Seven.am hồi âm báo Tiền Phong về nghi vấn sản phẩm cắt mác TQ, gắn mác VN

Lực lượng quản lý thị trường đã kết luận 4 sai phạm, xử phạt 170 triệu đồng với chuỗi thời trang Seven.am
Lực lượng quản lý thị trường đã kết luận 4 sai phạm, xử phạt 170 triệu đồng với chuỗi thời trang Seven.am
TPO - Trong thông báo gửi tới Báo Tiền Phong, đại diện thương hiệu thời trang Seven.am cho hay, phần lớn sản phẩm của họ được sản xuất trong nước. Công ty chỉ nhập một số lượng nhỏ phụ kiện (túi, ví… nhập từ Trung Quốc) để bán kèm, nên mở ít tờ khai hải quan.

Ngày 3/12, ông Đặng Quốc Anh, Giám đốc Cty CP MHA, chủ sở hữu thương hiệu thời trang Seven.am có thông cáo báo chí gửi tới báo Tiền Phong phản hồi các bài viết được báo đăng tải trước đó.

Theo ông này, Cty CP MHA được thành lập từ năm 2009. Vừa qua, một số cơ quan báo chí, trang tin điện tử phản ánh về việc “Nghi án thương hiệu thời trang Seven.am cắt mác Trung Quốc và gắn mác Việt Nam”.

Ngay khi có thông tin trên, Cty CP MHA đã cung cấp thông tin, tài liệu và làm việc với cơ quan Quản lý Thị trường (QLTT) các cấp.

Ngày 11/11, Cục QLTT Hà Nội đã niêm phong 9.035 sản phẩm hàng hóa, kiểm tra đồng loạt các cửa hàng Seven.am.

“Công ty đã báo cáo các cơ quan chức năng về sai sót trong khâu quản lý xuất xứ hàng hoá, gây hiểu nhầm về nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể, do yêu cầu của một số ít khách hàng bị ngứa bởi mác cổ, nhân viên kho chủ quan, không chấp hành quy định của công ty cung ứng, đã cắt mác cổ và bỏ trống một số sản phẩm không mác, không dán nhãn phụ ghi rõ xuất xứ sản phẩm)”, Giám đốc Cty MHA giải thích.

Tiếp đó, ngày 29/11, Cục QLTT Hà Nội có văn bản kết luận số 00013834/QĐ-XPVPH chỉ ra 4 vi phạm hành chính, xử phạt 170 triệu đồng đối với Cty MHA và thương hiệu Seven.am.

Trước hết, công ty không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố.

Lý giải việc này, ông Quốc Anh cho hay, Cty MHA đã làm thủ tục hoàn thiện hồ sơ về tiêu chuẩn hợp quy từ trước, đến ngày 15/11/2019 đã được Sở Công thương Hà Nội chấp nhận. Công ty MHA sẽ khẩn trương công báo theo quy định.

Sai phạm thứ hai được nhà chức trách chỉ ra là công ty sản xuất kinh doanh hàng hóa có nhãn, không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định. “Công ty chỉ ghi Made in VietNam mà chưa ghi rõ nơi sản xuất. Chúng tôi đã cho bổ sung ngay tem phụ chỉ rõ nơi sản xuất trên thẻ bài của từng sản phẩm”, vị Giám đốc trình bày.

Đáng chú ý, công ty này còn phạm lỗi kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa theo quy định. Ông Đặng Quốc Anh đổ lỗi do nhân viên sơ suất không gắn chính xác thẻ bài về thời gian sản xuất của 36 cái túi và 2 cái ví trong tổng số 9.035 sản phẩm bị kiểm tra. Số túi, ví này đã được công ty dán bổ sung tem phụ sau đó.

Lỗi thứ 4 được QLTT chỉ ra là công ty trên sản xuất hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng. Về vấn đề này, theo vị Giám đốc MHA, có 1 mẫu sản phẩm đạt chỉ tiêu an toàn nhưng không đúng thành phần chất liệu ghi trên mác, sau đó công ty đã loại bỏ sản phẩm này.

Seven.am hồi âm báo Tiền Phong về nghi vấn sản phẩm cắt mác TQ, gắn mác VN ảnh 1 Thông báo do ông Đặng Quốc Anh ký gửi Báo Tiền Phong

Liên quan đến thông tin“Seven.am chỉ mở rất ít tờ khai hải quan nhập khẩu trong khi lượng hàng lớn” như Tiền Phong từng phản ánh, ông Quốc Anh giải thích: “Phần lớn sản phẩm Seven.am được sản xuất trong nước. Riêng 9.035 sản phẩm mà cơ quan QLTT niêm phong đã được chúng tôi xuất trình giấy tờ và hoá đơn đầy đủ. Công ty chỉ nhập khẩu một số lượng nhỏ phụ kiện (túi, ví… nhập từ Trung Quốc) để bán kèm. Dòng hàng này số lượng rất ít lại bán chậm nên công ty chỉ mở ít tờ khai hải quan nhập khẩu. Đây cũng chính là dòng hàng đã xảy ra sai sót trong khâu quản lý xuất xứ hàng hoá chúng tôi đã trình bày ở trên”.

Liên quan một số nội dung diễn viên Nguyễn Vũ Hải Anh trả lời báo chí vừa qua, Giám đốc MHA cho biết, từ tháng 2/2018, ông Hải Anh không còn là Đại diện pháp luật của MHA và thương hiệu Seven.am.

“Từ 15/12/2018, ông Hải Anh đã không còn là cổ đông của công ty nên không còn là đại diện phát ngôn của Cty CP MHA và thương hiệu Seven.am”, ông Quốc Anh cho biết thêm.

Theo Giám đốc MHA, do là người sáng lập thương hiệu nên diễn viên Hải Anh rất tâm huyết với thương hiệu và công ty. “Trong lúc hoảng hốt, rối loạn khi có mấy chục phóng viên báo chí hỏi về sự việc, ông cũng đã trả lời lại đúng theo nội dung thông tin của bên cung ứng. Chúng tôi xin khẳng định, đó chỉ là ý kiến cá nhân của ông Hải Anh, không đại diện cho Cty CP MHA và thương hiệu Seven.am”, Giám đốc MHA chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.