Siêu thiết giáp hạm khiến Anh 'mất mặt' trong hai cuộc thế chiến

HMS Queen Elizabeth cập cảng năm 1936. Ảnh: Wikipedia.
HMS Queen Elizabeth cập cảng năm 1936. Ảnh: Wikipedia.
Thiết giáp hạm mạnh nhất thế giới HMS Queen Elizabeth đứng ngoài các trận đánh lớn trong hai cuộc thế chiến vì liên tục hỏng hóc.

Năm 1913, Anh đóng siêu thiết giáp hạm HMS Queen Elizabeth với tham vọng sở hữu lớp tàu chiến lớn, trang bị hỏa lực mạnh và có tốc độ nhanh hơn bất kỳ đối thủ nào trên thế giới. Tuy nhiên, nó lại trở thành nỗi xấu hổ của hải quân Anh khi không thể tham gia vào bất cứ trận đánh lớn nào trong cả hai cuộc thế chiến, theo National Interest.

Chuyên gia quân sự Robert Farley cho biết HMS Queen Elizabeth là bước đột phá lớn trong thiết kế thiết giáp hạm Anh. Việc sở hữu pháo cỡ nòng 381 mm giúp nó có hỏa lực vượt trội so với tàu chiến cùng loại của Mỹ, Nhật Bản và Đức, cũng như mang lại khả năng xuyên phá mạnh hơn chiến hạm Iron Duke của chính hải quân Anh.

Mẫu thiết kế ban đầu gồm 10 pháo 381 mm đặt trên 5 tháp pháo, nhưng sau đó Anh quyết định bỏ một cụm tháp pháo để HMS Queen Elizabeth đạt tốc độ hành trình cao hơn. Việc sử dụng động cơ dầu giúp tiết kiệm nhân công vận hành so với than đá, đồng thời sản sinh ít khói hơn, tăng khả năng chiến đấu do thủy thủ đoàn không bị che khuất tầm nhìn.

Tháng 1/1915, HMS Queen Elizabeth được đưa vào biên chế hải quân Anh. Tàu có lượng giãn nước 26.000 tấn, trang bị 8 pháo 381 mm trên 4 tháp pháo đôi, đạt vận tốc tối đa 42,5 km/h. Anh dự tính đóng ba tàu thiết giáp hạm lớp Queen Elizabeth và một biến thể tàu tuần dương, nhưng sau đó nâng lên thành 5 thiết giáp hạm sau khi hủy dự án tuần dương hạm.

HMS Queen Elizabeth có thời gian phục vụ dài trong cả hai cuộc thế chiến, nhưng bị đánh giá là nỗi thất vọng của hải quân Anh khi không thể tham gia các trận đánh quan trọng.

Trong Thế chiến I, lợi thế của Anh trước đế quốc Đức lớn đến mức HMS Queen Elizabeth không cần tham chiến và được triển khai cho nhiệm vụ khác. Lần thực chiến đầu tiên của tàu là tham gia tấn công lực lượng đế chế Ottoman ở eo biển Dardanelles.

Siêu thiết giáp hạm khiến Anh 'mất mặt' trong hai cuộc thế chiến ảnh 1

Cụm 4 pháo 381 mm phía trước thiết giáp hạm. Ảnh: Reddit.

Thiết giáp hạm Anh oanh tạc các pháo đài ven biển và yểm trợ tiến công vào eo biển này ngày 18/3/1915. Cuộc đột kích hiệp đồng của Anh và Pháp vấp phải hỏa lực bờ biển và thủy lôi của đối phương, buộc HMS Queen Elizabeth phải rút lui để tránh tổn thất. Trong trận hải chiến Jutland giữa Anh và đế quốc Đức năm 1916, tàu cũng không thể tham chiến do đang bảo dưỡng tại cảng.

Đầu năm 1917, Queen Elizabeth trở thành kỳ hạm của Grand Fleet, hạm đội chủ lực của Anh trong Thế chiến I. Nhiệm vụ quan trọng nhất của nó là áp giải hạm đội Đức qua eo biển Scapa Flow khi Thế chiến I kết thúc.

HMS Queen Elizabeth trở thành kỳ hạm của hạm đội Đại Tây Dương trong giai đoạn 1918-1924 và hạm đội Địa Trung Hải sau đó vài năm. Dù vẫn là chiến hạm đầy uy lực, những thay đổi trong tác chiến hải quân khiến hạn chế trong thiết kế ban đầu của tàu bắt đầu bộc lộ.

Cuối thập niên 1930, HMS Queen Elizabeth trải qua cuộc đại tu lớn, gồm thay thế cấu trúc thượng tầng, cải tiến giáp bảo vệ và tích hợp thêm vũ khí phòng không hiện đại. Với mục đích kéo dài tuổi thọ thêm 15 năm, quá trình đại tu đã khắc phục những hạn chế lớn nhất, trong khi vẫn bảo đảm tốc độ cao như thiết kế. Tuy nhiên, nó khiến tàu không thể tham chiến trong Thế chiến II đến tận tháng 5/1941.

Đến khi HMS Queen Elizabeth trở lại biên chế trong hạm đội Địa Trung Hải của Anh, hải quân Italy không còn tiến hành các chiến dịch lớn trong khu vực, khiến nó không có đất diễn. Tới tháng 12/1941, một đội biệt kích Italy xâm nhập cảng Alexandria, gài mìn đánh chìm HMS Queen Elizabeth và HMS Valian xuống vùng biển nông.

Hải quân Anh sau đó trục vớt tàu và chuyển đến cảng Norfolk, Mỹ để sửa chữa vào tháng 9/1942. Khi Queen Elizabeth trở lại chiến đấu, hải quân Italy đã đầu hàng, khiến hạm đội Địa Trung Hải không còn quan trọng. Con tàu được điều động đến chiến trường Thái Bình Dương.

Siêu thiết giáp hạm khiến Anh 'mất mặt' trong hai cuộc thế chiến ảnh 2

Chiếc Queen Elizabeth sau khi đại tu vào năm 1943. Ảnh: Wikipedia.

HMS Queen Elizabeth tham gia hỗ trợ nhóm tàu sân bay Mỹ tấn công các mục tiêu phát xít Nhật ở khu vực Đông Ấn Hà Lan. Do phe Đồng minh chiếm ưu thế áp đảo trên biển, nó lại trở về Anh vào tháng 7/1945 và bị niêm cất cho đến khi bị tháo dỡ năm 1948.

Lớp Queen Elizabeth là những chiến hạm rất quan trọng, có uy lực và thời gian vận hành lâu hơn các thiết giáp hạm cùng thời. Tuy nhiên, HMS Queen Elizabeth không có cơ hội thể hiện sức mạnh chỉ vì phải bảo dưỡng liên tục, trở thành tàu chiến có thành tích chiến đấu đáng xấu hổ của hải quân Anh, chuyên gia Farley kết luận.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.