ĐB Ngô Văn Minh (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật): Làm rõ trách nhiệm sai phạm ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước
Tôi quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là những sai phạm vừa qua tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Vụ này giải quyết chưa xong lại đến vụ khác.
Hết PMU 18, Vinashin lại đến Vinalines, Sông Đà. Trong bối cảnh chúng ta vừa có Nghị quyết Trung ương 4, 5 thì công tác này càng cần phải đẩy mạnh.
Trách nhiệm ở đây trước hết là quản lý ngành, sau đó là Chính phủ trong quản lý điều hành chung.
Ngoài ra, đứng trước tình hình có dấu hiệu của suy giảm kinh tế thì Chính phủ phải có giải pháp như thế nào để thật sự hiệu quả, đảm bảo cho các DN vừa và nhỏ tiếp cận được với những gói cứu trợ.
Chúng ta phải khắc phục, không để tình trạng như năm 2009 có gói kích cầu 1 tỷ USD mà hiệu quả mang lại không được như mong muốn.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố giảm lãi suất huy động nhưng nhiều chuyên gia kinh tế đang băn khoăn, nếu giảm lãi suất huy động thì sẽ nảy sinh nguy cơ, người gửi tiền bị thiệt, trong khi ngân hàng hưởng chênh lệch lãi suất lớn hơn nữa.
Thực tế, DN vẫn rất khó khăn về tài chính, tiếp cận vốn. Chính sách không khéo thì nhóm ngân hàng là đối tượng được hưởng nhiều nhất chứ không phải là DN và người dân.
Các vấn đề về giao thông với nhóm giải pháp đưa ra thời gian qua làm cho người dân hết sức lo lắng, thậm chí bất bình. Những loại phí dự kiến đưa ra, rồi các giải pháp nâng cao chất lượng công trình, việc xử lý vi phạm giao thông đang là vấn đề cử tri rất quan tâm.
Tôi cũng đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Các chương trình mục tiêu quốc gia phải lồng ghép được. Nhà nước đầu tư vào khu vực này nhiều nhưng hiệu quả vẫn chưa tương xứng, sự hưởng lợi của người dân còn hạn chế.
ĐB Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp): Sẽ chất vấn Bộ trưởng TN&MT
Tôi quan tâm nhất đến các vấn đề hiện nay của Bộ TN&MT. Đầu tiên là vấn đề đất đai. Bây giờ, người dân nhiều nơi bức xúc, rất nhiều khiếu kiện, kêu cứu mà tại sao Luật Đất đai không được sửa đổi kịp thời?
Việc chưa sửa được thì cũng có nguyên nhân khách quan, nhưng Bộ trưởng TN&MT Nguyễn Minh Quang cũng phải trả lời cho công luận rõ khâu chuẩn bị đang như thế nào, hướng sắp tới ra làm sao.
Như bây giờ thời hạn sử dụng đất nông nghiệp 20 năm cũng sắp hết rồi, Luật Đất đai sửa đổi chưa xong thì hướng cụ thể tới đây ra sao?
Vấn đề nữa là về tài nguyên khoáng sản, mặc dù đã có luật nhưng tôi thấy việc thực thi, quản lý khai thác khoáng sản vẫn còn rất nhiều thất thoát, lãng phí nguồn lực của quốc gia. Báo chí phản ánh khoáng sản chúng ta vẫn xuất khẩu thô là chính, lợi nhuận lại chỉ về tay một số ít người mà có khi lại chỉ là người nước ngoài.
Việc thứ ba là liên quan đến tài nguyên Biển, Bộ TN&MT được giao quản lý về biển nhưng thực ra chủ yếu vẫn dừng lại ở hô khẩu hiệu chứ tôi chưa thấy có chiến lược hay hành động gì rõ ràng để triển khai chiến lược biển.
Bộ TN&MT là bộ đa ngành nhưng tôi thấy giống như việc toa tàu dồn lại nhiều mà đầu máy vẫn như cũ, nên rất nhiều bất cập, khó khăn. Lãnh đạo Bộ có dám nhìn thẳng vào sự thật yếu kém trong quản lý ngành của mình không?
