Siết lao động di cư

TP - Bộ LĐTBXH vừa ban hành hai Thông tư chuẩn hóa các hợp đồng và thiết lập mức trần ký quỹ bắt buộc theo từng quốc gia tiếp nhận lao động nhằm giải quyết việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp (DN) và các “chi phí ngầm” mà người lao động (NLĐ) phải trả để đi làm việc ở nước ngoài.

> 8 triệu lao động di cư từ làng ra phố
> Việt Nam có 13 triệu lao động thuộc nhóm yếu thế

Với Thông tư 22, các DN tuyển dụng không thể đưa vào các điều khoản chỉ có lợi cho mình và lờ đi những điều khoản có lợi cho người lao động di cư. Ảnh: Minh họa

Theo quy định mới, các DN tuyển dụng Việt Nam sẽ không còn có thể áp đặt các điều kiện trong hợp đồng, mà phải tuân thủ những điều kiện tiêu chuẩn, bao gồm việc yêu cầu DN hoàn trả chi phí cho NLĐ nếu không đưa được lao động ra nước ngoài làm việc.

Các chuyên gia cho rằng, việc hai thông tư được ban hành và có hiệu lực từ 1/12 tới, là cần thiết, giúp các DN có được những chuẩn mực cụ thể trong thực hiện ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài và với người lao động, nhằm hạn chế rủi ro cho cả hai bên. Đây cũng chính là một trong những yếu tố góp phần phát triển DN bền vững và di cư lao động an toàn.

Cụ thể, với Thông tư 22, các DN tuyển dụng không thể đưa vào các điều khoản chỉ có lợi cho mình và lờ đi những điều khoản có lợi cho người lao động di cư. Trong khi đó, một quy định mới khác, Thông tư 21, không cho phép các DN tuyển dụng tự do áp đặt mức tiền đặt cọc đối với người lao động.

Theo bà Hoàng Kim Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), các quy định mới sẽ góp phần tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý Nhà nước và xử lý vi phạm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện có khoảng 170 doanh nghiệp tuyển dụng hoạt động tại Việt Nam, mỗi năm gửi khoảng 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo Báo giấy