Sẽ khó khăn trong cân đối vốn nội, ngoại tệ?

Sẽ khó khăn trong cân đối vốn nội, ngoại tệ?
Cùng với quyết định giảm đồng loạt lãi suất cho vay, các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi. Lãi suất VND giảm nhanh đặt ra một số vấn đề về tỉ giá và sự biến động trong cân đối vốn của các ngân hàng.
Sẽ khó khăn trong cân đối vốn nội, ngoại tệ? ảnh 1
Lãi suất huy động VND được điều chỉnh giảm tại nhiều ngân hàng.

9 tháng đầu năm 2008, các NH liên tục tăng LS rất cao để huy động tiền gửi VND (có thời điểm đến 19,5%/năm). Do khả năng thanh khoản của các NH không ổn định, kỳ vọng lạm phát cao nên vốn huy động của các NH có cơ cấu dịch chuyển theo hướng bất lợi, kỳ hạn danh nghĩa khách hàng chọn gửi rất ngắn, chỉ đến 3 tháng, thực tế còn ngắn hơn vì khách hàng chọn các sản phẩm tiền gửi rút gốc linh hoạt. 

Thời gian này, tuy LS cao nhưng tốc độ tăng nguồn vốn VND vẫn thấp hơn kế hoạch đặt ra. Trong khi đó nhu cầu vốn tín dụng VND rất lớn, gây ra sự mất cân đối giữa nguồn và sử dụng vốn của các NH.

Từ cuối tháng 9 đến nay, do dư nợ tăng thấp nên vốn khả dụng VND dư thừa tương đối nhiều, cộng thêm tình hình kinh tế có dấu hiệu giảm phát, các NH đã liên tục hạ LS tiền gửi VND. Từ 16,5%- 17,5%/năm  giảm về từ 10,5%-14,5%/năm.

Việc LS huy động vốn VND về đến mức 10%/năm ngay trong tháng 11.2008 là một sự khá bất ngờ. Cách đây không lâu, một số NH dự kiến LS năm nay chỉ về đến 12%, đầu 2009 mới về 10%.

Có thể thấy tốc độ giảm LS tiền gửi cao hơn khá nhiều so mức giảm LS cho vay. Nguyên nhân chính do NH đang cố gắng giảm chi phí vốn, hạn chế khó khăn thu nhập và làm cơ sở để hạ LS cho vay. Bên cạnh đó, NH muốn tránh  cảnh một số DN đem vốn  gửi có kỳ hạn hưởng LS cao, rồi lại đi vay NH với mức LS thấp hơn để sản xuất, kinh doanh.

Điều đáng chú ý hiện nay mức độ cạnh tranh huy động vốn VND không còn diễn ra gay gắt. Hoạt động chủ yếu, trọng tâm của các NH vào những tháng cuối năm là tích cực  tìm kiếm  giải pháp sử dụng vốn có hiệu quả.

Áp lực lên tỉ giá

Hiện nay lãi suất tiền gửi USD kỳ hạn 3,6,9, 12 tháng của các NH đang ở mức từ 4%-6%/năm. Mặt bằng lãi suất huy động USD của các NHTMCP cao hơn của các NHTMNN từ 1,2%-1,5%/năm.

Trong khi dự đoán lãi suất kinh doanh VND tiếp tục giảm thì một số NH lại dự kiến lãi suất tiền gửi USD có thể  tăng nhẹ. Một số chuyên gia tài chính cho rằng NHNN phải cân nhắc kỹ quyết định có nên tiếp tục hạ LS cơ bản (LSCB) bằng VND hay không.

Theo họ, có vẻ như các cơ quan quản lý  mới chỉ quan tâm đến một phía của vấn đề là  LSCB hạ buộc các NHTM hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn, mà chưa chú ý đến tương quan  giữa  VND và  USD trong lĩnh vực lãi suất và tỉ giá.

Phó TGĐ một NHTMCP nói: "Nếu LS huy động VND tiếp tục giảm nữa thì khá nguy hiểm. Hiện nay chênh lệch giữa LS tiền gửi VND và USD không lớn nữa, chỉ còn ở mức khoảng 4%-6%/năm, trong khi đó tỉ giá lại đang có xu hướng tăng.

Nếu mức chênh lệch LS giữa hai đồng tiền tiếp tục thu hẹp lại cộng với sự biến động bất thường của giá USD,  có thể khiến nhiều người gửi tiền chuyển từ VND sang USD, gây áp lực cho tỉ giá và  khó khăn cho NH trong việc quản lý cân đối vốn".

Dòng tiền sẽ đổ về đâu?

Hàng hoá, vàng, bất động sản, chứng khoán, ngoại tệ... là những kênh đầu tư chính. Nhìn vào danh mục đầu tư này, đặt trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới hiện nay thì, theo nhiều nhà đầu tư (NĐT) bảo toàn  tiền mặt vẫn là tối ưu.

Nhưng vấn đề hiện nay đối với mỗi cá nhân NĐT là giữ tiền mặt là nội tệ hay ngoại tệ? Cho đến đầu tháng 11.2008, tốc độ tăng nguồn vốn huy động của các TCTD đã cao hơn các tháng trước. Riêng tại địa bàn Hà Nội tốc độ tăng vốn huy động đến đầu tháng 11 tăng 4% so cuối tháng 9.2008, tuy nhiên tốc độ tăng dư nợ cùng thời kỳ thấp hơn (chỉ đạt 1%).

Như vậy có thể thấy nếu cho vay không mở rộng được, các NH sẽ còn tiếp tục hạ LS tiền gửi. Tuy nhiên, nếu giá vàng tiếp tục sụt giảm, TTCK và BĐS không hồi phục, sức cầu hàng hoá cuối năm  không tăng... thì dòng tiền (nội và ngoại tệ) sẽ lại tiếp tục gửi vào NH cho dù LS tiếp tục hạ.

Dòng tiền vào NH lần này không còn là những dòng tiền "nóng" (như 6 tháng đầu năm 2008) mà sẽ "nằm im" khá lâu cho đến khi kinh tế có dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng, các kênh đầu tư khởi sắc lại.

Tuy nhiên, một số lãnh đạo NH vẫn lo ngại nếu LS huy động VND tiếp tục giảm thấp nữa, người có tiền sẽ không còn muốn gửi NH mà sẽ đầu tư hướng khác như vàng, ngoại tệ... Họ cho rằng diễn biến dòng vốn trên thị trường tiền tệ trong thời gian tới có thể còn chứa đựng những bất ngờ...

Theo Trịnh Ngọc Lan
Lao động

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.