Dân chủ được chọn ra sau Siêu Thứ ba tương ứng là 595 và 1.004. Số đại biểu cần thiết để một ứng viên nhận được đề cử tương ứng là 1.237 và 2.383. Chính tỷ lệ này đã giải thích vì sao giới chuyên gia lại chú ý nhiều đến Siêu Thứ ba.

Bà Clinton được cho là có lợi thế hơn đối thủ Bernie Sanders trong đảng Dân chủ. Cựu ngoại trưởng Mỹ thậm chí còn đánh bại Tổng thống Barack Obama trong Siêu Thứ ba năm 2008. Tình hình có phần khó dự đoán hơn ở phía đảng Cộng hòa. Đà tiến của tỷ phú Donald Trump có thể bị hai đối thủ là Ted Cruz và Marco Rubio, được nhiều người cho là các ứng viên đầy hứa hẹn, thách thức.

Siêu Thứ ba kết thúc không có nghĩa là đã hết cơ hội dành cho những ứng viên còn lại. Vẫn còn nhiều cuộc bỏ phiếu sơ bộ lớn tổ chức sau Siêu Thứ ba tại các bang như Florida, Illinois, North Carolina và Missouri vào ngày 15/3, tại New York ngày 19/4.

Sau Siêu Thứ ba, đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ tổ chức đại hội toàn quốc tương ứng từ 18 đến 21/7 và từ 25 đến 28/7. Tại đại hội, ứng viên tổng thống đại diện cho mỗi đảng sẽ được lựa chọn. Người này tiếp tục chọn một "cấp phó" cùng ra tranh cử với mình và thường là một trong số những ứng viên người thua cuộc.

Hai ứng viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ trực tiếp đối đầu nhau và hoạt động gây chú ý nhiều nhất là các cuộc tranh luận trên truyền hình trước khi bầu cử tổng thống Mỹ bắt đầu ngày 8/11. Một trong hai người sẽ trở thành tổng thống mới của nước Mỹ, kế nhiệm Tổng thống Obama.

Cụm từ Siêu Thứ ba bắt đầu được sử dụng từ năm 1984. Siêu Thứ ba năm 1984 chỉ gồm có 9 bang, sau đó gia tăng đáng kể cả về số bang và đại biểu. Mục đích của Siêu Thứ ba kể từ khi xuất hiện là buộc các ứng viên kém hơn phải rời cuộc đua để các đảng chính trị có thể tập trung vào một ứng viên khi đại hội toàn quốc từng đảng diễn ra.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG