Từ ngày dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, đi lại hạn chế, chợ và siêu thị bên ngoài nhiều nguy cơ, các “siêu thị dã chiến” mọc lên trong các tòa chung cư ở Đà Nẵng. Mỗi tòa có vài ba, thậm chí hơn chục “siêu thị”, phục vụ hàng trăm người dân.
Thứ gì cũng có
Giữa buổi sáng, bà Nguyễn Thị Hường (chung cư CT03, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) ngồi chia hơn 30kg thịt ra từng loại. Đây là số thịt mà cư dân trong tòa nhà đặt hàng. Bà kể rằng, mấy tháng trước, khi tình hình dịch phức tạp, mua thực phẩm khó khăn, bà tìm nguồn lấy thịt về để phục vụ các hộ dân trong tòa nhà. Cứ đều đặn vài hôm, các hộ hết thịt sẽ đặt trước cho bà, ghi rõ số lượng và từng loại thịt. Có hàng, bà phân ra từng loại, giao đến tận cửa từng phòng. Vì sự tiện lợi ấy nên đến nay, khi được đi lại, mua sắm dễ dàng hơn, nhiều hộ dân vẫn tiếp tục đặt hàng.
Chị Võ Thị Nga (30 tuổi, quận Cẩm Lệ) nói rằng, nhờ bán hàng cho các hộ dân trong chung cư chị sống nhiều tháng qua mà chị đã bán được đàn gà, vịt của gia đình ở quê bị thương lái ép giá. “Mọi người cũng vui vì mình giúp họ không phải đi chợ vẫn có thực phẩm tươi ngon. Mình cũng thường xuyên mua thực phẩm của người bán trong chung cư, bởi vừa hỗ trợ được họ, vừa an toàn cho mình, cho môi trường sống chung”, chị chia sẻ.
Trong thang máy tòa nhà, chị Võ Thị Nga khệ nệ thùng xốp với mấy chục con gà, vịt đã được làm sạch sẽ. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, mọi người đi làm về, chị giao hàng tới từng hộ. Nhiều tháng qua, “siêu thị” gia cầm của chị thường xuyên có gà, vịt, có khi thêm trứng. Mỗi lần vài chục con, bỏ cho khách khắp các tầng.
Ở chung cư chị, còn có các “siêu thị” cá, tôm, rau, trái cây, bánh, chả, mắm… Chị Châm Anh (28 tuổi) nói: “Món gì trong chung cư cũng bán cả, chỉ cần nhắn là có ngay. Thậm chí cả đồ ăn cho em bé. Với những người bận rộn, không thể đi ra ngoài thì những siêu thị dã chiến này là tiện ích nhất”.
Không chỉ bán mặt hàng thiết yếu, nhiều người còn mở “siêu thị” đồ gia dụng, làm đẹp, giải khát, hóa mỹ phẩm… trong chung cư. Các sản phẩm, giá cả, hình ảnh đều được đưa lên nhóm Facebook, Zalo cho bà con xem trước, hoặc viết ở bảng đặt trước sảnh chung cư.
Mua bán với hàng xóm nên mọi người rất an tâm, không sợ tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”, ngâm hàng, xù tiền… Một số tòa nhà còn có “siêu thị” ẩm thực, chuyên phục vụ ăn uống theo nhu cầu. Người bán trước là chủ quán ăn, quán cà phê, nay vì dịch ế ẩm nên ở nhà nấu nướng phục vụ cư dân tòa nhà. Mỗi ngày họ đều lên thực đơn cho hôm sau rồi gửi tới mọi người, ai ăn gì đặt nấy, khi nấu nướng xong sẽ phục vụ tận bàn ăn.
Bớt ra ngoài, bớt nguy cơ
Chị Vân Anh kể rằng, từ đợt dịch vào tháng 7, tháng 8, khi Sơn Trà là điểm nóng của thành phố, chị đã bắt đầu mua sản phẩm cần thiết trong chung cư để hạn chế ra ngoài, tránh nguy cơ lây nhiễm.
“Ban đầu chỉ tìm mua lương thực, thực phẩm, sau thấy hỏi tới cái gì cũng có người bán nên mình mua từ đó tới nay. Suốt mấy tháng trời rồi không biết chợ, siêu thị bên ngoài là gì cả. Trong mùa dịch, được mua hàng tại chỗ như thế này tôi rất an tâm, bởi bớt đi ra ngoài thì rõ ràng đã bớt nguy cơ lây nhiễm”, chị nói.
Những ngày qua, Đà Nẵng liên tiếp ghi nhận các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Lịch trình đi lại của nhiều bệnh nhân liên quan tới chợ, siêu thị, quán ăn… Người dân lại e ngại ra đường. Cư dân ở chung cư cũng tự bảo nhau cố gắng gìn giữ, bớt đi lại. Thành thử, nhiều người mua sắm từ các “siêu thị dã chiến” trong chung cư.
Với những món khó mua “nội bộ”, cư dân trong tòa nhà lại rủ nhau mua chung từ bên ngoài. Những thùng trái cây nhập khẩu, bao tải dưa hấu, thậm chí nguyên cả con heo… cũng được các hộ mua về.