Một năm trước, Huế xúc tiến cải tạo, chỉnh trang hồ Tịnh Tâm (Tịnh hồ) chuẩn bị phục vụ Festival Huế 2020. Lần đó, việc chỉnh trang không gian Tịnh hồ gây chú ý, thậm chí có cả những tranh luận khi chủ đầu tư cho trồng hai hàng tre tầm vông trên bờ đê Kim Oanh cắt ngang khu thắng tích. Dư luận lo ngại tre xuất hiện tại Tịnh Tâm sẽ biến khu hồ Ngự thành “ao làng”. Những ý kiến người dân, kiến trúc sư, giới nghiên cứu ngay sau đó được gửi tới lãnh đạo chính quyền địa phương.
Kiến trúc sư Tôn Thất Liêm - một người con xứ Huế sống tại TPHCM khi khuyến cáo giới chức địa phương về việc trồng tre trên đê Kim Oanh, trục chính của hồ Tịnh Tâm, đã không quên nhắc đến hoa sen. Kiến trúc sư Liêm cho rằng, đê Kim Oanh (đường Lê Văn Hưu ngày nay) là trục cảnh quan với hai bên là hồ sen, do đó cần ưu tiên tạo tầm nhìn cảnh quan cho du khách ngắm sen, thưởng thức hoa sen, ngắm đảo giữa hồ. Ông Liêm cho rằng, trồng tre là sai lầm, vì loài cây này phát triển rất nhanh thành bụi rậm to lớn, rụng nhiều lá hàng ngày tạo nên rác. Với khoảng cách trồng dày, chỉ sau vài năm tre phát triển thành lũy, che khuất hoàn toàn tầm nhìn cảnh quan, hồ sen.
Ngay sau góp ý của KTS Tôn Thất Liêm, ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế khi đó, đã cho đăng tải nguyên văn ý kiến phản biện này lên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng ý kiến của ông Liêm là “có lý”. Người dân cũng đánh giá cao tinh thần minh bạch, cầu thị và lắng nghe của lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế liên quan công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị thắng tích Tịnh hồ.
Sau đó, ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - đơn vị quản lý hồ Tịnh Tâm đã lên tiếng. Ông Nhật cho rằng, trồng tre chỉ là giải pháp tạm thời để giữ đất hai bên lề đường (đê Kim Oanh) cũng như tạo cảnh quan khu vực hồ. Sau này, về lâu dài sẽ triển khai nghiên cứu tổng thể để có giải pháp tu bổ và tôn tạo hợp lý, mang tính lâu dài và bền vững cho hồ Tịnh. Cũng nhân lần chỉnh trang này, ông Lê Công Sơn, Chánh Văn phòng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đã đề cập một chuyện gây chú ý, đó là tìm mọi cách để phục hồi, trồng lại loài sen trắng cổ quý hiếm tại Tịnh hồ thay giống sen hồng "cao sản" thường thấy bấy nay.
Không lâu sau, không gian sinh cảnh đảo Phương Trượng, Bồng Lai thuộc hồ Tịnh Tâm được chỉnh trang, phục hồi đầy ấn tượng và mở cửa đón khách, gợi về một chốn “bồng lai tiên cảnh” đầy kỳ hoa dị thảo vương giả một thuở. Tuy nhiên, người vãng cảnh đảo Phương Trượng, Bồng Lai trên hồ Tịnh ngày ấy vẫn cảm thấy thiếu đi một thứ gì đó. Để rồi một năm sau cũng vào mùa hè (2021), có người sực nhớ rằng sự thiếu vắng đó chính là loài sen trắng xứ Huế đầy hoài niệm giờ được phục hồi kỳ diệu và hiện diện hầu khắp trên mặt nước Tịnh hồ, thay cho cây sen hồng mà một năm về trước vẫn còn được trồng dày kín. Việc trồng sen trắng tại Tịnh hồ một năm trước mà ông Lê Công Sơn đề cập tưởng chừng chỉ là ý tưởng nay đã thành hiện thực. Đây là điều gây bất ngờ, thú vị. Tuy nhiên, chuyện phục hồi loài sen trắng Cố đô quý hiếm, đưa nó trở lại Tịnh hồ cùng những vùng cảnh quan nổi tiếng khác ở Huế đâu dễ dàng đơn giản, nói làm là thành công ngay. Mà đó là một quá trình dài…
Hồ Tịnh Tâm dưới thời vua Thiệu Trị được coi là một trong 20 cảnh đẹp đất Thần kinh (Thần kinh nhị thập cảnh). Hồ là một đoạn sông Kim Long được cải tạo lại, tên ban đầu là ao Ký Tế. Thời vua Minh Mạng từng huy động tới 8.000 binh lính cải tạo nên hồ, biến nơi đây thành một ngự uyển của Hoàng gia, đổi tên hồ Tịnh Tâm. Xung quanh các đảo và dọc bờ hồ trồng liễu, trúc và các thứ hoa cỏ lạ, dưới hồ trồng sen trắng. Ngày nay, hồ được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Nhẹ thênh sen trắng
Hơn chục năm trước, cũng là ông Lê Công Sơn, khi đó còn công tác tại Phòng Cảnh quan Môi trường thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chủ trì, cùng nhiều cộng sự ngày đêm “ăn ngủ” miệt mài với cây sen trắng Huế để nghiên cứu, phục hồi giống hoa cổ quý hiếm bằng đề tài “Bảo tồn, phục hồi giống sen trắng phục vụ tôn tạo cảnh quan ao hồ di tích Huế”. Đó là năm 2008. Sau thời gian dài điền dã ngược xuôi để tìm kiếm, nghiên cứu, thử nghiệm, cùng với những tài liệu thu thập được, nhóm thực hiện đề tài của ông Sơn đã bước đầu phục hồi giống sen trắng quý hiếm từng một thời tồn tại ở các khu hồ Ngự triều Nguyễn.
Phục hồi thành công giống sen quý là một chuyện, nhưng nhân rộng giống hoa quý hiếm rộng ra các ao hồ di tích Huế như thuở nào lại không hề đơn giản, do yếu tố môi trường nước thay đổi, bị ô nhiễm, sa bồi, tù đọng. Trong khi, cây sen trắng Huế lại rất kỵ môi trường nước tù túng dơ bẩn. Phải đến năm 2018, trải qua nhiều lần trồng thất bại, cây sen trắng Huế mới thực sự cho thành quả mãn nhãn tại hồ Thái Dịch - Đại nội Huế. Để rồi 3 năm sau, giống sen trắng đài các này mới có thể được di thực ra những vùng thắng tích nổi tiếng khác của Huế như hồ Tịnh Tâm.
Du khách khó cưỡng trước sức hút của sen trắng Tịnh hồ |
Có một chuyện về cây sen Tịnh hồ lưu truyền bấy nay và được đề cập ngay trong sách vở như là giai thoại. Chuyện rằng, xưa kia sen hồ Tịnh được trồng không chỉ tạo cảnh quan mà còn để phục vụ chuyện ẩm thực cho hoàng cung. Cây hoa sen dù có bình thường đến mấy nhưng khi mọc ở hồ Tịnh Tâm cũng thành sen quý. Do kết cấu thổ nhưỡng ở tầng đáy khác biệt và giàu phù sa nên hạt sen hồ Tịnh thơm ngon, bổ dưỡng không đâu sánh bằng.