Ðề xuất rút phương án điện một giá:

Sẽ tính lại các mức giá điện bậc thang

Bộ Công Thương sẽ hoàn tất biểu giá điện bậc thang mới để trình Thủ tướng trong quý III
Bộ Công Thương sẽ hoàn tất biểu giá điện bậc thang mới để trình Thủ tướng trong quý III
TP - Ðây là yêu cầu được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đưa ra tại cuộc họp về cải tiến cơ cấu biểu giá điện do Bộ Công Thương tổ chức chiều 18/8.

Theo Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn, thời gian qua Bộ Công Thương nhận được 130/154 ý kiến góp ý từ các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và chuyên gia ủng hộ việc cần thiết điều chỉnh biểu giá điện bậc thang cho phù hợp tình hình mới. Đa số các ý kiến góp ý đều cho rằng, bên cạnh việc điều chỉnh rút gọn biểu giá điện bậc thang từ 6 bậc xuống còn 5 bậc, cần có thêm biểu giá điện 1 bậc cho các khách hàng lựa chọn.

Theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý và đảm bảo khách hàng dùng điện có thêm sự lựa chọn, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án cho phép người dân lựa chọn điện một giá và điện bậc thang. Cụ thể, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến 2 phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện. Phương án 1 vẫn tính theo bậc thang nhưng giảm một bậc so với biểu giá 6 bậc hiện hành. Phương án 2 gồm 5 bậc thang và một giá điện, nhưng chia theo 2 kịch bản 2A và 2B, trong đó phương án một giá điện được tính bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân.

Các phương án được xây dựng đều chú ý nguyên tắc đảm bảo cho 18,7 triệu khách hàng (chiếm hơn 73% khách hàng) sử dụng dưới 200 kWh/tháng không bị tăng chi phí sử dụng điện hằng tháng. Đối với tất cả các phương án, đa số các khách hàng sử dụng dưới 600 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm so với giá điện hiện hành (từ 2.800 đến 12.800 đồng). Khách hàng sử dụng 100 kWh tiền điện sẽ giảm khoảng 2.800 đồng. Với khách hàng sử dụng 500 kWh tiền điện sẽ giảm khoảng 7.200 đồng và khách hàng sử dụng 600 kWh tiền điện sẽ giảm khoảng 1.600 đồng.

Riêng những khách hàng sử dụng ở mức 300 kWh tiền điện sẽ tăng do ghép bậc 201-300 kWh và 301-400 kWh thành bậc mới. Số tiền phải trả tăng thêm khi sử dụng ở mức 300 kWh là 7.100 đồng.

Theo ông Tuấn, sau khi đưa ra lấy ý kiến rộng rãi người dân, các địa phương, chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng, biểu giá điện 1 bậc hiện đang quá cao. Cùng đó ý kiến cho rằng, phương án giá điện 2A và 2B không khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm trong khi đây là chủ trương của Chính phủ. Vi vậy, Cục Điều tiết điện lực đề xuất cho rút phương án giá điện 2A và 2B. Cùng đó sẽ điều chỉnh mức độ trong các phương án giá điện bậc thang được đề xuất.

