Siêu dự án khu du lịch Ninh Thuận sau 13 năm vẫn 'chết lâm sàng'

Sau 13 năm triển khai "siêu" dự án khu du lịch Bình Tiên hiện vẫn hoang tàn.
Sau 13 năm triển khai "siêu" dự án khu du lịch Bình Tiên hiện vẫn hoang tàn.
TPO - Sau 13 năm được cấp phép, siêu dự án khu du lịch Bình Tiên ở xã Công Hải (huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận), với mức đầu tư trên 2.500 tỷ đồng với kỳ vọng trở thành "thiên đường" nghỉ dưỡng lại đang “chết lâm sàng”.
Khởi công rầm rộ rồi “chết lâm sàng” cả thập kỷ
Cách đây 13 năm, tháng 8/2005, UBND tỉnh Ninh Thuận cấp phép đầu tư cho Công ty CP Đầu tư và Du lịch Bình Tiên (gọi tắt Cty Bình Tiên) làm chủ đầu tư dự án khu du lịch Bình Tiên với tổng vốn 550 tỷ đồng. Sau đó, Cty Bình Tiên lại nâng tổng mức đầu tư lên 2.579 tỷ đồng. Dự án được đánh giá là siêu dự án và dự án trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận nhằm thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế địa phương.
Trước khi được cấp phép, nhà đầu tư đã đã trình kế hoạch đầu tư với những hạng mục "khủng" cho siêu dự án này gồm: khu đón tiếp (trung tâm điều hành du lịch, quảng trường); khu làng nghề văn hóa (sân trưng bày sản phẩm truyền thống, nhà dịch vụ, ma trận đá, công viên xương rồng, chòi sếp đá); khu trung tâm (khu vui chơi giải trí, nhà triển lãm, tắm biển kiểu Thổ, nhà hàng khách sạn, sân đua chó, khu biệt thự cao cấp…); khu thể dục thể thao (sân Golf, hội quán, hồ bơi, sân bóng chuyền bãi biển); khu biệt thự cao cấp (nhà nghỉ cao cấp, khu điều dưỡng cho người già, công viên đá nghệ thuật, khu trại sáng tác điêu khắc…); khu nhà nhà nghỉ trên núi (các nhà nghỉ, Bungalow, cảng đón khách đường thuỷ, điểm ngắm cảnh, nhà hàng dịch vụ, bãi tắm, suối đá)....
 Trong đó có cả khu tái định cư gồm trung tâm y tế, khối chức năng điều dưỡng, sân thể thao, khu nhà điều dưỡng cao cấp, hồ tắm cảnh quan, cây xanh cách ly, công trình dịch vụ…
 Để thực hiện siêu dự án này, tỉnh Ninh Thuận đã thu hồi hơn 190 ha đất ven biển, trong đó có đất sản xuất, đất ở của nhiều hộ dân với lời hứa của nhà đầu tư là chỉ trong vài năm, khi khu du lịch hình thành, đời sống của bà con sẽ khá hơn nhờ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ...
 Thế nhưng sau vài lần khởi động rầm rộ rồi lại tái khởi độ, dự án này hiện vẫn trong cảnh hoang tàn, trùm mềm. Đầu tiên vào năm 2009, dự án này được khởi công hoành tráng nhưng sau đó tạm ngưng. Vào đầu năm 2011, chủ dự án lại rầm rộ phát lệnh thi công và cam kết đi vào hoạt động cuối năm 2012, nhưng vẫn chỉ là những lời hứa của nhà đầu tư.

Cho đến thời điểm hiện tại, dự án khu du lịch Bình Tiên với kỳ vọng trở thành "thiên đường" nghỉ dưỡng như “chết lâm sàng”, khi tại đây vẫn cảnh hoang tàn, ngoài việc chỉ xây một số căn nhà điều hành dở dang.

