Về việc Honda CR-V bị cháy tại Nam Định
Gần đây, Tiền Phong đã thông tin về SUV CR-V của Honda bỗng nhiên phát nổ và bốc cháy tại thành phố Nam Định. Vụ việc đã khiến không ít người, đặc biệt các chủ sở hữu những chiếc xe tương tự, cảm thấy bất an khi phải đỗ ôtô trong thời tiết nắng nóng của mùa hè.
Theo đó, vào trưa ngày 19/5 vừa qua, một chiếc Honda CR-V đã bất ngờ bị cháy từ lốp bên phụ ở đầu xe xuất phát từ "một tiếng nổ như nổ bốt điện"; sau đó, vùng lan vào trong cabin khiến xe mất đi một phần kính chắn gió, ghế ngồi và bảng táp lô. Vụ nổ cũng tạo áp lực lớn khiến nắp ca-pô bị vênh "như bánh đa nướng".
Về vấn đề này, ông Tsuruzono xác nhận có biết về chiếc ôtô trên: "Chúng tôi đã tiếp nhận thông tin về vụ việc này". Đồng thời, cũng giống như một vị đại diện Honda đã trả lời Tiền Phong, ông cũng cho biết hãng đang tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân và sẽ chia sẻ ngay khi có kết quả:
"Hiện, Honda Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan và ban ngành có liên quan để xem xét tìm hiểu sự việc và khi nào có câu trả lời chính thức chúng tôi sẽ chia sẻ".
Bên cạnh vụ việc này, vị Tổng Giám đốc của Honda Việt Nam cũng trả lời thêm về nhiều vấn đề nóng khác liên quan đến hãng xe này.
Honda Việt Nam vẫn chưa thể giải quyết việc "đội giá" xe tại đại lý
Tiếp đến, vấn đề "cố hữu" Head (đại lý ủy quyền) bán xe với mức giá thực tế chênh lệch khá nhiều so với giá đề xuất từ HVN cũng được mang ra "mổ xẻ". Vào nhiều thời kỳ cao điểm trong năm, khách hàng có thể sẽ phải mua xe máy Vision (bán chạy nhất của Honda) cao hơn khoảng 4-5 triệu đồng, và SH thậm chí còn ở mức 10-20 triệu đồng.
Trả lời cho việc này, ông Tsuruzono đưa ra khó khăn của HVN: "Giữa Head và Honda Việt Nam là các đối tác kinh doanh hoàn toàn độc lập. Và theo quy định của luật cạnh tranh và thực tiễn thương mại, nếu HVN buộc Head bán xe ở mức giá đề xuất thì chúng tôi sẽ vi phạm luật".
Theo ông, Honda Việt Nam sẽ vi phạm luật cạnh tranh nếu cố tình ép buộc các Head bán đúng giá đề xuất. Đương nhiên, câu trả lời quen thuộc này vẫn không thể làm hài lòng nhiều người. Tuy nhiên, vị Tổng Giám đốc của Honda cũng đưa ra lý giải cơ bản về việc các Head tăng giá bán thực tế của nhiều dòng xe máy: "Chúng tôi cho rằng sự khác biệt về giá chủ yếu do cầu vượt cung, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm".
Đồng thời, ông cũng đưa ra cách giải quyết, nhưng nó không có quá nhiều khác biệt so với tình hình hiện tại, đó là tiếp tục đẩy mạnh sản xuất: "Giải pháp của chúng tôi là sẽ tiếp tục tăng sản lượng vào các năm tới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và khoảng cách giữa giá đề xuất và giá thực tế đang dần được thu hẹp".
Đề xuất cấm xe máy tại các thành phố lớn có làm Honda lo ngại?
Vấn đề cấm xe máy tại một số thành phố lớn tại Việt Nam trong thời gian tới cũng đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ xã hội. Đối với một nhà sản xuất chiếm thị phần gần 77% như HVN, điều này đương nhiên đáng được đem ra bàn luận. Trả lời nghi vấn này, vị tân Tổng Giám đốc của Honda lên tiếng trấn an:
"Chúng tôi nghĩ rằng xe máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu và phương tiện giao thông công cộng hiện nay vẫn còn chưa phát triển để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Do đó, chúng tôi sẽ nỗ lực nghiên cứu và tăng cường hơn nữa chất lượng của sản phẩm".
Cũng giống với nhận định của rất nhiều người, ông Tsuruzono tin rằng xe máy vẫn sẽ là loại xe được người Việt Nam sử dụng chủ yếu trong thời gian tới, ít nhất cho đến khi các phương tiện công cộng đáp ứng đủ nhu cầu đi lại. Đồng thời, Tổng Giám đốc của HVN cũng bày tỏ: "Chúng tôi cũng mong muốn có cơ hội trao đổi thêm với các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này".