Siêu ngư lôi VA-111 Shkval - Niềm khát khao của người Mỹ

Tàu mặt nước và tàu ngầm của hải quân Nga
Tàu mặt nước và tàu ngầm của hải quân Nga
TPO - Hải quân Liên Xô và sau này là Nga sở hữu một loại siêu ngư lôi mà Mỹ, dù cố gắng, vẫn chưa thể tạo ra thứ tương tự.

Một trong những vũ khí dưới nước được xem là sáng tạo nhất do Liên Xô phát triển là ngư lôi siêu tốc VA-111 Shkval.

Được giữ bí mật ở mức rất cao, Shkval hầu như không được biết đến trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và chỉ được nhắc đến nhiều vào giữa những năm 1990.

Được trang bị động cơ tên lửa, ngư lôi này có khả năng đạt tốc độ đáng kinh ngạc lên tới 200 hải lý/giờ  (370km/h).

Trong một thế giới mà hầu hết các tàu và vũ khí dưới nước chỉ đạt tốc độ cao nhất là 90km/h, làm thế nào các kỹ sư Nga hoàn thành một bước đột phá như vậy về tốc độ?

Theo truyền thống, ngư lôi sử dụng cánh quạt hoặc bơm để tạo lực đẩy. Shkval lại sử dụng động cơ tên lửa. Chỉ riêng điều đó là đủ để làm cho nó nhanh hơn các loại ngư lôi thông thường.

Vấn đề tiếp theo được đặt ra là trong nước tạo ra lực cản lớn. Giải pháp: loại bỏ nước ra khỏi đường đi của ngư lôi. Nhưng làm thế nào, người ta làm được điều đó ở giữa đại dương?

Giải pháp: hóa hơi nước lỏng thành khí.

Shkval giải quyết vấn đề này bằng cách chuyển khí thải tên lửa rất nóng ra đằng mũi, biến nước phía trước thành hơi nước. Khi ngư lôi di chuyển về phía trước, nó tiếp tục làm bốc hơi nước trước mặt nó, tạo ra một bong bóng khí mỏng. Di chuyển bằng khí, ngư lôi gặp lực cản ít hơn nhiều, cho phép cơ động với tốc độ 200 hải lý. Bí quyết với việc duy trì siêu dẫn (supercavitation) là giữ ngư lôi được bọc trong bong bóng khí.

Nếu ngư lôi được trang bị đầu đạn hạt nhân, đó sẽ là thứ vũ khí đầy uy lực.

Siêu ngư lôi VA-111 Shkval - Niềm khát khao của người Mỹ ảnh 1 Ngư lôi Shkval của Hải quân Nga

Shkval ban đầu được thiết kế vào những năm 1960 như một phương tiện tấn công các tàu ngầm tên lửa hạt nhân của NATO, mang theo đầu đạn hạt nhân với tốc độ chưa từng thấy. Ngư lôi có đường kính tiêu chuẩn 533 mm và mang đầu đạn nặng 200kg. Nó có tầm bắn tối đa 7km. Shkval bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 1978 và phục vụ Hải quân Liên Xô vào năm đó.

Giống như bất kỳ vũ khí, Shkval cũng có những hạn chế. Bong bóng khí và động cơ tên lửa rất ồn. Bất kỳ tàu ngầm nào phóng ngư lôi siêu dẫn sẽ ngay lập tức bộc lộ vị trí. Nhưng một vũ khí di chuyển nhanh như vậy có thể tiêu diệt được kẻ thù trước khi họ có thời gian hành động?

Một nhược điểm khác đối với ngư lôi siêu dẫn là không thể sử dụng các hệ thống dẫn đường truyền thống. Bong bóng khí và động cơ tên lửa tạo ra tiếng ồn đủ để làm vô hiệu các hệ thống dẫn hướng sonar tích cực và thụ động tích hợp. Các phiên bản ban đầu của Shkval rõ ràng là không có hệ thống dẫn đường để đổi lấy tốc độ. Một phiên bản mới hơn của ngư lôi sử dụng “phương pháp thỏa hiệp”, tức là sử dụng siêu dẫn để chạy nước rút đến khu vực mục tiêu, sau đó giảm tốc độ để tìm kiếm mục tiêu.

Có một tương lai cho ngư lôi siêu tới hạn? Mỹ đã phát triển một vũ khí như vậy từ năm 1997, nhưng dường như nó vẫn chưa thể triển khai, theo National Interest.

MỚI - NÓNG