Ghi nhận cho thấy, kể từ ngày được khởi động trải qua nhiều năm liền nhưng tiến độ xây dựng khu du lịch Bình Tiên gần như giẫm chân tại chỗ. Hạ tầng nham nhở, máy móc thi công trùm mềm, rỉ sét bên cạnh vài căn biệt thự chưa xây dựng xong phần thô. Những khu đất thu hồi để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án trong tình cảnh cỏ dại mọc um tùm...

Siêu dự án khu du lịch Ninh Thuận sau 13 năm vẫn 'chết lâm sàng' ảnh 1 Những căn biệt thự trong dự án chưa xây dựng xong phần thô nhưng bỏ hoang nhiều năm liền và chưa biết ngày hoàn thành. Trong khi hàng loạt hạng mục của siêu dự án này vẫn giậm chân tại chỗ.
Thành siêu dự án “rùa bò”
 Theo các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Ninh Thuận đã nhiều lần đốc thúc tiến độ dự án nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục chậm triển khai dự án. "Đây là dự án lớn của tỉnh nhưng nhiều người nói nó là siêu dự án rùa bò vì chậm triển khai dù tỉnh đã ra nhiều văn bản đôn thúc nhà đầu tư thực hiện. Thậm chí nhiều lần chủ đầu tư cam kết với địa phương sẽ hoàn thành một số hạng mục cảu dự án như hệ thống giao thông, cấp thoát nước và sân golf...., nhưng rồi nhà đầu tư lại đưa ra nhiều lý do cho việc chậm tiến độ", vị cán bộ cho biết.
Siêu dự án khu du lịch Ninh Thuận sau 13 năm vẫn 'chết lâm sàng' ảnh 2
Siêu dự án khu du lịch Ninh Thuận sau 13 năm vẫn 'chết lâm sàng' ảnh 3 Thiết bị, máy móc thi công dự án bị hoen gỉ sau nhiều năm không sử dụng còn người dân ở đây thì chưa biết bao giờ dự án sẽ hoàn thành. 

Thậm chí, UBND tỉnh Ninh Thuận thành lập các đoàn kiểm tra toàn diện để quyết định "số phận" của dự án này. Tại báo cáo kết luận số 2947/KL-UBND về việc kiểm tra toàn diện các quy định pháp luật tại dự án khu du lịch Bình Tiên, do ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ký ngày 25/7/2016 cho thấy, tiến độ thực hiện dự án còn quá chậm so với cam kết.

Cụ thể, theo báo cáo, nguyên nhân dự án chậm tiến độ là do khó khăn chung của doanh nghiệp nên ngày 4/5/2012, Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận đã ra Thông báo số 676/TB-VPUB về việc chấp thuận đề nghị của nhà đầu tư về việc giãn tiến độ dự án, hoàn thành giai đoạn I của dự án vào đầu năm 2014.

Tuy nhiên, sau khi có Thông báo nêu trên, tiến độ triển khai dự án vẫn ì ạch. Theo báo cáo của  cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận, đến nay dự án vẫn triển khai quá chậm mà chủ đầu tư chưa có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ.

"Nguyên nhân chậm trễ như việc giải phóng mặt bằng, công tác bồi thường, nguồn cung cấp nước sạch cho dự án thiếu… nhưng nguyên nhân cơ bản là do khả năng tài chính của nhà đầu tư chưa đảm bảo, việc triển khai dự án chậm gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân".

Dư luận và người dân tỉnh Ninh Thuận đang đặt câu hỏi về năng lực của nhà đầu tư cũng như hệ lụy của những dự án "xí phần" chậm triển khai cả thập kỷ nay như dự án khu du lịch Bình Tiên. 

Bãi biển Bình Tiên (ở thôn Bình Tiên, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc), được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất của tỉnh Ninh Thuận. Nhưng hiện nay bãi biển Bình Tiên vẫn hoang tàn, vắng lặng khi cả chục năm nay trông chờ vào siêu dự án khu du lịch Bình Tiên do Công ty Bình Tiên làm chủ đầu tư.
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.