Siêu bão khan hiếm thuỷ sản khiến ngư dân khóc ròng

Thiếu bạn tàu, chi phí cao, hải sản ngày một khan hiếm…làm những chuyến đi biển của ngư dân thêm khó khăn Ảnh: Thanh Trần
Thiếu bạn tàu, chi phí cao, hải sản ngày một khan hiếm…làm những chuyến đi biển của ngư dân thêm khó khăn Ảnh: Thanh Trần
TP - Tại Đà Nẵng, ngư dân cũng đang kêu trời bởi mỗi chuyến ra khơi ngày một khó khăn hơn khi hải sản khan hiếm, chi phí cao, kiếm không ra bạn tàu…

Tôm cá “đi đâu hết trơn”

Anh Nguyễn Thâm, chủ tàu cá QNg 94661 hơn 700CV cùng bạn tàu ngồi vá lại lưới sau chuyến biển từ Hoàng Sa trở về. Cập cảng Thọ Quang sau 16 ngày lênh đênh sóng nước, tàu anh chỉ vỏn vẹn chừng 5 tấn cá. Anh thở dài: “Hồi trước đánh bắt được lắm, không như bây giờ. Nhất là mấy chuyến sau tết, tầm tháng hai, tháng ba về ít cũng được chục tấn. Vậy mà năm nay còn có một nửa, chủ yếu là cá ngừ…”. Anh Thâm nói thêm, biển ngày một khó đánh bắt, hải sản không dồi dào như trước. Rõ nhất là cá ngừ tàu anh chuyên khai thác cũng “đi đâu hết trơn”.

Gần 20 năm đi biển, ông Phạm Văn Xinh (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) hết câu mực, đánh các loại cá lớn nhỏ lại lấn sang cả cá ngừ đại dương. Kinh nghiệm đánh bắt, hiểu biết ngư trường ông chắc trong tay, vậy mà 4, 5 năm trở lại đây ông cũng phải ngậm ngùi với những chuyến biển không mong đợi. “Chuyến gần nhất vừa về đầu tháng 4, mỗi một tấn cá ngừ đại dương. Có ra khơi mới biết biển ngày một cạn kiệt, đánh bắt như canh bạc may nhờ rủi chịu. Tình hình này, chưa thể quyết được bao giờ đi chuyến tiếp theo”, ông nói.

Siêu bão khan hiếm thuỷ sản khiến ngư dân khóc ròng ảnh 1 Ông Nguyễn Văn Minh kéo tàu cá lên bờ vì tàu dài thiếu 10cm không đủ tiêu chuẩn ra khơi , muốn bán tàu không ai mua Ảnh: Nguyễn Thành
Tại cảng cá Thọ Quang, đa phần tàu cá cập cảng đều “chưa no bụng”, vì lênh đênh sóng nước dài ngày, tốn chi phí nhiều mà đánh không ăn thua nên họ phải về. Nhất là những tàu kéo lưới thường đi cả đôi, chỉ được đánh ở vùng biển khơi xa, chi phí tiền dầu, nhân công, ăn uống…vô cùng tốn kém. Nhiều đôi tàu đi gần cả tháng, nhưng được chưa tới 20 tấn hải sản, chủ yếu các loại có giá trị tầm trung như cá đổng, ghẹ, mực nhỏ… Theo thống kê của Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng, số lượng tàu cá trên 400 CV năm 2014 tới nay tăng từ 148 lên 540 chiếc. Trong khi đó sản lượng khai thác của tàu cá trên địa bàn ngày một giảm. Năm 2014 khai thác được hơn 43.000 tấn, năm 2015 được 41.000 tấn, và giảm dần đến năm 2018 chỉ còn hơn 37.000 tấn.

Sản lượng khai thác giảm kéo theo nhiều khó khăn cho chủ tàu, trước hết là thu nhập thấp. Hải sản bán xong có chuyến lãi ba cọc ba đồng, có chuyến chỉ bù đủ chi phí, thậm chí lỗ. Nhiều chủ tàu như mắc cạn bởi để tàu nằm bờ thì tiếc, đi thì “khó ăn”. Anh Đào Ngọc Minh Tâm (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) với hai con tàu vỏ thép, vỏ gỗ công suất 700CV và 822CV rầu rĩ khi nhắc tới những mùa biển năm nay: “Đầu năm tới giờ đi có 4 chuyến, chuyến gần nhất vừa về được hơn 6 tấn cá ngừ, cá chuồn, cá dũa. Mình không bán cho đầu nậu, gắng tìm mối bán cho các chợ để được giá cao mà vẫn lỗ. Họ mất mùa thì chỉ một hai mùa thôi, còn mình mất cả năm, không biết xoay sở thế nào với khoản nợ tiền tỷ vay đóng tàu”.

