Sĩ quan trẻ: Lương cao vẫn nghèo

Sĩ quan trẻ: Lương cao vẫn nghèo
TP - Lương bộ đội được cho là cao so với mặt bằng chung hiện nay. Tuy nhiên, cái nghèo vẫn đeo đẳng nhiều gia đình sĩ quan trẻ.

> Tuổi trẻ quân đội, mỗi thế hệ có một sứ mệnh
> Tình yêu không có mô hình

Lớp phổ thông của tôi ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) có 11 người vào quân ngũ với thâm niên trên 15 – 17 năm, nhưng gia cảnh hiện nay vẫn còn nghèo túng. Thiếu tá P.V.K hiện công tác ở Sư đoàn 10 (Binh đoàn Tây Nguyên), thường mỗi năm chỉ nghỉ phép một lần để về quê sum họp. Vợ K là công nhân cùng 2 con nhỏ đang ở nhờ nhà người thân tại phường Xuân Khanh (Sơn Tây). K vừa có cháu thứ hai, chúng tôi đến thăm lúc anh vẫn còn ở Tây Nguyên. Vợ K cho biết con lớn học lớp 2, giờ có thêm cháu nhỏ, chồng thì biền biệt còn ông bà nội, ngoại lại ở xa nên chưa biết xoay xở ra sao. Còn về kinh tế, vợ chồng thiếu tá K vẫn gần như tay trắng với tài sản lớn nhất là chiếc xe máy cũ. “Em sẽ phải xin nghỉ không lương để ở nhà nuôi con nhỏ. Cả nhà chỉ dựa vào tiền lương của chồng. Anh ấy sống tằn tiện, lương hơn 5 triệu đồng/tháng, nhưng chỉ tiêu hết non nửa”, vợ thiếu tá K tâm sự.

Hoàn cảnh gia đình thiếu tá K cũng giống với nhiều sĩ quan trẻ khác mà tôi từng tìm hiểu. Tiếp tôi trong phòng trọ ở hẻm nhỏ sau Sân vận động Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội), thiếu tá C.V.B, công tác ở một đơn vị thuộc Tổng cục Chính trị, cho biết, vợ anh là cử nhân kinh tế, đang làm thuê cho một doanh nghiệp tư nhân với mức lương 3 triệu đồng. Tổng thu nhập hằng tháng của gia đình khoảng hơn 8 triệu đồng. Tưởng nhiều, nhưng chỉ nghe B liệt kê một số khoản chi tối thiểu hằng tháng đã hết veo thu nhập, đó là chưa tính đến chi phí khi về thăm quê, hiếu, hỷ…“Cưới nhau 6 năm, nhưng chưa một lần vợ chồng em có tiền giúp bố mẹ hai bên, mà toàn được viện trợ không hoàn lại. Tài sản lớn nhất là hai chiếc xe máy đều bố mẹ mua cho. Từ ngày có con, tháng nào ông bà cũng trích lương hưu cho cháu 1 triệu đồng mua sữa”, vợ thiếu tá B tâm sự.

Những người bạn trong quân ngũ của tôi đều đã cấp tá, nhưng đến nay còn 7 người chưa có nhà riêng, 4 người còn lại có nhà nhờ sự trợ giúp của bố mẹ. Trong khi đó, đại đa số bạn đồng lứa của tôi công tác ở các ngành nghề khác, dù lương có thể thấp hơn, nhưng kinh tế gia đình khá hơn vì họ có điều kiện làm thêm, có những khoản thu nhập ngoài lương và được làm việc gần nhà nên tiết kiệm được nhiều khoản.

Sĩ quan cấp tá mà còn nghèo, cấp uý và quân nhân chuyên nghiệp lương thấp hơn thì sao? Sau nhiều tháng tìm hiểu, tôi nhận thấy hiện có rất nhiều sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp cấp úy công tác tại khu vực nội thành Hà Nội và TPHCM chưa có nhà riêng, phải đi thuê; thu nhập và mức sống của gia đình còn thấp so với bình quân trên địa bàn. Hầu hết cán bộ cấp úy ở Lữ đoàn 125 Hải quân đang phải thuê nhà tại TPHCM. Bộ đội làm nhiệm vụ ở vùng nông thôn, miền núi càng khó khăn hơn. Theo kết quả điều tra của Cục Chính trị Quân khu 1, gần 90% sĩ quan trẻ của đơn vị chưa có nhà riêng và 10% sĩ quan trẻ phải thuê nhà ở.

Bộ đội làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa được hưởng mức thu nhập cao hơn chút. Hỏi chuyện các chiến sĩ ở Trường Sa gần đây hầu hết đều chưa có nhà, gia cảnh cũng khó khăn. Trung úy Bùi Văn Biên, ở đảo Song Tử Tây, phải thuê nhà và thuê người trông con gái 2 tuổi tại nơi vợ dạy học là huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Thiếu úy Nguyễn Bá Hưng có vợ con đang ở nhờ nhà ngoại tại Hải Phòng. Thiếu uý Đinh Ngọc Tuấn, ở đảo Trường Sa Lớn, phải thuê nhà tại TP Cam Ranh...

Nhiều gia đình sĩ quan ở Quân khu 1 chưa có nhà riêng, phải ở nhờ khu tập thể của đơn vị đã xuống cấp
Nhiều gia đình sĩ quan ở Quân khu 1 chưa có nhà riêng, phải ở nhờ khu tập thể của đơn vị đã xuống cấp.

Theo thượng tá Phạm Văn Chung, Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn, thực tế đời sống của đa số sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp công tác đảo xa còn rất khó khăn vì anh em biền biệt vắng nhà nên gia đình không thể làm thêm. Không ít gia đình quân nhân phải đi thuê nhà, con cũng phải thuê người trông.

Đại tá Nguyễn Ngọc Kiên, Trưởng phòng Chế độ chính sách thuộc Cục Tài chính (Bộ Quốc phòng), cho biết: Chúng tôi vừa tiến hành khảo sát, thấy rằng sĩ quan cấp úy đang gặp rất nhiều khó khăn do tiền lương thấp, trong khi phần lớn phải sống xa nhà, nếu gần nhà cũng thường xuyên phải trực, ít được về giúp gia đình và không thể làm thêm để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, nhiều đồng chí phải thuê nhà ở, nhiều khoản chi phí phát sinh như đi lại, gọi điện thoại về hằng ngày…nên hầu như anh em không có tích lũy. Với quân nhân chuyên nghiệp, lương thấp hơn sĩ quan lại càng khó khăn. Đây là điều mà Đảng, Nhà nước cần quan tâm giải quyết.

Tổng lương và phụ cấp công vụ của sĩ quan (tính tương đối): Thiếu uý = 3.700.000 đồng; trung uý = 4.100.00 đồng; thượng uý = 4.500.000 đồng; đại uý = 5.000.000 đồng. Lương của quân nhân chuyên nghiệp cùng cấp thấp hơn lương sĩ quan khoảng 25%.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.