Sẽ có một Idecaf giữa Hà Nội

Sẽ có một Idecaf giữa Hà Nội
TP - Từ 3/7, tại Hà Nội sẽ có thêm một địa chỉ mới về sân khấu kịch mang phong cách Ideacaf của TPHCM. Như hy vọng của ông chủ Chí Trung, sân khấu này sẽ luôn đỏ đèn và trở thành món ăn bình dân của người Hà Nội vào mỗi tối.

“Tôi không thua Thành Lộc, Hồng Vân… bởi tâm huyết, tài năng hay cách thức thực hiện, nhưng tôi thua ở cơ hội và sự mạnh dạn. Tôi mong sẽ làm được một điều gì đó trên chính mảnh đất khắt khe và nhiều gian nan này”, NSƯT Chí Trung tâm sự khi được hỏi về những dự định hướng đi mới của Nhà hát Tuổi trẻ.

Mấu chốt là khán giả

Các sân khấu kịch phía Nam lúc nào cũng sáng đèn. Vì sao ngoài Bắc không làm được như thế? Diễn viên không có tài, cơ chế hay khán giả quay lưng?

Nhìn thấy các sân khấu kịch Idecaf, Phú Nhuận…lúc nào cũng cháy vé, từ các chương trình cho trẻ con, từ chính kịch đến hài kịch, nếu không đi sớm sẽ hết vé, đôi lúc tôi cũng ấm ức lắm chứ.

Nhưng cũng phải nhìn quy luật phát triển tất yếu của tự nhiên, khi có cầu thì mới có cung. Mọi người đều quay ra trách cứ nhau rằng các nghệ sĩ ngoài Bắc không biết cách bán sản phẩm hay khán giả thờ ơ với sân khấu. Tất cả đều không phải. Mấu chốt phải là khán giả.

Chứ không phải vì các diễn viên phía Nam thức thời hơn với những cách tiếp cận mới?

Tôi không phủ nhận tài năng của các bạn diễn phía Nam, nhưng xin khẳng định thành công chỉ đến khi khán giả có nhu cầu và tung hứng cùng các nghệ sĩ.

Dù thế, tôi cũng thừa nhận rằng, các diễn viên Bắc đang làm cho cái cầu nhỏ nhoi đó tụt đi. Khán giả đã vắng mà nghệ sĩ lại không kích cầu số khán giả ít ỏi ấy nữa, thì đó là lỗi của tôi, của các nghệ sĩ miền Bắc. Vấn đề là phải nhóm lửa để kích cầu.

Nhiều lúc thấy lòng tự trọng bị tổn thương vì không có khán giả, nên tôi quyết tâm tạo một hơi thở mới, một sức sống mới cho các đồng nghiệp của mình để đến gần hơn với khán giả.

Ý định Nam tiến

Nghe nói anh cũng đã gặp đạo diễn Phước Sang để bàn kế hoạch mở nhà hát miền Bắc tại TPHCM?

Cách đây ít lâu, đúng là tôi đã vào Sài Gòn và cũng có ý đồ Nam tiến thật. Nhưng rồi cấn cá, phần vì cha mẹ hai bên gia đình đều đã lớn tuổi lại nhiều bệnh, một phần quan trọng không kém là sau lưng tôi còn cả một tập thể (Chí Trung đang là trưởng đoàn kịch II – Nhà hát Tuổi trẻ, PV).

Thế nên dù xuýt xoa tiếc cơ hội, tiếc khán giả, tôi đành nghĩ kế để tung hoành, để khai phá trên chính mảnh đất đang bị coi là trì trệ với những điều đã cũ.

Anh định làm gì trên mảnh đất ấy?

Tôi đã thỏa thuận với nhà hát của Thành Đoàn Hà Nội, kết hợp để mở một điểm diễn mới cho học sinh sinh viên. Đoàn kịch II sẽ có nơi làm việc mới, coi như cơ sở 2 của Nhà hát Tuổi trẻ.

