Sẽ đổi mới cách dạy, cách thi để không học lệch

Sẽ đổi mới cách dạy, cách thi để không học lệch
TP - Tại phiên giải trình hôm qua với Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận có tình trạng học lệch do chạy theo thi cử trong giáo dục phổ thông. Cũng trong phiên giải trình, ông Phạm Vũ Luận có nêu một số vấn đề liên quan tới chương trình - SGK.

> Càng lên lớp cao, càng ít môn học
> Vẫn 12 năm nhưng số môn ít hơn

Đổi mới thi cử

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (Đăk Nông) về việc có chăng chuyện học lệch hiện nay trong trường phổ thông, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận công nhận: “Có tình trạng học lệch”.

Theo ông Luận, biểu hiện học lệch không chỉ ở việc chưa chú trọng dạy - học những nội dung khác ngoài các môn văn hoá mà ngay trong các môn học văn hoá cũng lệch theo định hướng thi cử.

Học sinh định thi khối thi đại học nào thì sẽ chỉ chuyên tâm học các môn của khối thi đó. Ở cấp học thấp hơn, học sinh cũng chỉ chú trọng học các môn mà các em sẽ phải thi trong kỳ thi tuyển sinh vào THPT.

Lý giải nguyên nhân tình trạng học lệch, ông Luận cho rằng do chương trình học hiện hành được thiết kế quá nhiều môn trong khi đó cách dạy học vẫn chỉ là thi gì học nấy.

Trước đó, trong phần báo cáo của mình, ông Luận cũng dành nhiều thời gian phân tích các hạn chế, bất cập của chất lượng hoạt động thi cử, đánh giá hiện nay.

Theo đó mục tiêu giáo dục và các tiêu chí đánh giá kết quả giáo dục chưa thống nhất với nhau (mục tiêu thì toàn diện, đánh giá thì thiên về kết quả học tập của một số môn).

Ngoài ra chất lượng các kỳ thi, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT hiện nay còn nhiều vấn đề. “Chưa xây dựng được ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề thi có chất lượng. Tính minh bạch của thông tin về kết quả đánh giá chất lượng giáo dục chưa có độ tin cậy cao. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT trong các năm gần đây không ổn định, bất thường (tỷ lệ tốt nghiệp tăng rất nhanh, gần 16% từ năm 2007 đến 2011, mức độ dao động trong mỗi tỉnh cao hơn giữa các tỉnh) gây nhiều băn khoăn, lo lắng và nghi ngại về chất lượng giáo dục”, ông Luận nói.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Đình Diện (Quảng Bình) về giải pháp nhằm đưa ra kết quả đánh giá thực chất, ông Luận cho biết Bộ GD&ĐT đã, đang và sẽ đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử.

Hiện nay việc đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông của các địa phương chủ yếu căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp và điều đó tạo nên sức ép khiến kỳ thi không thực chất.

“Chúng tôi có chủ trương tách chuyện thi tốt nghiệp với chuyện đánh giá chất lượng giáo dục bằng cách từ hai năm nay tham gia vào chương trình đánh giá PISA.

Đây là chương trình đánh giá chất lượng của các nước châu Âu, muốn thực hiện phải theo một quy trình nghiêm ngặt. Hiện nay chúng tôi đang xử lý vòng test năm ngoái.

Theo lộ trình thì 2013 sẽ công bố việc này và nếu thế chúng ta sẽ biết chất lượng giáo dục phổ thông của ta nằm ở đâu so với các nước phát triển trên thế giới.

Cũng từ việc tham gia PISA, chúng tôi học được phương pháp, tập huấn cán bộ để đánh giá các địa phương, các cơ sở giáo dục để tránh sức ép phải cho điểm thi cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT”.

Giảm dần kiến thức hàn lâm trong SGK

Liên quan chất lượng giáo dục phổ thông, nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về chương trình - SGK hiện hành và giải pháp cho chương trình dự định biên soạn sau 2015.

Đại biểu Lê Thị Tám (đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An) thắc mắc, phải chăng do những đội ngũ biên soạn chương trình - SGK hiện hành là những học giả cao tuổi nên nội dung sách còn nặng tính hàn lâm? Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (đại biểu quốc hội TPHCM) cũng cho rằng bộ SGK hiện hành còn nhiều bất cập: kiến thức nặng nề, xa rời thực tế, khá chuyên sâu… và đề nghị Bộ GD&ĐT nêu giải pháp khắc phục.v.v...

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng đội ngũ viết sách tuổi cao không phải là nguyên nhân gây ra những bất cập trên bởi “thầy già” chưa bao giờ là một nhược điểm trong lĩnh vực giáo dục, thậm chí “thầy giáo già là rất quý”.

“Nhưng có cảm giác là chưa thay đổi được phương pháp dạy, phương pháp học và phương pháp thi cho nên SGK vẫn chỉ là truyền thụ kiến thức và yêu cầu các em học sinh nhắc lại kiến thức đó, khả năng vận dụng ít. Vấn đề xa rời thực tiễn, hàn lâm, xa rời cuộc sống, nặng là khó tránh khỏi”, ông Luận lý giải.

Ngoài ra, ông Luận còn cho rằng việc thiếu một tổng chủ biên để xây dựng một chương trình như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, từ chương trình cấp học đến chương trình từng môn học là một kinh nghiệm xương máu mà Bộ GD&ĐT sẽ phải ghi nhớ khi bắt tay vào xây dựng chương trình mới.

Ông Luận nói: “Chúng tôi đang tính toán chuyện đổi mới chương trình nội dung dạy học thi cử sau 2015, sẽ tính toán một cách kỹ hơn, cả về thiết kế mục tiêu, thiết kế chương trình - SGK, sách hướng dẫn giáo viên, thay đổi cách thi cử, đánh giá. Chương trình sau năm 2015 này thì sẽ tích hợp nhiều hơn. Giảm dần lượng kiến thức hàn lâm sách vở, đưa những kiến thức gần với cuộc sống, gần với kỹ năng các cháu phải có sau này khi ra đời”.

Trong phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi có nêu vấn đề quan điểm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT thế nào trước đòi hỏi của dư luận là có một chương trình nhiều bộ SGK? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận xin phép từ chối vì đang nghiên cứu và chưa tiện trao đổi trong phạm vi rộng: “Chúng tôi chủ động nghiên cứu từ 2 năm nay. Đây là việc nghiêm túc hệ trọng. Phương án thế nào xin phép chưa được trả lời. Sẽ có báo cáo hẹp với lãnh đạo Ủy ban, và sau đó là báo cáo với Quốc hội”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG