Có ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT làm đề thi kiểu “đẽo cày giữa đường” nên năm dễ, năm khó.
Ý kiến của ông ra sao?
Tất nhiên trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT phải có kế hoạch dài hơn. Kỳ thi “2 trong 1” không phản ánh đầy đủ. Kỳ thi THPT quốc gia là sau 12 năm học chúng ta phải có một kỳ thi để đo lường, đánh giá chất lượng. Nó không phải là kỳ thi tốt nghiệp cũng không phải là kỳ thi đại học, mà kết quả đo lường đánh giá đó trước hết để xét tuyển CĐ - ĐH, xa hơn là qua phân tích như vậy có những hoạch định để điều chỉnh quá trình giáo dục, để làm sao chúng ta chuyển từ chú trọng kiến thức sang đánh giá năng lực người học. Để làm được điều đó quá trình thực hiện đề thi rất khó. Sắp tới sẽ có cách làm linh hoạt hơn để huy động được trí tuệ quốc gia.
Thưa ông, những ngày gần đây, thông tin các trường công an, quân đội có số thí sinh thi đỗ vào trường với số điểm rất cao tập trung ở Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn- những tỉnh đang dính bê bối gian lận thi cử, quan điểm của Bộ GD&ĐT như thế nào?
Đấy là thực tế và báo chí cũng đã đưa ra những con số tôi cho là rất xác đáng. Như tôi nói ban đầu khi còn ở Sơn La, chúng ta đừng đặt vấn đề tất cả các em đó đều là những thí sinh có gian lận thi cử. Bởi nói như vậy rất tổn thương các em. Hiện tại, sự việc ở các địa phương chúng ta đang trong quá trình xử lý. Do đó, trước mắt chúng ta tạm thời chấp nhận kết quả ấy để tuyển sinh và thực tế các em đã tuyển sinh. Tuy nhiên khi có kết quả điều tra, như tôi nói ban đầu, sẽ soi chiếu vào quy chế để xử lý. Và lúc đó sẽ trả về kết quả thực tế của các em, thậm chí sẽ xử lý ở mức độ cao nhất và cần có thời gian chờ đợi.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu một số địa phương khác, điểm thi hiện rất cao có “dính” gian lận hay không, thưa ông?
Những sai phạm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình chắc chắn là cá biệt, không thể nói cả 63 tỉnh thành đều như vậy. Các sở GD&ĐT, những người trong cuộc cũng rất bất bình, phản đối, không thể tin có sai phạm như thế và quan điểm nếu có sai phạm thì phải xử lý. Thời điểm này, Bộ Công an đang nỗ lực cao nhất về nguồn lực con người và nguồn lực kỹ thuật, tài chính để sớm xác minh sớm có câu trả lời. Từ đầu đến nay, Bộ Công an và Bộ GD&ĐT luôn xác định đây là nhiệm vụ rất trọng tâm.
Các trường ÐH phải sàng lọc, siết chặt đào tạo
Hiện tại có trường ĐH, CĐ nào đề xuất Bộ GD&ĐT rà soát lại kết quả thi chưa, thưa ông?
Hiện tại, Bộ GD&ĐT chưa nhận được thông tin trường nào có đề xuất rà soát lại kết quả thi THPT quốc gia. Chúng ta phải hiểu, việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ hiện nay trên tinh thần tự chủ. Chẳng hạn như phương thức thế nào, sử dụng những hình thức tuyển sinh nào, sử dụng kết quả của kì thi THPT quốc gia ở mức độ nào… đó là quyền của các trường. Đương nhiên, chăm lo cho chất lượng, các trường có giải pháp riêng như: Sơ tuyển, đánh giá năng lực hoặc có hệ số điểm cho các môn chính. Nếu các trường đề xuất nhưng không bị cấm, thì tùy các trường và nếu cần yêu cầu Bộ GD&ĐT hỗ trợ, Bộ sẽ hỗ trợ, tùy vào yêu cầu của từng trường.
Như vậy, nếu các trường yêu cầu rà soát lại kết quả thi, Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ, tùy từng yêu cầu, thưa ông?
Khi có kết quả cụ thể của các trường, chúng tôi sẽ xem xét. Tất nhiên, tôi vẫn khẳng định nếu nhà trường cần sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT thì chúng tôi sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu nói rộng ra, một giải pháp căn cơ và rất bài bản mà chúng tôi rất muốn làm đó là, các trường phải siết chặt đào tạo, sàng lọc chuẩn xác, để đến một lúc nào đó, việc tuyển sinh trở nên nhẹ nhàng nên các con cũng không cần phải gian lận làm gì nữa.
“Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục được tổ chức trong những năm tới. Những gì chúng ta còn hạn chế đã nhìn thấy phải nghiêm túc, quyết tâm, hoàn thiện nó. Cụ thể là các vấn đề về đề thi, giải pháp kỹ thuật”.
Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Bộ GD&ÐT Mai Văn Trinh