Tôi tin rằng với những hoạt động đều đặn và liên tục, nhà hát sẽ được nhiều khán giả quan tâm yêu thích hơn. Nếu không có gì thay đổi, chỉ hơn một tháng nữa, đoàn của tôi sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Kéo giá vé xuống thật thấp

Vì sao anh lại chọn cách đưa đoàn kịch II về một cơ sở biểu diễn mới?

Có tận bốn đoàn trong cùng một nhà hát, như bốn đứa con kinh doanh một cửa hàng. Nghĩa là thời gian hoạt động của mỗi đoàn chỉ vẻn vẹn có ba tháng trong năm. Tôi quyết định đưa đoàn kịch II của mình ra ngoài dù biết sẽ còn vô cùng nhiều khó khăn, trắc trở.

Không chỉ là hài kịch, chúng tôi cũng tự tin với rất nhiều vở chính kịch, cổ điển cùng những gương mặt bán vé như Lê Khanh, Hoa Thúy, Tú Oanh, Nguyệt Hằng, Quốc Tuấn, Bá Anh, Sĩ Tiến…

Tách ra tự làm tự ăn như thế, liệu có quá mạo hiểm?

Chấp nhận không có lãi trong hai năm đầu tiên, để có thể thu hút khán giả đến với mình, đón nhận và yêu quý những sản phẩm mới của mình, chúng tôi quan tâm nhất đến tiết mục sao cho phù hợp với mong muốn của thanh niên và thị hiếu của công chúng.

Chúng tôi lo từ những chỗ gửi xe, những dịch vụ xung quanh nhà hát mới sao cho mọi thứ đều phải thật hoàn hảo. Khán giả trẻ là định hướng của đoàn II. Ngay khâu chọn nhà hát của Thành Đoàn cũng là xuất phát từ định hướng ấy. Thậm chí tôi hy vọng có thể thường xuyên có những suất diễn miễn phí cho sinh viên.

Cơ sở nào để anh tự tin vậy?

Tôi tin là với sự hậu thuẫn lớn của Nhà hát Tuổi trẻ và với sự hợp tác nhiệt tình của lãnh đạo Thành Đoàn Hà Nội, khó khăn sẽ qua đi rất nhanh. Thanh niên và thiếu nhi lâu nay vẫn luôn là đối tượng phục vụ chính của Nhà hát Tuổi trẻ. Chưa kể có rất nhiều doanh nghiệp cũng quan tâm đến dự án này và cũng sẽ hỗ trợ một phần kinh phí trong khả năng có thể.

Để có nhiều khán giả đến với mình hơn, tôi và các đồng nghiệp thống nhất sẽ kéo giá vé xuống thật thấp. Tôi quyết tâm đưa chất lượng vở diễn lên cao nhưng hạ giá thành để đến gần hơn với khán giả. Các vở diễn bị đẩy giá vé cao quá là một sai lầm.

Giữa thời buổi khó khăn, có mấy ai dám bỏ ra 80.000 đồng để mua một vé xem kịch. Đi hai người, thì đã mất gần 200.000, cả gửi xe, uống nước. Thế thì làm sao kéo khán giả đến rạp thường xuyên được. Tôi quan niệm, khán giả đến được càng đông, càng thường xuyên thì càng vui.

Anh sẽ bắt đầu từ đâu?

Tôi muốn làm lại từ đầu với những tiểu phẩm nhỏ, tác phẩm nhỏ, và nhóm lửa từ những lực lượng khán giả trẻ. Hy vọng sẽ thổi một luồng gió mới cho kịch mục miền Bắc và nhà hát mới sẽ luôn sáng đèn để anh chị em nghệ sĩ yên tâm cống hiến, sáng tạo. Mong muốn của tôi chắc chắn cũng là mơ ước của biết bao nghệ sĩ: Vẫn đến được với khán giả mà vẫn giữ được nghệ thuật cho những người có thẩm mỹ.  

MỚI - NÓNG