Sẽ trừng phạt thành viên "chúa chổm"

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đón Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Điện Elysee. Ảnh: Zuma Press
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đón Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Điện Elysee. Ảnh: Zuma Press
TP - Ngày 5-12, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, Liên minh châu Âu cần một hiệp ước mới, trong đó có việc trừng phạt các thành viên ngập trong nợ nần.

> Nỗ lực cứu vãn nền tài chính EU

Tại cuộc gặp hai bên ở Paris, ông Sarkozy nói rằng hiệp ước châu Âu mới cần được ký chậm nhất vào tháng 3 tới để đảm bảo rằng, một cuộc khủng hoảng tương tự sẽ không bao giờ lặp lại.

Theo hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức, hai nền kinh tế đầu tàu khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), các thành viên sẽ phải kiểm tra ngân sách kỹ lưỡng hơn; nếu thâm hụt, họ sẽ bị trừng phạt.

Đề xuất của hai nhà lãnh đạo bao gồm: tự động áp đặt lệnh trừng phạt đối với bất kỳ thành viên eurozone nào phá vỡ mức thâm hụt 3%; yêu cầu ngân sách quốc gia có “nguyên tắc vàng” để chống lại việc thâm hụt.

Tòa án Công lý châu Âu sẽ xác nhận các ngân sách này; không phát hành trái phiếu euro cùng sở hữu; người đứng đầu chính phủ các nước thành viên eurozone dự hội nghị thượng đỉnh hằng tháng cho đến khi khủng hoảng kết thúc.

Cuộc gặp tại Paris diễn ra trước Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vào thứ 6 tới. Hội nghị được hy vọng là liều thuốc đặc trị khủng hoảng nợ công, đảm bảo eurozone sẽ không sụp đổ.

Bà Merkel nói rằng Đức và Pháp muốn nhìn thấy “những thay đổi về mặt cấu trúc, vượt khỏi các thỏa thuận”. Hai nhà lãnh đạo nói họ muốn những thay đổi trong Hiệp ước châu Âu được tất cả 27 thành viên EU áp dụng. Nếu không thể thì chỉ 17 thành viên eurozone áp dụng.

“Gói giải pháp này cho thấy chúng tôi hoàn toàn quyết tâm duy trì euro là một đồng tiền ổn định và là một nhân tố quan trọng đối với sự ổn định của châu Âu”, bà Merkel nói.

Ý nâng tuổi nghỉ hưu, thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Để đối phó khủng hoảng nợ công, hôm qua, chính phủ của Thủ tướng Ý Mario Mont thông qua gói giải pháp tái áp thuế hoặc tăng thuế; nâng thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi nghỉ hưu; tiết kiệm ngân sách khoảng 20 tỷ euro vào năm 2014, nhưng chi thêm 10 tỷ euro cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ý sẽ nâng thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 40 lên 41 năm đối với nữ và 42 năm đối với nam. Giai đoạn 2012-2017, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ là 66, nữ là 62 tuổi (hiện là 60). Từ năm 2018, độ tuổi nghỉ hưu chung là 66; người lao động có thể làm việc đến 70 tuổi.

Ý cũng sẽ tái đánh thuế nhà ở, kiều hối; tăng thuế đối với một số mặt hàng xa xỉ như du thuyền, máy bay riêng, xe hơi đắt tiền…

Minh Long
Theo BBC, AP, Reuters

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.