Được phát triển từ MiG-29 với những tính năng cải tiến như động cơ hướng phụt 3D, hệ thống điện tử tối tân... tuy nhiên đến nay loại chiến đấu cơ MiG-35 vẫn chưa tìm được bất cứ khách hàng nào, mặc cho Nga ra sức mời chào.
Điều lạ lùng ngay cả chính không quân Nga cũng từ chối mua loại chiến đấu cơ này.
Phải chăng dòng máy bay của hãng sản xuất lừng danh Mikoyan đã hết thời. Những năm gần đây nếu hãng Sukhoi làm ăn lên như diều gặp gió, thì ngược lại hãng Mikoyan lại không suôn sẻ như vậy.Ngay cả việc phát triển tiêm kích thế hệ thứ 5 cũng được không quân Nga giao lại cho hãng Sukhoi.
Thực ra MiG-35 không phải là máy bay chiến đấu tồi, nó thậm chí được coi là một máy bay chiến đấu thế hệ 4+ xuất sắc.
Tuy nhiên chính vì ôm đồm quá nhiều thiết bị điện tử tối tân khiến từ một chiến đấu cơ hạng nhẹ, MiG-35 đã có trọng lượng tương đương với chiến đấu cơ hạng nặng, trong khi đó MiG-29 thành danh là nhờ được xếp vào chiến đấu cơ hạng nhẹ đa năng có khả năng cơ động tốt.
Trọng lượng cất cánh tối đa của MiG-35 lại lên tới 29.700 kg, tức là gần bằng F-15C (30.845 kg), vượt xa con số 18.000 kg của MiG-29A.
Việc phải mang một trọng lượng quá nặng nên mặc dù cải tiến nhưng tầm bay và cả tốc độ của MiG-35 giảm đi rõ rệt.
Vận tốc tối đa của MiG-35 chỉ còn Mach 1,94 (so với Mach 2,35 của MiG-29A), bán kính chiến đấu vẫn không vượt quá 1.000 km, khối lượng vũ khí chỉ đạt 7.000 kg.
Nếu so với chiếc F-15 của Mỹ vốn có trọng lượng cất cánh gần tương đương thì tầm bay, vận tốc, tầm quét radar và tải trọng vũ khí của MiG-35 đều kém xa.
Một điều khiến khách hàng "ngó lơ" nữa là MiG-35 của Nga nói riêng và dòng chiến đấu cơ Nga nói chung là lúc đầu mua giá rẻ nhưng chi phí bảo dưỡng lại đắt hơn chiến đấu cơ phương Tây, đặc biệt giới hạn bay của khung thân máy bay Nga thường chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 máy bay phương Tây. Tất cả những điều này khiến cho MiG-35 mặc dù cải tiến đột phá nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh ế ẩm.