Sẽ có mô hình ĐH không phân biệt công tư

TP - Theo PGS. TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội, thời gian tới sẽ có mô hình đại học chung, không phân biệt công hay tư.

Kiến nghị giảm chỉ tiêu ĐH công lập

Một hội nghị liên quan đến vị trí của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập vừa được tổ chức hôm qua (22/12) tại Hà Nội do Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức. TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học (ĐH) FPT cho biết theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ sinh viên ĐH ngoài công lập (NCL) năm học 2015-2016 là 13.3%. 

Con số này bằng đúng tỷ lệ cách đây 15 năm. So với thế giới, tỷ lệ này của Việt Nam không cao. Đầu những năm 2000, chúng ta mạnh dạn phát triển trường NCL nhưng từ năm 2006 đến nay, chính sách giáo dục ĐH NCL dường như ngày càng siết chặt. Theo TS. Lê Trường Tùng, dù theo mô hình nào thì cũng cần có sự đầu tư của nhà nước và tư nhân. Giải pháp mà TS. Lê Trường Tùng đưa ra là theo hướng tư nhân hóa trường công.

Còn nếu như vẫn có ý định phát triển trường đại học tư, thì theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), giải pháp quan trọng nhất là thu hẹp hệ thống trường công, có thể thực hiện theo cách giảm chỉ tiêu các trường công mỗi năm 5% trong 7 năm để tạo thị trường (và qua đó là chất lượng) cho các trường tư. 

Nếu để hai bên cạnh tranh tự do như hiện nay, đặc biệt là chủ trương của Bộ là để các trường tự xác định chỉ tiêu thì không có cách nào khác các trường ĐH NCL có thể nâng tỷ trọng lên được. Quan trọng nhất là giảm thị phần của trường công để tạo sân chơi rộng hơn cho trường tư phát triển.

“Hiện nay, sau 20 năm phát triển, hệ thống các trường ĐH NCL đang ở trạng thái rất yếu kém, các trường ĐH công lập chỉ cần tuyển sinh “rướn” lên một chút là các trường ĐH NCL hết thí sinh. Theo tôi ít nhất các trường ĐH NCL phải chiếm tỷ trọng 30% để thành hệ thống đàng hoàng không mang tính chất trang trí như hiện nay” - TS. Lê Trường Tùng nói.

Đồng ý với quan điểm của TS. Lê Trường Tùng, bà Trần Thị Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường CĐ ASEAN để xuất thêm Bộ GD&ĐT chỉ cần áp dụng đúng theo quy định của Thông tư 32 (quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh), không cho các trường ĐH công lập tuyển vượt thì sẽ có số dư cho bậc dưới hoặc trường tư. “Cơ chế tuyển sinh hiện nay là giẫm đạp lên nhau và trường công sẽ lấy hết thí sinh của trường tư. Bột mỳ loại 4, loại 5 thì không thể nào có bánh ngon” - bà Phương bức xúc.

Mô hình ĐH tự chủ, không phân biệt công tư

Phát biểu tại buổi hội thảo, PGS. TS. Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội cho rằng khó khăn nhất hiện nay của các trường ĐH NCL  là tuyển sinh.

“Chúng tôi đang đặt ra mô hình ĐH không gọi là tư thục hay công lập. Một trường ĐH đúng nghĩa mà thuộc tính của nó là tự chủ ĐH.  Ủy ban xác định chúng ta phải có hai cánh: công lập và tư thục cho sự nghiệp giáo dục trên nền chung là tự chủ ĐH. 

Chúng tôi đã trao đổi  với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng đã đồng ý với chủ trương này. Chúng tôi cũng đã trao đổi với WB. Hiện nay WB đã chuẩn bị cho chúng ta hai đề án. Một là tự chủ ĐH và hai là các trường ĐH tư thục” - PGS. Phan Thanh Bình cho hay.

Theo GS. Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, vấn đề mà trường ĐH NCL hiện nay đang gặp phải là khó khăn cơ sở vật chất; Chủ yếu tập trung vào vấn đề xử lý khó khăn trước mắt, chưa có chiến lược lâu dài do khó khăn tuyển sinh; Bất cập công tác quản lý điều hành trường;  Mâu thuẫn nội bộ kéo dài, khiếu kiện vượt cấp.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.