'Siết' an toàn thực phẩm mùa Tết

TPO - “Dịp tết, TPHCM tiêu thụ lượng thực phẩm như rượu bia, bánh kẹo, mứt, thủy hải sản… Do nhu cầu lớn nên đây cũng là lúc người kinh doanh lợi dụng để đưa những thực phẩm không đảm bảo vào tiêu thụ. Do đó cần phải tăng cường hậu kiểm, “siết” thực phẩm an toàn mùa tết” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra thực phẩm tại chợ Bến Thành(Q.1)

Ngày 21/12, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra một số điểm kinh doanh thực phẩm tại TPHCM.

Tại đây, đoàn đã làm việc với công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), công ty cổ phần thực phẩm Bình Tây (Q.7) và chợ Bến Thành (Q.1).

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra khâu đóng bao bì của Vissan

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, ngay từ giữa năm 2018, công ty VISSAN đã tiến hành chuẩn bị nguyên vật liệu để chuẩn bị hàng hóa Tết. Đối với thị trường Tết năm nay, công ty dự kiến sản lượng tăng trưởng 15% - 20% so với cùng kỳ, trong đó thực phẩm tươi sống đạt 3.200 tấn và thực phẩm chế biến đạt 2.800 tấn. Tổng giá trị hàng hóa công ty dự trữ cho đợt Tết năm nay là 800 tỷ đồng. Với cách chuẩn bị như vậy, công ty VISSAN đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết với nguồn hàng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả ổn định.

Công nhân sản xuất giò chả

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, Vissan là một doanh nghiệp lớn, có uy tín nên sản phẩm đưa ra thị trường phải luôn đạt chất lượng. Theo bà, Vissan cũng cần quan tâm hơn nữa việc thực hiện truy xuất nguồn gốc để ngăn chặn tình trạng thịt heo chứa khánh sinh. Đồng thời cần quan tâm hơn việc sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Chợ Bến Thành thời điểm này tấp nập bánh mứt tết

Do đó vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm càng phải đặt lên hàng đầu.

Tại chợ Bến Thành, bà Kim Tiến đặc biệt quan tâm đến các loại bánh mứt, giò chả, thực phẩm khô… đang bày bán ở chợ, đặc biệt về nguồn gốc xuất xứ, bao bì.

Mỗi doanh nghiệp, mỗi sản phẩm kiểm tra, Bộ trưởng đều yêu cầu lấy mẫu để kiểm nghiệm. Bộ trưởng lưu ý cần phải quan tâm đến rượu và nước giải khát mùa Tết. Bởi đã từng có trường hợp kiểm tra phát hiện nước ngọt giả, rượu giả dây tử vong với người uống phải.

Báo cáo với Bộ trưởng, Ban Quản lý ATTP TPHCM cho biết đã ban hành kế hoạch triển khai việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội xuân 2019 trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, Ban Quản lý ATTP TP thành lập 12 đoàn kiểm tra chuyên ngành để tiến hành kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Sản xuất xúc xích

Việc kiểm tra sẽ tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu trên địa bàn TPHCM, tập trung vào các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát… Trong đó, chú trọng kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với quy mô lớn, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh ăn uống.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói… theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, phản ánh từ các các nhân, tổ chức, phương tiện truyền thông.

Giò chả được tiêu thụ đặc biệt nhiều trong dịp lễ tết

Làm việc với lãnh đạo UBND TPHCM, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, TPHCM là địa phương đầu tiên thí điểm thành lập Ban quản lý ATTP, và đang phối hợp với các lực lượng rất tốt trong việc kiểm tra, kiểm soát và quản lý thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ.

“Thời gian tới, ngành chức năng cần tăng cường công tác hậu kiểm, lấy mẫu, xét nghiệm và công khai trên các phương tiện truyền thông những cơ sở không đạt. Doanh nghiệp đầu mối và đơn vị bán lẻ cũng phải được tập huấn về ghi nhãn nguồn gốc, dán nhãn hàng hóa…” – bà Tiến lưu ý.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, trong dịp Tết, thịt, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát được tiêu thụ với số lượng lớn, do đó, đây là các mặt hàng chính cần được quản lý, kiểm soát trong thời gian tới.

“Các lực lượng chức năng, các địa phương kiên quyết không để các sản phẩm không bảo đảm trà trộn trên thị trường; đồng thời kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, yêu cầu chủ các cơ sở phải tuân thủ các quy định như nhãn mác rõ ràng, kiểm nghiệm sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm…” – ông Phong nhấn mạnh.