Còn về Bộ KH&ĐT, đề án tổng thể tái cơ cấu vừa rồi nhiều ĐBQH cho rằng chưa đạt yêu cầu, việc tái cấu trúc, đặc biệt là các tập đoàn, DNNN chúng ta nói nhiều mà làm ít, trách nhiệm của Bộ KH&ĐT trong việc này như thế nào?
Rồi Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm ra sao khi để bao nhiêu tham nhũng, thất thoát trong các tập đoàn, xảy ra mà không phát hiện được hoặc phát hiện rất chậm; không có báo cáo xử lý kịp thời để kỷ luật những người có trách nhiệm.
ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc): DN đang “ngậm sâm”
Tôi quan tâm đến đề án tổng thể Tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế. Trước khi TCC phải biết nguồn lực, nhân lực Việt Nam ra sao.
Do vậy, phải kiểm kê, đánh giá lại một cách chính xác nguồn lực của mình. Cũng như xây một căn nhà phải chuẩn bị tất cả các điều kiện, vật liệu, vốn, thiếu thì vay ở đâu, ai tài trợ cho mình cái gì?
Thứ hai là tạo ra hành lang pháp lý để thực hiện việc TCC. Các tập đoàn, tổng công ty hà nước được giao trách nhiệm mũi nhọn, đầu tàu của nền kinh tế. Nhưng đến giai đoạn hiện nay, cần định hướng lại.
Một số tập đoàn, tổng công ty phải cơ cấu lại, trong đó phải đề cao tính cạnh tranh, phát huy bình đẳng các thành phần kinh tế. Có tập đoàn báo cáo lãi, nhưng thực chất là lỗ.
Sau đó được Nhà nước điều chuyển, tăng vốn điều lệ, chậm thuế, nợ thuế…làm cho nền kinh tế phát triển không lành mạnh, bình đẳng. Điều này cũng làm mất lòng tin trong nhân dân.
Do vậy, cần cổ phần hóa để minh bạch hoạt động của các DNNN. Nếu chỉ cổ phần hóa 3-5 % thì chỉ mang tính hình thức. Kể cả tập đoàn, DNNN cũng mạnh dạn cho phá sản chứ Nhà nước không thể bảo lãnh mãi được.
Thận trọng trong bước đi nhưng không có nghĩa không dám làm. Tiền của DNNN cũng là tiền của dân, phải có trách nhiệm trước pháp luật nếu làm thất thoát.
Tôi cũng quan tâm đến thực trạng nhiều DN tư nhân rất khó khăn do lạm phát cao và tín dụng ngân hàng. TCC ngân hàng đã đi trước và có tín hiệu tốt, nhưng để tạo cơ chế đồng bộ cho sự phát triển bình đẳng của DN thì chưa.
Hiện nay, ngân hàng thông báo hạ lãi suất nhưng thực chất DN vẫn khó tiếp cận vốn. Số DN đủ tiêu chuẩn để vay không nhiều. Sức khỏe DN hiện nay rất yếu, thoi thóp và phá sản nhiều.
Với lãi suất thấp hiện nay, DN vẫn khó do sức mua kém. Đây là tín hiệu xấu của nền kinh tế. Nhập siêu giảm mạnh thể hiện sự báo động của nền kinh tế chứ không phải tín hiệu tốt, là một thành tích. Nhập khẩu giảm mạnh chứng tỏ sản xuất, sức mua đi xuống.
Với gói hỗ trợ 29.000 tỷ công bố vừa qua, tôi cho tác dụng của nó chưa cao, chưa đủ độ. Những DN đã tồn tại được rồi thì tác dụng của gói này thấp, bởi được chậm thuế thì cuối năm vẫn phải nộp.
Chỉ những DN sắp chết thì được ngậm sâm, kéo dài thêm sự sống, chứ bệnh thì vẫn còn, không chữa được. Việc trị bệnh tận gốc, để DN đủ khả năng đứng dậy là chưa có.
Hà Nhân - Cao Nhật ghi