Sĩ tử không còn sờ đầu rùa

Sĩ tử không còn sờ đầu rùa
TP - Hôm qua, hai ngày trước khi kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng bắt đầu, hàng vạn sĩ tử cùng phụ huynh đổ dồn về Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) để cầu may. Năm nay, tình trạng sờ đầu rùa không còn do công tác bảo vệ được thực hiện nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nhiều hoạt động lộn xộn vẫn xảy ra.

> Sĩ tử tấp nập cầu may trong Văn Miếu

Nhiều dịch vụ hốt bạc

Ngay từ sáng sớm, hàng vạn lượt sĩ tử, phụ huynh đã đổ dồn về Văn Miếu khiến giao thông quanh khu di tích tắc nghẽn cục bộ. Để đáp ứng nhu cầu của lượng khách tăng đột biến trong những ngày này, Ban Quản lý khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã mở thêm hai quầy bán vé.

Tuy nhiên, do lượng khách quá đông, khách tham quan phải xếp hàng dài mua vé khiến tình trạng cò vé xuất hiện. Nhiều cò đã mua vé với số lượng lớn rồi chèo kéo, bán lại cho khách tham quan ngay khu vực cổng vào Văn Miếu để ăn chênh lệch từ 5-10 nghìn đồng mỗi vé.

Chỉ trong nửa tiếng, theo quan sát của PV, hơn 30 vé đã được một cò bán cho khách. Ông Nguyễn Mạnh Hưng (Thái Bình), bố của một sĩ tử, kể: “Mất thêm chút tiền nhưng được vào ngay còn hơn là phải xếp hàng dài chờ mua vé”.

Cùng với lực lượng cò vé, dịch vụ bán hương, vàng mã cũng được dịp ăn theo. Mỗi thẻ hương được bán với giá 10 nghìn đồng, gấp 4-5 lần so với giá thị trường.

Tình trạng chèo kéo khách tham quan mua hương diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, ồn ào và nhộn nhịp nhất là khu vực xin chữ. Để có một bức thư pháp viết tên mình, các sĩ tử phải bỏ ra 100 nghìn đồng.

Dù vậy, khu vực xin chữ vẫn diễn ra đông đúc, sĩ tử phải xếp hàng dài mới đến lượt mình. Nguyễn Hoàng Long (Nam Định), cầm trên tay bức thư pháp có tên mình, hồ hởi chia sẻ: “Em cũng không rõ ý nghĩa của nó, thấy các bạn viết tên mình nên em cũng làm theo”.

Chăng dây quanh nhà bia

Để tránh tình trạng sĩ tử đổ xô sờ đầu rùa lấy may, năm nay, Ban Quản lý khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng lực lượng sinh viên tình nguyện chốt chặn tại các nhà thờ văn bia, chăng dây xung quanh.

Mỗi tòa đình có gần 20 sinh viên tình nguyện làm nhiệm vụ ngăn không cho sĩ tử sờ đầu rùa.

Dù vậy, nhiều sĩ tử vẫn bất chấp sự ngăn cản của lực lượng bảo vệ để sờ cho bằng được đầu rùa. Thanh Nga (Yên Bái) chia sẻ: “Cách đây mấy năm, chị gái em có đến Văn Miếu sờ đầu rùa và sau đó đỗ đại học nên năm nay em cũng cố gắng để sờ được đầu rùa”.

Nói xong, Nga cố gắng tiếp cận đầu rùa bia tiến sỹ nhưng bị các sinh viên tình nguyện ngăn lại. Theo quan sát của PV, việc chốt chặn của sinh viên tình nguyện đã góp phần hạn chế tối đa việc sờ đầu rùa.

Tình trạng sĩ tử sờ đầu rùa gần như không còn. Nhiều sĩ tử đến Văn Miếu cũng có ý thức hơn.

Thu Hoa (Quảng Ninh) chia sẻ: “Em đến đây với mẹ chủ yếu là để cầu may mắn theo phong tục của người Việt còn việc thi đỗ hay không, quan trọng nhất quá trình ôn luyện, học tập của mình”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".