Về việc điều chỉnh tiếp biểu giá điện bậc thang, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, phương án điện bậc thang 5 bậc là hợp lý và đảm bảo sự công bằng cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện. Theo ông Dũng, với những bất cập được các chuyên gia góp ý thời gian qua, có thể cân nhắc việc bỏ phương án điện một giá. Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng cũng cho rằng, hoàn toàn có thể chưa đề xuất phương án điện một giá trong thời điểm hiện nay khi các yếu tố về kỹ thuật chưa đáp ứng được.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Anh Sơn cho rằng, cần lấy ý kiến người dân, đại diện các tổ dân phố về việc biểu giá điện đã hợp lý hay chưa. Càng làm minh bạch, lấy đủ ý kiến người dân, bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo vệ hoạt động của các đơn vị sản xuất điện là rất cần thiết. “Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, cần cân nhắc tính toán lại các phương án biểu giá điện làm sao đáp ứng đảm bảo quyền lợi cho đa số khách hàng, bảo vệ được người yếm thế trong xã hội”, ông Sơn nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần giải quyết hài hoà các yêu cầu về quản lý nhà nước, đảm bảo cấp điện cho nền kinh tế, đảm bảo tiết kiệm điện trong bối cảnh tăng trưởng sử dụng điện hằng năm lên tới trên 10% và việc đáp ứng đủ điện ngày càng khó khăn. Cũng theo ông Hải, tiêu chí số một là phải khuyến khích tiết kiệm điện. “Nhiều người dân muốn có phương án một giá điện vì muốn mọi thứ đơn giản, minh bạch thay vì bậc thang. Đời sống người dân ngày càng cao, nhu cầu sử dụng điện càng tăng, vì vậy cần có sự điều chỉnh về biểu giá điện bậc thang”, ông Hải nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, giá điện là vấn đề rất nhạy cảm, rất “nóng”, nhận được sự quan tâm sâu sắc của tất cả người dân, thậm chí hơn cả vấn đề giá xăng dầu. Theo ông Vượng, ở khía cạnh cơ quan chức năng, dù chúng ta có cố gắng hơn nữa thì vẫn có người hài lòng, hay không hài lòng. Trong tất cả các lần lấy ý kiến về giá điện, không bao giờ có 100% số người cùng hài lòng. “Biểu giá điện xây dựng thế nào đi nữa cũng phải đáp ứng yếu tố hỗ trợ người dân, hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn, đồng thời đảm bảo năng lực tài chính để hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất điện, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đồng thời khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả”, ông Vượng nói.

Theo ông Vượng, việc xây dựng biểu giá điện lần này phải đảm bảo không để người dân dùng điện tăng thêm 1,5 lần trong các tháng nóng nhưng phải trả cao hơn đến 1,7 đến 2 lần.

Hoàn tất phương án điện bậc thang mới trong quý III

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc trộn lẫn biểu điện một giá với phương án 5 bậc là chưa phù hợp với thực tiễn. Chưa kể biểu điện một giá hiện chưa đảm bảo việc cân đối điện, đáp ứng nhu cầu của người dân. Sau khi rút phương án một giá điện, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý phương án giá điện theo 5 bậc thang (phương án 1) để hoàn thiện, trình Thủ tướng xem xét vào quý III/2020.

 “Điện một giá đang không đảm bảo sự quan tâm cũng như cơ chế an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo. Vì thế điện một giá sẽ không hiệu quả”, ông Tuấn Anh nói.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp thu ý kiến góp ý về giá tính cho từng bậc thang cũng như khoảng cách giữa các bậc và ảnh hưởng cho từng nhóm đối tượng. Vì vậy Bộ Công Thương sẽ làm việc với các chuyên gia, tiếp tục tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, người dân, tổ chức để đảm bảo việc xây dựng biểu giá bán lẻ điện phù hợp hơn nữa trong thời gian tới”, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu.

“Dù xây dựng phương án nào, các cơ quan chức năng phải đảm bảo không làm tăng giá điện bình quân. Chưa kể hiện tại người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, vì vậy việc xây dựng biểu giá điện sinh hoạt bán lẻ phải tính toán và cân nhắc lại. Hiện trong tổ xây dựng biểu giá điện bán lẻ chưa có đại diện của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan chủ quản của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam. Ủy ban Quản lý vốn là đơn vị chịu trách nhiệm về quản lý vốn của EVN vì vâỵ cần có thêm ý kiến của đại diện Ủy ban tham gia xây dựng biểu giá điện. Việc xây dựng biểu giá cũng cần có ý kiến của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để đánh giá tác động với các hộ sử dụng điện”, ông Trần Tuấn Anh nêu ý kiến.

MỚI - NÓNG