Sẽ qua cơn sóng gió?

Sẽ qua cơn sóng gió?
TP - TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh ĐH Ngân hàng TPHCM khuyến cáo “nhà đầu tư đừng mất bình tĩnh, TTCK chưa đến nỗi đen tối như mọi người lo sợ”.

Còn trên sàn bên cạnh những nhà đầu tư “tháo chạy” hay rời sàn chờ sau Tết thì vẫn còn không ít người vẫn nuôi hy vọng. Cơ sở nào để họ tin vào “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”?

Dù đã dạn dày qua những thăng trầm liên tục của TTCK năm 2007 nhưng sau một tuần VN-Index rơi xuống dưới 900 điểm rồi dưới 800 điểm, nhiều nhà đầu tư lại vội bán tháo vì lo sợ một cái Tết ảm đạm cho số vốn không dày của mình.

Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó Tổng Giám đốc CTCK Đông Dương cho rằng đợt điều chỉnh này sẽ “sàng lọc” khá nhiều nhà đầu tư. Theo ông Chinh thì dù vốn nhỏ nhưng có chiến lược lâu dài, phân tích và nắm bắt thông tin tốt thì chưa nên rời sàn vào thời điểm này. Trên thực tế bên cạnh những thông tin xấu thì cũng có không ít những thông tin tốt.

Năm 2007 là năm mà hầu hết các tổ chức niêm yết đều có lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay như Đạm Phú Mỹ lãi hơn 1.300 tỷ đồng, SSI lãi hơn 850 tỷ, ACB và STB đều có lợi nhuận trên  1.000 tỷ đồng… Hàng chục tổ chức niêm yết có mức lợi nhuận tăng trên 100% so với năm 2006.

Bên cạnh đó, các cơ quan điều hành cũng đã nhìn ra những bất cập và đang điều chỉnh dần. Theo nguồn tin của chúng tôi, Bộ Tài chính, UBCKNN và NHNN chắc chắn sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể vực dậy TTCK trong vòng vài ngày tới sau khi cân nhắc đến lợi ích chung của nền kinh tế.

Bên cạnh những giải pháp tình thế như giãn IPO, điều chỉnh chỉ thị 03, giảm nguồn cung, mua vào ngoại tệ… thì việc cho nhà đầu tư chiến lược mua chứng khoán bằng ngoại tệ, một lộ trình IPO thích hợp, xây dựng phương thức IPO hợp lý hơn, đề ra chính sách quản lý TTCK phát triển bền vững… đã được tính đến.

Thịnh suy là việc... bình thường!

Ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc CTCK VIS thừa nhận một trong những nguyên nhân chính kéo giá chứng khoán xuống quá thấp do nhà đầu tư bị tác động tâm lý.

Ông Linh còn cho rằng những biện pháp vực dậy TTCK từ Bộ Tài chính, UBCKNN, NHNN cũng không thể  đưa ngay ra thị trường trong một vài ngày tới được vì vậy mong chờ một “phép màu” đến ngay lập tức là rất khó. 

Chứng khoán thế giới hồi phục

Sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất xuống còn 3,5%, ngày 23/1 TTCK thế giới tăng nhẹ sau những ngày ảm đạm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế Mỹ.

Tại London, chỉ số FTSE 100 tăng 2,9%, FTSE Eurofirst 300 tăng 2,1%, chỉ số CAC 40 tại Paris tăng 2,1%, chỉ số Xetra Dax tại Frankfurt (Đức) tăng 0,1%. Tại Wall Street (Mỹ), chỉ số S&P 500 tăng gần 1,1%, đạt 1.310,50 điểm.

Còn tại châu Á, chỉ số MSCI Asia Pacific Index tại sàn giao dịch Tokyo tăng thêm 2,7%, đạt 135,64 điểm, cao nhất kể từ 19/9/2007. Cổ phiếu tại Hong Kong tăng 7% lúc mở cửa, Thượng Hải tăng 2% ngay đầu phiên. Chỉ số Nikkei 225 tăng 3,4%, chỉ số S&P/ASX 200 Index (Australia) tăng 5,3%...

Bà Vũ Kim Anh (sàn ACBS) cho biết với mức lời hàng chục tỷ đồng sau 2 năm đầu tư chứng khoán bà có thể bám sàn cho đến khi VN-Index trở về mốc 500 nhưng “tôi quay sang đất kiếm lời nhanh hơn và khi nào TTCK xuống tới đáy lại trở về mua vào”.

“Chiến thuật” này bà và bạn bè đã từng áp dụng hồi giữa năm 2007 và nay họ quyết định rời sàn trước khi thị trường địa ốc ngưng sốt.

Giám đốc một quỹ đầu tư lớn cảnh báo các nhà đầu tư nhỏ, mới vào thị trường đừng nên quá hoang mang trước dòng người rời TTCK sang các kênh đầu tư khác vì ông này khẳng định “cũng giống như các thị trường khác, thịnh suy là việc bình thường và quan trọng hơn cả là TTCK Việt Nam vẫn còn triển vọng phát triển trong năm 2008 vì với quy mô bằng 37% GDP hiện nay thì TTCK Việt Nam vẫn còn nhỏ”.

Nhà phân tích chứng khoán Thiệu Quang Thắng nói đừng lấy VN-Index của đầu năm 2008 còn thấp hơn đầu năm 2007 để nhận định TTCK Việt Nam đang bị kéo lùi vì quy mô thị trường hiện nay có giá trị vốn hóa  thị trường tương đương  37% GDP, tăng 138% so với cuối năm 2006.

Theo ông Thắng thì trên tổng thể TTCK vẫn phát triển so với cùng thời điểm năm 2007 và “không chỉ nhà đầu tư trong nước mà nhà ĐTNN đều muốn kéo TTCK Việt Nam lên lại”.

Từ đầu năm 2007 đến nay, đây là thời điểm mà TTCK Việt Nam chao đảo mạnh nhất và cũng là lúc lòng tin vào thị trường này nơi nhà đầu tư bị sút giảm nặng nề. Trước tình cảnh này, những biện pháp tình thế có thể giúp thị trường hồi phục nhưng bền vững hay không thì còn là dấu hỏi lớn.

Giờ đây, chỉ “cứu” TTCK chưa đủ mà điều quan trọng nhất nơi các nhà điều hành là lấy lại niềm tin vì nói như ông Đào Hồng Châu, Phó Tổng Giám đốc Eximbank thì “hiện nay dân không bỏ tiền vào chứng khoán chứ không phải họ không có tiền.

Cơn sốt địa ốc hút hàng trăm ngàn tỷ đồng chứng tỏ dân có rất nhiều tiền. Năm 2006-2007, tiền đổ vào chứng khoán bằng cả hệ thống ngân hàng cổ phần huy động trong vòng 15 năm. Nhiệm vụ của các cơ quan quản lý là làm cách nào để họ tin và rót tiền vào chứng khoán lại”.

MỚI - NÓNG