Sĩ tử hồi hộp, nô nức đi chùa cầu may trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sát kỳ thi vào lớp 10, nhiều em học sinh bày tỏ cảm xúc lo lắng, hồi hộp và cũng không quên gửi lời chúc đến các bạn cùng khóa, ngoài ra các em còn chia sẻ các "chiêu thức" cầu may mắn. 
Sĩ tử hồi hộp, nô nức đi chùa cầu may trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ảnh 1

Các bạn học sinh lớp 9 đi chùa Mía (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) để cầu may mắn.

Gần 107.000 học sinh Hà Nội sắp bước vào kỳ thi lớp 10. Sau thời gian ôn tập và tổng hợp lại kiến thức trong 4 năm học, các sĩ tử nô nức đi chùa để cầu may mong hoàn thành tốt kỳ thi chuyển cấp quan trọng.

Chia sẻ với Tiền Phong, em Nguyễn Minh (sinh năm 2007, sống ở Hà Nội) cho biết: "Mong muốn lớn nhất của em là có thể đỗ vào trường mình yêu thích dù có sự cạnh tranh cao, áp lực lớn từ bạn bè và sự kỳ vọng của gia đình. Em tự hứa với bản thân mình phải cố gắng hết sức, nếu không đỗ nguyện vọng 1, em hy vọng gia đình sẽ thông cảm và ủng hộ em ở lựa chọn khác.

Nhân đây, em muốn gửi tới các bạn cùng khóa lời chúc may mắn trước kỳ thi quan trọng này. Các bạn hãy bình tĩnh, đừng tạo thêm áp lực cho bản thân, không bị chi phối bởi tính chất của đề thi dễ hay khó, hãy cố gắng hết sức làm bài để không phải hối hận".

Trong những ngày ôn luyện sát nút, em Nguyễn Huỳnh Ngọc Thuỷ (học sinh trường THCS Bàn Long, Châu Thành, Tiền Giang) bộc bạch: "Hiện tại, em tự tin về khối lượng kiến thức của mình có thể đạt tổng khoảng 35 điểm. Trước đó, quá trình ôn luyện của em khá vất vả, một tháng trước khi thi, em học thêm nhiều môn nên không cố định lịch học, khi nào rảnh lại lấy bài ra ôn lại.

Em cảm thấy khá thoải mái khi có gia đình tâm lý, không đặt nặng vấn đề điểm số, thậm chí còn lên hẳn lịch cho em đi chơi sau khi thi xong. Vì vậy, em càng có động lực học hơn.

Trước khi thi, em khá chú tâm đến việc ăn uống điều độ, ăn những món yêu thích để có tinh thần ôn tập hơn. Ngoài ra, em còn cầu may mắn bằng cách đi chùa, thắp hương tổ tiên và ăn món "đậu đỏ" thần thánh".

Sĩ tử hồi hộp, nô nức đi chùa cầu may trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ảnh 2

Sĩ tử viết sớ cầu may mắn trước kỳ thi quan trọng.

Nữ sinh Võ Thị Ngọc Diệp (có nguyện vọng đỗ vào THPT Vĩnh Kim, Châu Thành, Tiền Giang) chia sẻ: "Em không có áp lực từ phía gia đình, em chỉ tự đặt áp lực lên chính bản thân mình. Tuy nhiên, em cho rằng đây là áp lực mang tính tích cực, tự đặt mục tiêu cao để hoàn thành.

Em vẫn luôn giữ ý nghĩ tích cực rằng chắc chắn mình sẽ đỗ nguyện vọng 1. Lần thi này cũng như để xác nhận lại kiến thức đã học được từ 4 năm cấp 2 nên không cần quá căng thẳng.

Ngoài ra, em còn mạo hiểm "học tủ" 4/5 bài thơ dựa trên phán đoán về đề thi các năm nên hy vọng sẽ không bị "tủ đè". Để an tâm hơn, em cùng mẹ đi chùa cầu may và chuẩn bị các món ăn như xôi gấc, đậu đỏ trước 2, 3 ngày".

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, địa phương đã chuẩn bị 203 điểm thi đặt tại các trường THPT và THCS. Công tác tổ chức, rà soát cơ sở vật chất cho kỳ thi đang được gấp rút triển khai. Thành phố dự kiến sẽ có 4.550 phòng thi. Địa phương điều động khoảng 14.000 cán bộ trực tiếp tham gia coi thi; số cán bộ tham gia phục vụ, bảo vệ điểm thi là khoảng 3.000 người; số cán bộ tham gia chấm thi là khoảng 2.500 người.

Một điểm mới của năm nay là thí sinh liên quan COVID-19 sẽ được xét tuyển bằng hồ sơ học bạ hoặc dự thi nếu gia đình có đơn đề nghị. Cụ thể, trước 14 giờ ngày 17/6, học sinh mắc COVID-19, gia đình nộp đơn xét tuyển hoặc đề nghị dự thi tại cơ sở giáo dục. Trường hợp phát hiện thí sinh là F0 sau 14 giờ ngày 17/6 đến trước 8 giờ ngày 19/6 (tức ngày thi), thí sinh vẫn được nộp đơn xin xét tuyển hoặc tự nguyện thi và hoàn thành các giấy tờ còn lại sau. Theo đó, học sinh không thi tuyển sẽ được xét lên THPT theo điểm học bạ. Trường hợp gia đình có đơn đăng ký dự thi, thí sinh sẽ được bố trí tại phòng thi riêng. Thí sinh chỉ được chọn một hình thức xét tuyển hoặc dự thi.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.