Tìm không ra bạn tàu

Anh Thâm kể không chỉ tàu anh, mà đa phần tàu cá mấy năm trở lại đây đều lâm vào cảnh thiếu thuyền viên. Mỗi lần ra biển chủ tàu phải trầy trật kiếm bạn tàu, thậm chí “lạy dạ” họ. Nhiều tàu còn cho ứng tiền trước, song không phải lúc nào cũng may mắn đủ người. “Đi biển đánh bắt khó khăn, nguy hiểm, cực nhọc mà được ba cọc ba đồng nên ngư dân bỏ đi làm thuê các nghề khác hết trơn”, anh ngao ngán. 

Ngư dân Lê Thành Long (36 tuổi, Sa Huỳnh, Quảng Ngãi) được gọi đi chuyến kéo lưới gần 20 ngày mới về cảng Thọ Quang. “Đánh chả được bao nhiêu, trừ chi phí xong chủ tàu lấy 3 phần, 7 phần còn lại anh em chia nhau. Chuyến này tui được gần 4 triệu. Chuyến nào hên thì được 5, 6 triệu. Chừng đó tiền sao nuôi nổi gia đình? Anh em bạn tàu tui thông cảm với chủ, nhưng cứ độ này không ai dám chắc sẽ đi biển được dài lâu”, anh Long bày tỏ. Chủ tàu ngồi kế bên, xen ngang: “Đánh không ra, chắc tui phải bán tàu quá. Chứ sắm tàu ra đi chuyến được có mấy đồng, chia cho anh em có chút ỉn, thiệt tình lần sau không dám gọi họ đi tiếp nữa”.

Những tàu cần ngư dân có kinh nghiệm bám biển lâu năm, biết vận hành xử lý máy móc lại càng “đỏ mắt”, không mấy ai mặn mà đi biển khi “cơn bão” khan hiếm, cạn kiệt hải sản mãi không suy yếu và tiêu tan .

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng cho hay tình trạng thiếu lao động đi biển xảy ra nhiều năm nay, do sản lượng đánh bắt ít khiến thu nhập thấp, nghề đi biển lại nhiều hiểm nguy về cả thiên tai lẫn nhân tai. Chưa kể ở trên bờ có nhiều công việc với thu nhập hấp dẫn hơn. Ông cũng nhìn nhận phần lớn ngư dân đánh bắt theo kiểu truyền thống, dựa vào kinh nghiệm cha truyền con nối. “Nghề đi biển chưa được chú trọng, thiếu đào tạo bài bản. Ngư dân đi biển cần phải hiểu hệ sinh thái biển, các quy định, phạm vi đánh bắt…mới có thể khai thác tốt và bảo vệ nguồn lợi hải sản”, ông nói.

Ngư dân khóc ròng vì cấm tàu dài dưới 15m ra khơi 

Tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) có 72 tàu cá dài dưới 15m tham gia các tổ đội đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Việc Bộ NN&PTNT ban hành công văn số 1314 (ngày 27/2/2019)và công văn 2030 (ngày 25/3/2019) đã khiến những tàu cá này gặp khó, phải nằm bờ. Ngư dân Nguyễn Văn Minh, chủ tàu cá ĐNa 90951 công suất hơn 420CV phải đưa tàu lên bờ vì theo giấy tờ đăng ký tàu ông chỉ dài 14,9m, không đủ điều kiện đánh bắt ở ngư trường xa theo quy định mới. Đánh bắt gần bờ không hiệu quả do ít hải sản, không được hưởng tiền hỗ trợ dầu đẩy ngư dân vào thế “mắc cạn”.

Ông Cao Văn Minh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cho biết: theo Công văn số 1314, sẽ không cấp phép cho tàu dài dưới 15m khai thác vùng biển xa bờ, các tàu này chỉ được phép khai thác trong phạm vi 60 hải lý (còn gọi là vùng lộng). Trong khi đó, theo Công văn 2030, tàu dưới 15m không được cải hoàn, không được thuê mua tàu có chiều dài trên 15m. Hiện, đã có 32 tàu cá dưới 15m của nghiệp đoàn phải dừng hoạt động, nằm bờ. 40 tàu cá còn lại có nguy cơ không thể tiếp tục hoạt động do chính sách mới gây khó cho ngư dân. Việc tạm dừng cấp phép mua, thuê tàu theo ông Minh đồng nghĩa với việc ngư dân không thể bán tàu để chuyển đổi ngành nghề…

Nguyễn Thành
MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.